Sau trục vớt, con tàu SBIC bắt đầu ra biển

Lao động có tay nghề được giữ lại, từng bước đảm bảo công ăn việc làm và thu nhập, các nhà máy nối lại việc đóng tàu và đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nhiều giải pháp quyết liệt nhằm cổ phần hóa, giải thể,
Sau trục vớt, con tàu SBIC bắt đầu ra biển
Lao động có tay nghề được giữ lại, từng bước đảm bảo công ăn việc làm và thu nhập, các nhà máy nối lại việc đóng tàu và đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nhiều giải pháp quyết liệt nhằm cổ phần hóa, giải thể, phá sản doanh nghiệp được thực thi.
Con tàu SBIC theo lời ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC) đang dần hoạt động trở lại.
Thời điểm này, ông có thể cho biết, Đề án Tái cơ cấu SBIC đã được thực hiện đến đâu? Trong suốt thời gian qua, chúng tôi đã nỗ lực thực hiện Đề án Tái cơ cấu SBIC và có thể nói rằng, đến hết năm 2015, sẽ cơ bản hoàn thành tái cơ cấu Tổng công ty, với khoảng trên 80% khối lượng công việc được xử lý. Cho đến nay, Tổng công ty đã cơ bản thực hiện xong tái cơ cấu về lao động, cụ thể là giảm bớt số lượng lao động không có việc làm, giữ lại những người có tay nghề, đảm bảo được công ăn việc làm và thu nhập cho họ. Gần ba chục nghìn lao động sau nghỉ việc được giải quyết chế độ, hầu như không xảy ra thắc mắc, khiếu kiện. Về tái cơ cấu tài chính, chúng tôi đang bước vào đợt 1 giai đoạn 2 với việc đàm phán xử lý nợ với các ngân hàng trong nước. Ở giai đoạn 1, Tổng công ty đã ký hợp đồng hoán đổi nợ ba bên với các ngân hàng và Tổng công ty Mua bán nợ (DACT), sau đó phát hành trái phiếu cấn trừ nợ. Giai đoạn 1, chúng tôi đã xử lý xong 12.000 tỷ đồng; đợt 1 giai đoạn 2 này đang xử lý gần 8.000 tỷ đồng. Đợt 2 giai đoạn 2 sẽ tiếp tục xử lý nợ ở những công ty con của SBIC và đợt 3 sẽ xử lý hết những tồn tại còn lại. Về tái cơ cấu các doanh nghiệp, Tổng công ty đã xử lý được hơn 100 doanh nghiệp, còn 106 doanh nghiệp sẽ xử lý từ giờ đến cuối năm, bằng nhiều giải pháp như cho phá sản, bán, giải thể, chuyển nhượng, cổ phần hóa, sáp nhập…

Ông Nguyễn Ngọc Sự,chủ tịch HĐTV tổng công ty SBIC 

Thị trường và tình hình sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp trong Tổng công ty hiện có những chuyển biến ra sao, thưa ông? Liên quan đến việc tái cơ cấu sản xuất - kinh doanh, thị trường vận tải, đóng tàu đã có dấu hiệu lạc quan hơn và theo nhiều dự báo, đến cuối năm 2016 - 2017 có thể phục hồi. Một số đối tác của chúng tôi đã quan tâm trở lại đến việc tiếp tục đóng tàu, đây là điều kiện thuận lợi để SBIC quyết liệt tìm đối tác nhằm hợp tác kinh doanh đóng tàu. Đơn cử, Tập đoàn Damen (Hà Lan) đã hợp tác với SBIC, hỗ trợ một số nhà máy như Sông Cấm, Phà Rừng, Hạ Long, ổn định dần việc sản xuất - kinh doanh. Một số đối tác nước ngoài khác của SBIC vừa qua cũng đã quay trở lại tiếp xúc với Tổng công ty, một số đối tác mới cũng đã liên hệ, đến trao đổi việc hợp tác. Ngoài tìm kiếm các đơn hàng, hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài, các nhà máy thuộc hệ thống SBIC cũng thực hiện đóng tàu cho ngư dân… Nhìn chung, 8 nhà máy thuộc nhóm doanh nghiệp mà SBIC giữ lại theo Đề án Tái cơ cấu đều cơ bản lo đủ công ăn việc làm cho người lao động, với thu nhập tăng so với trước. Từng bên vực phá sản, SBIC và các công ty con gặp những khó khăn gì trong quá trình thực hiện Đề án Tái cơ cấu? Quả thực là có rất nhiều khó khăn. Chẳng hạn, trong việc tái cơ cấu nợ, một số tổ chức tín dụng chưa thực sự chia sẻ khó khăn của SBIC. Hay trong quá trình tái cơ cấu các doanh nghiệp, phần lớn doanh nghiệp đều âm vốn chủ không có nguồn trả nợ, chưa góp đủ vốn điều lệ… Trong khi đó, thị trường xấu nên bán doanh nghiệp lại không có người mua. Còn trong sản xuất - kinh doanh, nói là thị trường khả quan hơn, nhưng cạnh tranh đang ngày một khốc liệt. Giá cả quyết định số lượng đơn hàng, một mặt chúng tôi gặp khó khăn vì nhiều đối thủ ép giá xuống để chiếm lĩnh thị trường. Mặt khác, cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị, nhà xưởng của các nhà máy cũ kỹ, lạc hậu, xuống cấp, nhiều nhân lực có tay nghề cao ra đi, trong khi không có công nghiệp phụ trợ nên giá thành đóng tàu cao, khó thu hút khách hàng. Vậy hướng đi tới đây của SBIC là gì ? Ngành đóng tàu Việt Nam vẫn có một số lợi thế, đó là chất lượng tốt, nhân lực cầu thị, chịu khó, nhân công rẻ. Mô hình tốt theo chúng tôi là hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài, họ đưa thêm vốn, quản trị và công nghệ vào doanh nghiệp, từ đó hạn chế và khắc phục dần những điểm yếu nêu trên. Vừa rồi, Damen đánh giá rất cao sự hợp tác tại Liên doanh Sông Cấm, hợp tác với Sông Cấm Bến Kiền, Hạ Long và đang đặt vấn đề mua cổ phần ở các nhà máy đóng tàu khác thuộc SBIC. Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, khi thực hiện cổ phần hóa các nhà máy đóng tàu, bước 1 chúng tôi có thể bán cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài nắm không chi phối, sau đó sẽ bán tiếp cổ phần để Nhà nước không còn nắm giữ tỷ lệ chi phối.

Theo ĐTCK

Có thể bạn quan tâm