Sau 134 cuộc thanh tra, TP. HCM đã thu đủ 852 tỷ đồng sai phạm

UBND TP. HCM vừa có thông báo về kết quả rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội trong giai đoạn từ tháng 7/2018 đến tháng 6/2019.
Sau 134 cuộc thanh tra, TP. HCM đã thu đủ 852 tỷ đồng sai phạm

Trong 1 năm qua TP. HCM đã tiến hành 134 cuộc thanh tra, qua đó phát hiện 777 tổ chức, cá nhân sai phạm. Qua đó, xác định số sai phạm về kinh tế phải thu là 852 tỷ đồng (đã thu 100%), ngoài ra còn sai phạm về đất phải thu là 163,8m.

Về kết quả xử lý, có 195 tập thể và 579 cá nhân bị xử lý hành chính. Trong số 579 cá nhân có 551 người bị kỷ luật hình thức “nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm”, 1 người bị cách chức, 2 người bị cảnh cáo, 1 người bị hạ bậc lương và 24 người bị “khiến trách”.

Báo cáo cũng cho biết có 4 cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ thực hiện đã có kết luận nhưng chưa được xử lý dứt điểm gồm: Dự án Sài Gòn Safari; Quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai tại Thủ Thiêm; Quy hoạch, xây dựng và quản lý đất tại TP. HCM; Thanh tra trách nhiệm Chủ tịch UBND TP trong thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Ngoài ra còn nhiều vụ được chuyển quan cơ quan điều tra, trong đó có những vụ nổi cộm như: Việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh tại công ty TNHH Phát triển công nghiệp Tân Thuận; Thanh tra toàn diện tình hình hoạt động công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận;  Dự án mạng lưới cấp nước của công ty CP Trung An; Trách nhiệm thủ trưởng về phòng chống tham nhũng tại Sở LĐ-TB&XH; …

Đề cập đến hạn chế trong công tác này, báo cáo cho rằng các cơ quan “vẫn còn lúng túng trong việc xác định dấu hiệu tội phạm được chuyển cơ quan điều tra”.

Đồng thời vẫn xảy ra tình trạng các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thi hành kiến nghị, yêu cầu sau thanh tra (Quyết định thu hồi tiền, thu hồi đất, giảm trừ quyết toán, xử lý vi phạm hành chính...) nhưng chậm thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ và viện dẫn nhiều lý do khách quan cho việc thực hiện chậm trễ hoặc không báo cáo đầy đủ việc thực hiện.

Trong khi đó việc kiểm điểm, xử lý hành chính với các hành vi vi phạm, khuyết điểm chưa nghiêm túc, chưa tương xứng với kết luận thanh tra hoặc hết thời hiệu xử lý 24 tháng kể từ thời điểm có hành vi vi phạm.

Chính quyền TP. HCM kiến nghị Thanh tra Chính phủ hướng dẫn nghiệp vụ, nhất là nội dung xác định dấu hiệu tội phạm về tham nhũng để có cơ sở đề nghị khởi tố hoặc chuyển cơ quan điều tra. Đồng thời, thành phố đề nghị Bộ Nội vụ sửa đổi quy định xử lý kỷ luật đối với công chức, viên chức theo hướng kéo dài thời hiệu như kỷ luật về mặt Đảng.

Có thể bạn quan tâm