Sẽ có luật riêng để hỗ trợ tái cơ cấu ngân hàng, xử lý nợ xấu

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, NHNN đang chuẩn bị trình Chính phủ, Quốc hội một Luật riêng để hỗ trợ tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu.
Sẽ có luật riêng để hỗ trợ tái cơ cấu ngân hàng, xử lý nợ xấu

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2017 của TP.HCM 

Hiện nay, đề án Luật này đang trong quá trình hoàn thiện, trong đó có các nội dung đáng chú ý: Đối với những quy định xử lý nợ xấu trước đây vướng vào các luật liên quan hoặc chưa cụ thể hóa nay sẽ xây dựng luật rõ ràng minh bạch hơn...

Ngoài các quy định liên quan đến xử lý tài sản đảm bảo, xử lý tranh chấp khi thu hồi các khoản nợ. Các quy định về tổ chức quản trị và điều hành các TCTD cũng sẽ được đưa vào Luật, để đảm bảo hoạt động tái cơ cấu các TCTD diễn ra một các minh bạch.

Bên cạnh đó, việc mua bán, sáp nhập phải được thực hiện thực chất bằng nguồn vốn thực của các đơn vị tham gia tái cơ cấu các TCTD, không sử dụng vốn vay ở dưới hình thức này hay hình thức khác. Các vi phạm trong quá trình tái cơ cấu sẽ bị xử lý nghiêm, để các TCTD sau tái cơ cấu sẽ phát triển bền vững và nhanh chóng áp dụng các chuẩn mực tài chính trên thế giới.

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cũng lưu ý các TCTD trên địa bàn một số vấn đề. Theo đó, mặc dù cơ cấu tín dụng trên địa bàn đã có sự chuyển dịch khá mạnh mẽ vào lĩnh vực sản xuất – kinh doanh. Tuy nhiên, ở một số TCTD vẫn có sự tập trung lớn, nguồn vốn cho vay vào các lĩnh vực chứa đựng nhiều rủi ro như cho vay dự án hạ tầng, cho vay bất động sản".

Bên cạnh đó, rủi ro chênh lệch kỳ hạn trong hoạt động cho vay đang biểu lộ sự mất cân đối ở nhiều TCTD. Việc chấp hành các quy định về dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn cần phải chấn chỉnh, để hạn chế ảnh hưởng thanh khoản khi thị trường có những biến động lớn.

Về xử lý nợ xấu, mặc dù hoạt động này đã được NHNN Chi nhánh TP.HCM và các TCTD thực hiện khá hiệu quả trong 1-2 năm vừa qua. Tuy nhiên, tốc độ xử lý các khoản nợ xấu thực tế còn kéo dài, vướng mắc nhiều quy định liên quan đến thi hành án, thu hồi nợ.

Tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động tài chính – ngân hàng trong thời gian qua còn tồn tại trong TCTD. Một số vụ vi phạm đã phải xử lý hình sự ảnh hưởng trực tiếp đến lòng tin của người dân, DN vào hệ thống ngân hàng.

Trong năm qua cũng nổi lên các vụ tội phạm công nghệ cao, tội phạm liên quan đến lĩnh vực thanh toán. Việc xử lý hậu quả cũng như thông tin truyền thông về an toàn thanh toán cần được các tổ chức tín dụng quan tâm nhiều hơn trong năm 2017 và các năm tới.

Thống đốc Lê Minh Hưng thông tin: "Trong những ngày tới, NHNN sẽ ban hành 3 Chỉ thị định hướng toàn ngành Ngân hàng trong năm 2017, trong đó, chỉ thị 01 về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn hiệu quả. Chỉ thị 02 về lĩnh vực thanh tra, giám sát ngân hàng, nhằm đẩy mạnh kiểm soát các hoạt động đầu tư tín dụng, hạn chế các sai phạm liên quan đến hoạt động cho vay, giám sát tình trạng chênh lệch kỳ hạn và ảnh hưởng thanh khoản. Chỉ thị 03 sẽ tập trung vào các quy định liên quan đến hoạt động thanh toán, đưa ra các yêu cầu đối với việc phòng ngừa tội phạm thẻ, tội phạm công nghệ cao và áp dụng các hình thức thanh toán an toàn tại các TCTD".

Đánh giá những mặt tích cực của hệ thống ngân hàng TP.HCM đạt được trong năm 2016, Thống đốc NHNN yêu cầu các TCTD và NHNN chi nhánh TP.HCM thực hiện nghiêm những chỉ thị của Ngành trong năm 2017. 

Theo số liệu thống kê của NHNN chi nhánh TP.HCM, tính đến hết năm 2016, tổng dư nợ của các TCTD trên địa bàn tăng 19,3%, tổng nguồn vốn huy động tăng 13,4% so với năm 2015; tổng tài sản của các TCTD trên địa bàn tăng 14,4%; nợ xấu đến cuối năm 2016 chiếm 3,6% trên tổng dư nợ.

NHNN chi nhánh TP.HCM đưa ra mục tiêu năm 2017, tổng dư nợ tín dụng tăng 18%, tổng nguồn vốn huy động tăng 16%. Đặc biệt phát triển mạnh dịch vụ ngân hàng để nâng cao chất lượng giao dịch vốn, hỗ trợ lãi suất và các thủ tục giao dịch vay vốn cho doanh nghiệp.

Theo Thạch Bình/Thời báo Ngân hàng

>> Vốn “nóng” đổ vào Bất động sản!

Có thể bạn quan tâm