SCIC “ế” trọn lô cổ phần FPT

Tính đến ngày 6/8 là ngày kết thúc thời hạn đăng ký đấu giá và nộp tiền cọc mua lô cổ phần của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tại Công ty Cổ phần FPT vẫn không có nhà đầu tư tham gia đăng ký đấu giá.
SCIC “ế” trọn lô cổ phần FPT

Theo Khoản 9.2 Điều 9 Quy chế bán đấu giá cả lô cổ phần của SCIC tại Công ty Cổ phần FPT ban hành kèm Quyết định số 283/QĐ-ĐTKDV ngày 10/7/2020 thì cuộc đấu giá này không đủ điều kiện để tổ chức đấu giá nên cuộc đấu giá được coi là không thành công.

Trước đó vào đầu tháng 7, SCIC đã ra thông báo bán đấu giá trọn lô hơn 46 triệu cổ phần FPT với giá khởi điểm 49.400 đồng/cp, tương ứng giá trị khởi điểm gần 2.300 tỷ đồng. Mức giá này cao hơn so với thị giá hiện tại của FPT (khoảng 47.000 đồng/cp).

Đây là kết quả gần như đã được dự báo trước đó bởi khối ngoại sẽ không được tham gia vào đợt đấu giá cổ phần lần này của SCIC do FPT đã kín room nước ngoài. Do đó, đây được xem như một rào càn không nhỏ cho phiên đấu giá khi hiếm có tổ chức nào trong nước đủ nguồn lực để mua trọn lô lượng cổ phần nói trên.

Được biết, FPT từ lâu luôn là cổ phiếu được khối ngoại ưa thích. Tuy nhiên do đã hết room ngoại nên các quỹ thường chỉ gia tăng sở hữu từ việc "trao tay" nhau hoặc mua cổ phiếu gián tiếp thông qua các quỹ ETFs. Trong cơ cấu thành phần quỹ VFMVN Diamond ETF mới được hình thành gần đây, FPT là cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất với xấp xỉ 15%.

Về kết quả kinh doanh của FPT, trong 6 tháng đầu năm 2020, công ty đạt tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt là 13.611 tỷ đồng và 2.428 tỷ đồng, tăng trưởng tương ứng là 9% và 14% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận của Tập đoàn tiếp tục duy trì ở mức cao, đạt 17,8% so với 17,1% cùng kỳ năm 2019.

Lợi nhuận sau thuế và lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ 6 tháng đầu năm tăng trưởng lần lượt đạt tương ứng 2.021 tỷ đồng và 1.626 tỷ đồng. 

Trong bối cảnh có nhiều yếu tố bất lợi và khó lường từ đại dịch Covid-19 và xu hướng sụt giảm doanh thu của một số ngành, lĩnh vực, việc chủ động ứng phó, nâng cao quản trị, liên tục tìm kiếm cơ hội và cách làm mới đã giúp FPT có kết quả tương đối khả quan ở cả thị trường trong nước và nước ngoài.

Tại thị trường nước ngoài, việc các quốc gia đóng cửa và hạn chế đi lại gây khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng, FPT đã có những sáng kiến tăng cường tương tác với khách hàng qua các kênh online, kết nối nguồn lực chuyên gia trên toàn cầu của Tập đoàn, đồng thời đưa ra những gói giải pháp hỗ trợ khách hàng tối ưu chi phí, phát huy tối đa lợi thế Việt Nam kiểm soát tốt đại dịch Covid để thuyết phục khách hàng.

Có thể bạn quan tâm