Sau thua lỗ, PVC còn gì để phát triển?

Gần đây, Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC, mã: PVX) được nhắc đến nhiều bởi câu chuyện thua lỗ và trách nhiệm pháp lý của các nhân sự chủ chốt. Thế nhưng, điều mà thị trường, các nhà đầu tư qua
Sau thua lỗ, PVC còn gì để phát triển?
Rủi ro thua lỗ cao từ ngành xây lắp
Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016 của PVC, một trong những vấn đề được các cổ đông quan tâm là phương hướng tái cấu trúc Tổng công ty. Về vấn đề này, HĐQT PVC đã có tờ trình về việc thông qua và tổ chức triển khai thực hiện phương án tái cấu trúc PVC giai đoạn 2016 - 2020.
Theo phương án này, PVC tiến tới thực hiện mục tiêu xây dựng Tổng công ty “trở thành một trong những đơn vị dịch vụ kỹ thuật cao, tổng thầu EPC lớn trong lĩnh vực thi công các công trình dầu khí”. Cũng theo Ban lãnh đạo PVC, trong thời gian qua, Tổng công ty đã thực hiện công tác tái cơ cấu và việc này bước đầu mang lại những thay đổi và tác động tích cực đối với hoạt động sản xuất - kinh doanh của Tổng công ty.
Nhưng PVC có phải là doanh nghiệp mạnh trong lĩnh vực xây lắp? Năm 2014, tại báo cáo tài chính hợp nhất, PVC hạch toán 9.262,915 tỷ đồng doanh thu mảng xây lắp, với lợi nhuận trước thuế đạt 315,654 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ lợi nhuận gộp trên doanh thu gần 3,408%. Đây là con số nằm ở cận dưới của mức sinh lời trung bình ngành xây lắp.
Nếu tính riêng công ty mẹ PVC, tỷ lệ này còn thấp hơn nữa. Cả năm 2014, Công ty ghi nhận lợi nhuận gộp gần 41,8 tỷ đồng trên doanh thu 6.413,458 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ lợi nhuận gộp trên doanh thu đạt 0,65% doanh thu! Đến năm 2015, tình hình có vẻ khả quan hơn với PVC. Báo cáo tài chính hợp nhất PVC ghi nhận doanh thu 12.211,1 tỷ đồng từ mảng xây lắp, với gần 675,347 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Con số này tương đương với tỷ lệ lợi nhuận trước thuế trên doanh thu là 5,53%.
Với riêng công ty mẹ, mảng xây lắp năm 2015 ghi nhận doanh thu 8.886,788 tỷ đồng, với lợi nhuận gộp 276,078 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ sinh lời 3,11%. Có thể nói, năm 2015 là năm thành công của PVC trên mảng này, tăng mạnh cả về doanh thu hạch toán lẫn tỷ lệ sinh lời, nhưng tới nửa đầu năm 2016, hiệu quả sinh lời mảng xây lắp lại bắt đầu sụt giảm, với tỷ lệ sinh lời trước thuế trên doanh thu ước dưới 3%. Biên lợi nhuận không cao, nhưng đi kèm với những khoản doanh thu khổng lồ là rủi ro không nhỏ cho PVC.
Thuyết minh báo cáo tài chính bán niên 2016 của PVC cho thấy, với hợp đồng xây lắp trọn gói cho CTCP Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí để xây dựng Nhà máy sản xuất Ethanol nhiên liệu sinh học khu vực phía Bắc trị giá 50,098 triệu USD, theo Báo cáo kết quả thẩm tra số 1545/VK-TTTV của Viện Kinh tế, Bộ Xây dựng ngày 19/12/2011, tổng giá trị dự toán sẽ tăng thêm gần 14 triệu USD, nhưng đến tận 30/6/2016 vẫn chưa được chấp thuận và chưa được PVC phản ánh bất kỳ điều chỉnh nào.
Dự án hợp đồng xây dựng công trình Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 có tổng giá trị 1.322 tỷ đồng, với phát sinh thêm riêng phần của PVC là khoảng 290 tỷ đồng từ trước năm 2014 (tương đương tỷ lệ gần 22% giá trị hợp đồng) cũng chưa được điều chỉnh giá trị phát sinh và chưa có phản ánh rủi ro tài chính nào cho PVC đến thời điểm hiện nay. Tương tự, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, dự án đang mang lại doanh thu lớn cho PVC cũng vượt dự toán ban đầu (con số chính xác chưa được PVC nêu ra). Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra nếu PVC không được chấp thuận giá trị các khoản vượt dự toán trên? Liệu có xảy ra tình trạng lãi từ hoạt động xây lắp đã hạch toán không đủ bù lỗ sẽ phát sinh do không được phê duyệt thanh toán phần công việc phát sinh?
Những rủi ro và cơ hội từ... nợ xấu
Kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2016 của PVC đã gây ấn tượng với thị trường, khi lãi sau thuế công ty mẹ 6 tháng tại báo cáo tài chính hợp nhất đạt 148,2 tỷ đồng. Kết quả này đến chủ yếu từ hoàn nhập dự phòng, với tổng giá trị hoàn nhập dự phòng ròng là 129,244 tỷ đồng, do PVC đã thu hồi được một phần nợ xấu. Nhưng con số này cũng cho thấy một kết quả kinh doanh không mấy khả quan, bởi nếu loại bỏ yếu tố hoàn nhập dự phòng, PVC chỉ đạt chưa tới 37 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế từ hoạt động thường xuyên.
Với 1.411 tỷ đồng nợ xấu đã được trích lập dự phòng hơn 1.043 tỷ đồng (tương đương giá trị thu hồi đang hạch toán gần 368 tỷ đồng), 504 tỷ đồng cho vay dài hạn của PVC hiện đã được trích lập dự phòng gần 302 tỷ đồng, nếu làm tốt công tác thu hồi, PVC có thể sẽ còn có những khoản lợi nhuận đột biến như đã có trong nửa đầu năm nay.
Ngược lại, do tình hình kinh doanh yếu kém của nhiều đơn vị vay nợ, PVC vẫn có nguy cơ tiềm tàng là tiếp tục phải trích lập dự phòng các khoản nợ này, tạo nên những khoản thua lỗ mới. Đồng thời, với nhằng nhịt những mối quan hệ tài chính, trong đó còn khoản nghĩa vụ bảo lãnh nợ cho các công ty con trị giá hơn 288 tỷ đồng, không ai có thể nói trước được liệu một ngày, PVC có phải hạch toán các khoản này thành chi phí phát sinh (do phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh) hay không?
Theo Bùi Sưởng/ĐTCK

Có thể bạn quan tâm