SCIC sẽ “hao hụt” hàng nghìn tỷ đồng cổ tức

Tổng cục thuế vừa yêu cầu các doanh nghiệp phải nộp toàn bộ cổ tức, lợi nhuận của cổ đông nhà nước về thẳng ngân sách Nhà nước. Điều này sẽ khiến cho kết quả lợi nhuận Tổng công ty SCIC bỗng dưng bị “
SCIC sẽ “hao hụt” hàng nghìn tỷ đồng cổ tức

Cơ quan thuế đề nghị các khoản phải nộp về ngân sách Nhà nước (NSNN), không nộp quan SCIC bao gồm: tiền cổ tức được chia trên phần vốn nhà nước, lợi nhuận được chia có thay đổi, các khoản lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ…

Tổng cục Thuế đã ban hành công văn số 4505/TCT-DNL gửi Tổng công ty SCIC để yêu cầu thực hiện việc thu, nộp lợi nhuận còn lại và cổ tức được chia của SCIC.

Siết chặt nguồn thu của DNNN

Theo Tổng cục thuế, Thông tư 61/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính đã thay đổi cách thức nộp cổ tức, lợi nhuận ở các doanh nghiệp nhà nước còn vốn sở hữu. Cụ thể, cổ tức, các khoản lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ của công ty TNHH MTV (100% vốn nhà nước) sẽ nộp trực tiếp vào NSNN, không nộp qua SCIC.

Ngay cả trường hợp DN đã nộp cổ tức, lợi nhuận về SCIC hoặc chưa thực hiện nộp thì phải nộp kịp thời về NSNN… SCIC phải thực hiện đối chiếu, ra soát để xác định các khoản cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước để đảm bảo thu đúng, thu đủ cho NSNN.

Đối với các khoản lợi nhuận còn lại của Công ty TNHH một thành viên độc lập niên độ từ năm 2015 trở về trước và cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần nhưng doanh nghiệp chưa nộp, Tổng cục Thuế đề nghị SCIC rà soát, phân loại các khoản thu để xác định số liệu cổ tức, lợi nhuận cụ thể… trong giai đoạn trước.

Từ đó, SCIC phối hợp với cơ quan thuế để đôn đốc, thu hồi. Những chỉ đạo của Tổng cục thuế cho thấy quyết tâm kiểm soát, rà soát, thu hồi đầy đủ nguồn lợi tức từ vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp trong nhiều năm qua. Toàn bộ số tiền thu hồi được nộp về kho bạc nhà nước để thực hiện điều tiết 100% về ngân sách trung ương, phục vụ cho các nhiệm vụ chi tiêu quan trọng.

Lâu nay, SCIC thực hiện nhiệm vụ quản lý phần vốn nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp sau khi nhà nước thoái vốn, hoặc chuyển giao vốn sau cổ phần hoá, thực hiện bán cổ phần…

Đồng thời, tổng công ty cũng thực hiện đầu tư, kinh doanh vốn vào doanh nghiệp để tạo ra lợi nhuận, lợi tức. Mỗi năm, SCIC đã thu được nguồn lợi nhuận rất lớn từ hoạt động quản lý vốn, đầu tư kinh doanh vốn nhà nước.

Theo báo cáo tài chính năm 2015, doanh thu hoạt động đầu tư và kinh doanh vốn của SCIC tăng gần gấp đôi so với năm 2014, đạt 10.532 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận thuần trong năm 2015 của SCIC được cải thiện đáng kể, đạt 8.520 tỷ đồng, tăng 45,6% so với năm 2014…

Riêng phần lãi thu từ các công ty liên doanh, liên kết chỉ đạt 58,9 tỷ đồng, chỉ bằng 1/3 so với năm 2014. Kết quả, SCIC đạt hơn 8.580 tỷ đồng tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất và lãi sau thuế là 7.850 tỷ đồng.

Lợi tức nghìn tỷ

“Siêu tổng công ty” SCIC có được kết quả kinh doanh tăng trưởng cao là do nguồn thu từ các hoạt động bán vốn cổ phần, đầu tư vào các doanh nghiệp lớn đầu ngành như sữa, được phẩm, công nghệ thông tin, ngân hàng, cảng biển, bia…

Trong số này, mỗi năm SCIC đều đặn nhận được hàng nghìn tỷ đồng tiền cổ tức được chia trên phần vốn nhà nước do tổng công ty này quản lý. Đơn cử, với tỷ lệ sở hữu 45% vốn điều lệ, SCIC đã thu được hơn 2.700 tỷ đồng cổ tức trong năm 2015 từ công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk).

Dự kiến, năm 2016 “bò vàng” có thể đem về thêm 3.200 tỷ đồng tiền cổ tức cho nhà nước. Tại công ty CP Dược Hậu Giang, SCIC sở hữu 43,42% vốn điều lệ. Với tỷ lệ chia cổ tức 35%, thì Dược Hậu Giang sẽ chi trả số tiền cổ tức cho SCIC khoảng 304 tỷ đồng.

Theo BCTC năm 2015, SCIC đã đầu tư tài chính dài hạn hơn 32.450 tỷ đồng, tăng gần gấp 3 lần so với năm 2014. Trong đó, đầu tư vào công ty con hơn 1.393 tỷ đồng, đầu tư vào công ty liên kết, liên doanh 6.686 tỷ đồng, còn đầu tư dài hạn khác lên tới 24.445 tỷ đồng. Đáng chú ý, SCIC hiện đang quản lý khoảng 37.847 tỷ đồng – là tiền Quỹ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp do nhận chuyển giao, thu từ hoạt động thoái vốn, bán vốn nhà nước...

Theo quy định, SCIC chỉ là đơn vị đứng ra quản lý giữ hộ và sẽ phải trả lại cho nhà nước. Việc cơ quan thuế yêu cầu SCIC và các công ty có vốn nhà nước thực hiện nộp các khoản cổ tức, lợi nhuận sau trích quỹ về ngân sách sẽ có ảnh hưởng đáng kể tới thu nhập của SCIC.

Bởi lâu nay, SCIC đã quản lý, sử dụng nguồn tiền này để đầu tư, kinh doanh, gia tăng lợi nhuận… mà chưa phải nộp về NSNN. Trong nỗ lực kiểm soát và thu hồi các khoản lợi tức từ vốn nhà nước, Bộ Tài chính vừa qua cũng kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước để thu hồi hàng nghìn tỷ đồng cổ tức tại ngân hàng quốc doanh BIDV, Vietinbank.

Lãnh đạo hai ngân hàng này cũng nêu kiến nghị để giữ lại cổ tức để bổ sung tăng vốn, tăng hệ số an toàn vốn… Việc thu hồi cổ tức của ngân hàng đến nay vẫn chưa ngã ngũ.

Thu Hằng

Có thể bạn quan tâm