SCB tăng vốn điều lệ lên 15.232 tỷ đồng

Với việc tăng vốn từ 14.294.801.040.000 đồng lên 15.231.688.100.000 đồng, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) tiếp tục giữ vững vị trí số một về tổng tài sản trong nhóm các ngân hàng TMCP ngoài quốc doanh.
SCB tăng vốn điều lệ lên 15.232 tỷ đồng

Ngày 27/11/2018, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có văn bản số 2336/QĐ – NHNN sửa đổi nội dung Giấy phép thành lập & hoạt động của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) liên quan đến thay đổi vốn điều lệ.

Ngày 29/11/2018, Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.HCM cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số 0311449990 thay đổi lần thứ 12 cho SCB.

Theo đó, vốn điều lệ của SCB tăng từ 14.294.801.040.000 đồng lên 15.231.688.100.000 đồng (Mười lăm nghìn hai trăm ba mươi mốt tỷ sáu trăm tám mươi tám triệu một trăm nghìn đồng), thông qua hình thức chào bán cổ phiếu riêng lẻ.

Việc tăng vốn điều lệ giúp SCB gia tăng tiềm lực tài chính, góp phần nâng cao cơ sở vật chất, hiện đại hóa công nghệ phục vụ cho việc phát triển sản phẩm dịch vụ mới với nhiều tiện ích, đa dạng, nhằm đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của khách hàng. Hiện tại, SCB đang nằm trong Top các ngân hàng TMCP có quy mô vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam.

Vừa qua, SCB cũng đã công bố kết quả hoạt động Quý III năm 2018 với nhiều con số đáng chú ý, như: tổng tài sản của SCB đạt 498.508 tỷ đồng, tăng 55.282 tỷ đồng so với đầu năm.

SCB tiếp tục giữ vững vị trí số một về tổng tài sản trong nhóm các ngân hàng TMCP ngoài quốc doanh. Trong đó, cho vay khách hàng hiện ở mức 297.989 tỷ đồng, tăng 33.838 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2017.

Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ xấu trên tổng dư nợ tiếp tục được SCB duy trì ở mức thấp, lần lượt là 0,94% và 0,52%. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của SCB tính đến cuối tháng 09/2018 đạt 575 tỷ đồng, tương đương 124% so với kết quả thực hiện cả năm 2017. Trong đó, đóng góp chính đến từ mảng thu dịch vụ thanh toán quốc tế, thẻ quốc tế và bảo hiểm, chiếm 64% tổng thu nhập dịch vụ của SCB.

Bên cạnh tập trung đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh, SCB cũng rất chú trọng đến việc đầu tư công nghệ, điển hình là từ cuối tháng 06/2018, SCB đã golive hệ thống Treasury – FIS Front Arena với mong muốn nâng cao năng lực quản trị của ngân hàng trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng, cũng như thị trường tài chính ngày càng cạnh tranh.

SCB kỳ vọng với việc vận hành hệ thống Treasury sẽ giúp SCB tận dụng được các cơ hội thị trường, đồng thời quản trị hiệu quả hoạt động kinh doanh tiền tệ để mang về lợi nhuận tối đa cho Ngân hàng.

Ngoài ra, tháng 09/2018, SCB đã hoàn thành việc nâng cấp và đưa vào sử dụng hệ thống Core Banking và Digital Banking phiên bản mới nhất của Oracle.

Đây là nền tảng để SCB đẩy mạnh phát triển các sản phẩm dịch vụ ứng dụng công nghệ cao, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường tài chính cũng như mang đến những tiện ích mới nhất cho khách hàng.

Có thể bạn quan tâm