Sau Tết, nhiều nhà băng âm thầm tăng lãi suất huy động

Với cùng một kỳ hạn, nhưng lãi suất của các ngân hàng có thể chênh lệch tới 2,5%/năm, xuất phát từ thanh khoản, mức độ khát vốn cũng như sức cạnh tranh của từng nhóm ngân hàng.
Sau Tết, nhiều nhà băng âm thầm tăng lãi suất huy động

Thanh khoản không đều, lãi suất chênh lệch lớn

Ngay đầu năm mới, nhiều ngân hàng đã âm thầm dâng lãi suất huy động lên so với trước kỳ nghỉ Tết. Tại Ngân hàng SCB, lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng đã lên tới 7,65%/năm (với khách hàng dưới 40 tuổi) và 7,7%/năm với khách hàng từ 40 tuổi trở lên.

SCB không phải là ngoại lệ. Theo khảo sát của Báo Đầu tư, đa số các nhà băng nhỏ trong diện tái cơ cấu đang có mức lãi suất huy động cao vượt trội so với các ngân hàng lớn. Cụ thể, với kỳ hạn lãi suất 6 tháng, các ngân hàng như Viet Capital Bank, GPBank, Bac A Bank, NCB, DongA Bank… đều có lãi suất từ 7%/năm trở lên, trong khi mức lãi suất của kỳ hạn này ở nhóm ngân hàng lớn (BIDV, VietinBank, VCB, Agribank) chỉ 5,1 - 5,3%/năm. Ở nhóm ngân hàng tầm trung, lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng khoảng 6,8%/năm.

Như vậy, nếu so sánh, lãi suất huy động của nhóm ngân hàng nhỏ, đang tái cơ cấu và các ngân hàng dẫn đầu hiện chênh lệch 2 - 2,6%/năm cho kỳ hạn 6 tháng.

Theo các chuyên gia, chênh lệch này là do thanh khoản, độ khát vốn cũng như sức khỏe của từng ngân hàng khác nhau.

Theo đánh giá của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC), thanh khoản hệ thống dồi dào, nhưng chỉ tập trung ở một số ngân hàng.

“Thanh khoản thị trường khá tốt, nhưng tập trung chủ yếu ở các ngân hàng lớn. Một số tổ chức tín dụng nhỏ hoặc đang trong diện tái cơ cấu vẫn khó khăn trong tiếp cận dòng vốn lãi suất thấp trên thị trường liên ngân hàng, nên phải giữ nguyên hoặc tăng lãi suất huy động tiền gửi”, NFSC nhận xét.

Điều đáng mừng là, tuy lãi suất huy động có sự phân hóa mạnh, lãi suất cao nghiêng về khối ngân hàng nhỏ, song không lan thành cuộc đua tăng lãi suất như trước đây. Ngược lại, dù duy trì lãi suất thấp, song các ngân hàng lớn vẫn tiếp tục giữ vững thị phần huy động. Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank - ngân hàng có mức lãi suất huy động tiền gửi thấp nhất hệ thống hiện nay cho biết: “Năm 2017, lãi suất huy động của Vietcombank thấp nhất, nhưng lại có mức tăng trưởng cao nhất, nhờ uy tín, thương hiệu của Vietcombank. Lãi suất đầu vào thấp giúp lãi suất cho vay của Vietcombank thấp hơn các tổ chức tín dụng khác”.

Theo phân tích của các chuyên gia ngân hàng, Luật sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng, có hiệu lực từ đầu năm 2018, cho phép ngân hàng được phá sản, nên người gửi thận trọng hơn trong việc lựa chọn ngân hàng để gửi tiền. Chính vì vậy, các ngân hàng lớn, có thương hiệu mạnh đang có lợi thế trong huy động vốn, ngày càng dồi dào thanh khoản, trong khi các ngân hàng nhỏ, yếu càng khó khăn trong cạnh tranh huy động vốn, dù đã “xoay” mọi cách như đẩy lãi suất tiết kiệm lên cao, phát hành giấy tờ có giá…

Dù vậy, các chuyên gia cũng cho rằng, trong vài năm tới, khả năng phá sản chưa thể xảy ra, nên gửi tiền ở ngân hàng nhỏ, lãi suất cao, người dân vẫn có lợi hơn.

Nhiều ngân hàng bị cảnh báo

Nguyên nhân chính khiến các ngân hàng nhỏ và vừa dâng nhẹ lãi suất huy động lên cao thời gian gần đây là để chuẩn bị tăng trưởng tín dụng cao trong năm 2018.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico, việc ngân hàng nhỏ có mức lãi suất hấp dẫn hơn ngân hàng lớn là hợp lý. Để cạnh tranh tiền gửi sòng phẳng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) nên công bố thông tin minh bạch về kết quả xếp hạng và chất lượng hoạt động của ngân hàng để người dân cân nhắc việc gửi theo lãi suất cao hay thấp.

Vấn đề đáng lưu ý hiện nay là, kiểm soát tín dụng tăng trưởng ở mức hợp lý và được rót vào các lĩnh vực ưu tiên. Năm 2017, tín dụng tăng vọt, khiến lợi nhuận của ngành ngân hàng tăng cao, nhiều ngân hàng lần đầu tiên báo lãi ngàn tỷ đồng. Năm nay, mục tiêu tăng trưởng tín dụng mà NHNN đặt ra là 17%, song nhiều ngân hàng kỳ vọng sẽ sớm được điều chỉnh nhờ kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm.

Tuy nhiên, việc đuổi theo tăng trưởng tín dụng “nóng” thời gian qua cũng đặt nhiều ngân hàng trước rủi ro, đặc biệt là các ngân hàng còn nhiều bất ổn nội tại. Tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2018, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, NHNN đã có văn bản cảnh báo 15 tổ chức tín dụng khi tăng nóng tín dụng ở một số lĩnh vực không khuyến khích.

Ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho biết, tín dụng của Việt Nam đã ở mức khoảng 135% GDP, tiến gần tới mức của thời kỳ bất ổn trước đó và có thể dẫn tới rủi ro đối với cân đối tài chính của hệ thống ngân hàng. Chính vì vậy, việc chạy theo tăng trưởng tín dụng đang rất “nhạy cảm” trong thời điểm này.

Hà Tâm

Có thể bạn quan tâm