Sau bão tái cơ cấu, ngân hàng ồ ạt “in giấy” làm gì?

Một vài chủ nhà băng đã gồng mình “chèo lái” để đưa ngân hàng thoát khỏi khủng hoảng tài chính, “dọn dẹp” nợ xấu trên sổ sách… Sau “cuộc đại phẫu”, họ sẽ làm gì để hút dòng vốn cho những kế hoạch dài
Sau bão tái cơ cấu, ngân hàng ồ ạt “in giấy” làm gì?

57% số cổ phiếu HDbank phát hành thêm được thu gom bởi 2 cổ đông nội bộ 

Ở thời điểm thị trường chứng khoán “nóng” trở lại, cuộc đua tăng vốn của các nhà băng nhóm vừa như LienvietPostBank, VPBank, HDbank… lại ồn ào, sôi động hơn khi hé lộ những nhà đầu tư “tay to”.

Dồn dập phát hành tăng vốn

Sau cuộc ra đi ồn ào của chủ soái Him Lam Dương Công Minh, cổ đông lớn Tập đoàn Him Lam thoái sạch vốn 14,95% khỏi ngân hàng LienvietPostBank. Phó chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Hưởng tiếp quản ghế Chủ tịch HĐQT LienvietPostBank và xúc tiến kế hoạch lên sàn, tăng vốn… Hai cá nhân này có mối “thâm tình” và liên quan khoản đầu tư 500 tỷ đồng vào cổ phiếu Sacombank từ nhiều năm trước. Thị trường cũng từ dấy lên tin đồn 2 nhà băng sẽ sáp nhập để vươn lên nhóm Big4 có vốn tỷ USD. Song hai lãnh đạo này đã lập tức phủ nhận ý định sáp nhập.

Sau khi đưa 646,6 triệu cổ phiếu LPB giao dịch trên Upcom, ngày 13/11/2017, LienvietPostBank ngân hàng đã chốt danh sách cổ đông để phát hành 104 triệu cổ phiếu để tăng vốn từ 6.460 tỷ đồng lên 7.500 tỷ đồng. Ngoài 71 triệu cổ phiếu phát hành để trả cổ tức và ưu đãi cho cán bộ nhân viên, LienvietPostBank sẽ chào bán 32,94 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1000:51. Giá phát hành của 3 đợt này đều là 10.000 đồng/CP, thấp hơn 30% so với thị giá cổ phiếu LPB trên UpCom hiện giao dịch quanh mức 13.000 đồng/CP.

Khi niêm yết cổ phiếu lên sàn, LPB được hỗ trợ bởi tin hoạt động kinh doanh khả quan, trong đó lợi nhuận trước thuế 11 tháng đã vượt kế hoạch năm đạt hơn 1.700 tỷ đồng. Tổng huy động vốn đạt trên 141.000 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt trên 98.000 tỷ đồng, tăng trưởng 15% so với năm 2016.

Tính đến 30/9/2017, dư nợ xấu của ngân hàng là 1.133 tỷ đồng, chiếm 1,16% tổng dư nợ ở mức 97.425 tỷ đồng. Để có tỷ lệ nợ xấu “đẹp” này, LienvietPostBank trước đó đã bán nợ xấu cho VAMC, ghi nhận dư nợ trái phiếu đặc biệt hơn 1.826 tỷ đồng và phải trích lập dự phòng tới 741 tỷ đồng. Đến cuối quý 3/2017, tổng số dự phòng rủi ro tăng gấp đôi lên tới 1.193 tỷ đồng, nhiều hơn số lợi nhuận sau thuế của 9 tháng chỉ ở mức 1.126 tỷ đồng. 

Chiêu tăng vốn “nội bộ”

Cũng sắp sửa lên sàn chứng khoán, ngân hàng HDBank ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng rất cao. Tính đến 30/9/2017, tổng tài sản của HD Bank tăng 16,2% đạt 174.594 tỷ đồng, tiền gửi khách hàng tăng hơn 14% đạt 118.116 tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng tăng trưởng 17,4% đạt 96.612 tỷ đồng. Riêng lợi nhuận sau thuế quý 3 tăng đột biến đạt gần 825 tỷ đồng, nâng số lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 1.538 tỷ đồng. Dự kiến lợi nhuận trước thuế năm 2017 tăng trưởng gấp đôi với mục tiêu khoảng 2.400 tỷ đồng.

Tin tốt dồn dập được “bơm” ra thị trường cùng với tiến độ 2 đợt tăng vốn điều lệ từ mức 8.100 tỷ đồng lên 10.000 tỷ đồng. Sau đợt phát hành cổ phiếu trả cổ tức và thưởng, ngày 15/12, HDbank cho biết đã chào bán riêng lẻ thành công hơn 98 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư và nâng vốn điều lệ lên 9.809 tỷ đồng trước ngày niêm yết trên sàn chứng khoán.

Sau khi báo chí phản ánh HDBank “giấu nhẹm” Nghị quyết 24 về đối tượng phát hành riêng rẻ, thì ngân hàng này mới công bố Nghị quyết 24 cho biết danh tính bên mua, gồm: CTCP Sovico (hơn 38,5 triệu cổ phiếu), bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch HĐQT (hơn 17,6 triệu cổ phiếu), cùng với các nhà đầu tư khác đủ điều kiện.

Công ty CP Sovico cũng không hề xa lạ khi Chủ tịch Hội đồng sáng lập là ông Nguyễn Thanh Hùng, chồng bà Phương Thảo, cùng các thanh viên là những tên tuổi lớn như Vietjet Air (bà Thảo là Tổng giám đốc) CTCP Địa ốc Phú Long, CTCP Bất động sản Tài chính Dầu khí…

HDbank cũng không công bố mức giá đã bán cổ phiếu cho nhóm cổ đông liên quan tới bà Phương Thảo và Sovico. Với giá cổ phiếu HDbank trên thị trường OTC trên dưới 30.000 đồng/CP, chênh lệch thị giá gấp 3 lần giá tối thiểu sẽ đem lại khoản lợi nhuận “kếch xù” cho nhóm nhà đầu tư ôm trọn lô 98 triệu cổ phiếu. Nhất là thời điểm cận kề lên sàn, cổ phiếu HDbank ngày càng “lấp lánh” trong mắt nhà đầu tư.

Càng hấp dẫn hơn khi rò rỉ thông tin HDbank đang đàm phán chào bán 20% vốn điều lệ (khoảng 176,6 triệu cổ phần) cho các nhà đầu tư nước ngoài, ước tính thu về khoảng 300 triệu USD, tương đương khoảng 6.600 tỷ đồng.

Các đợt tăng vốn trong quá khứ của HDbank cũng chủ yếu bán cho các cổ đông nội bộ với thông tin chi tiết ít được tiết lộ. Nhất là khi HDbank hiện đang sở hữu 4,95% cổ phần Vietjet Air với giá trị ghi sổ cuối quý 3/2017 là gần 1.014 tỷ đồng. Mối quan hệ khăng khí giữa HDBank và nhóm các công ty liên quan đang đặt ra nghi vấn nguồn tiền tăng vốn vốn ngân hàng thực chất đến từ đâu và ai hưởng lợi từ giá phát hành cổ phiếu riêng lẻ?

Không chỉ HDbank, LienvietPostBank, năm 2017, nhiều ngân hàng được phép tăng vốn thông qua chia cổ tức, phát hành riêng lẻ… Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận cho 3 ngân hàng tăng vốn điều lệ, cụ thể: OCB được tăng vốn thêm 805 tỷ đồng, MB tăng vốn lên mức 18.155 tỷ đồng, còn VPBank được tăng vốn lên 15.706 tỷ đồng… Các đợt tăng vốn diễn ra thuận lợi hơn trong bối cảnh thị trường chứng khoán khởi sắc, thị giá cổ phiếu tăng mạnh và tình hình kinh doanh lạc quan.

>> Hàng loạt lãnh đạo LienVietPostBank từ chối quyền mua thêm cổ phiếu

Có thể bạn quan tâm