Sẽ phong tỏa tài khoản của người nhận chuyển tiền nhầm

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này dự kiến bổ sung quy định phong tỏa tài khoản người nhận để bảo vệ khách hàng chuyển tiền nhầm.
Sẽ phong tỏa tài khoản của người nhận chuyển tiền nhầm

Tại Dự thảo thay thế Nghị định 101 về thanh toán không dùng tiền mặt, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đề xuất cho phép nhà băng phong tỏa tài khoản người nhận nếu người chuyển tiền sai sót về số hiệu tài khoản, số tiền... nhằm bảo vệ và giúp khách hàng lấy lại được tiền chuyển nhầm. Số tiền bị phong tỏa trên tài khoản thanh toán không vượt quá số tiền bị nhầm lẫn, sai sót.

Thời gian vừa qua, đã có nhiều trường hợp người dân chuyển khoản nhầm nhưng đành chịu mất do không liên lạc được với người nhận hoặc người nhận không chịu hợp tác. Ngân hàng cũng không được phép hoàn trả số tiền chuyển nhầm khi chưa được sự đồng ý của chủ tài khoản nhận.

Bởi vậy, quy định mới sẽ trao quyền cho ngân hàng được phép phong tỏa tài khoản không nhất thiết cần sự đồng ý của chủ tài khoản, tránh được những tình huống "oái ăm" khi người chuyển tiền không may nhầm lẫn.

Thực tế hiện nay, các ngân hàng không thể xác định được khách hàng có thật sự chuyển nhầm hay không, nên không dám phong tỏa tài khoản, ngại ảnh hưởng đến khách hàng khác. Và mỗi ngân hàng hay hệ thống tài chính có quy trình xử lý khác nhau.

Trường hợp tài khoản nhận khác ngân hàng, ngân hàng chuyển sẽ báo đến phía ngân hàng nhận về giao dịch nhầm này và phải chờ 3 - 5 ngày để phía ngân hàng nhận đưa ra hướng xử lý.

Trước đây, NHNN không cho phép các ngân hàng thương mại phong tỏa số tiền tài khoản nhận nhầm vì lo trường hợp các bên có thỏa thuận thanh toán, nhưng sau đó có tranh chấp thì bên thanh toán đến ngân hàng thông báo chuyển nhầm để hủy lệnh thanh toán. Do vậy, cách xử lý là khi nhận thông báo chuyển nhầm là ngân hàng phải liên hệ với chủ tài khoản nhận để trao đổi về việc chuyển nhầm tiền và đề nghị người nhận chuyển trả lại số tiền.

Nếu người nhận không đồng ý trả lại tiền, ngân hàng cũng không dám trích tiền chuyển trả theo yêu cầu của bên chuyển nhầm được mà bên chuyển phải báo công an hoặc kiện ra tòa án. Khi có yêu cầu từ cơ quan công an, ngân hàng mới được thực hiện khoanh tiền trên tài khoản người nhận để xử lý. Việc xử lý thường mất rất nhiều thời gian, vì đôi khi người nhận không hợp tác. Hơn nữa, nếu xử lý theo quy trình tố tụng thì thường kéo dài, lúc giải quyết xong người nhận tiền nhầm có thể rút ra xài thì càng khó đòi lại.

Ngoài ra, tại Dự thảo thay thế Nghị định 101, NHNN cũng bổ sung quy định phong tỏa tài khoản nếu ngân hàng phát hiện và có bằng chứng chủ tài khoản nhận gian lận, vi phạm pháp luật.

Trong trường hợp chủ tài khoản bị lừa đảo đánh cắp thông tin tài khoản và chuyển tiền, nếu phát hiện và trình báo sớm, ngân hàng có thể phong tỏa sau khi có bằng chứng, giúp khách lấy lại tiền.

Có thể bạn quan tâm