Siết chặt tín dụng với bất động sản, các dự án BOT, BT giao thông

Năm 2017, Ngân hàng Nhà nước định hướng điều hành tín dụng kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp, tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, siết chặt tín dụng với nhóm khách hàng lớn, tín dụng đối với lĩnh
Siết chặt tín dụng với bất động sản, các dự án BOT, BT giao thông

NHNN sẽ kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với các mục tiêu tăng trưởng kinh tế

Năm 2017, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục kiên định điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra (bình quân khoảng 4%), ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý (khoảng 6,7%), bảo đảm thanh khoản của các TCTD, ổn định thị trường tiền tệ.

Định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16-18%; tín dụng tăng khoảng 18%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Trong điều hành tín dụng, năm 2017, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tín dụng theo hướng kiểm soát quy mô tín dụng hợp lý, an toàn, hiệu quả, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn; định hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh trong đó tập trung cho những lĩnh vực ưu tiên( nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, xuất khẩu, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao). Thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phục vụ phát triển kinh tế xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế do Quốc hội đề ra (GDP tăng khoảng 6,7%).

Đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như tín dụng trung, dài hạn, tín dụng đối với nhóm khách hàng lớn, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, các dự án BOT, BT giao thông.

 Về điều hành lãi suất: đầu tháng 1/2017 có một vài ngân hàng cổ phần nhỏ tăng nhẹ lãi suất huy động khoảng 0,1-0,3%/năm, song không phản ánh xu hướng chung của toàn thị trường. Với việc điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ CSTT của NHNN, đặc biệt là nghiệp vụ thị trường mở nhằm đảm bảo thanh khoản cho hệ thống các TCTD dịp cuối năm, thị trường tiền tệ được giữ ổn định, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của toàn hệ thống tiếp tục ổn định.

Hiện, mặt bằng lãi suất huy động phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4-7,2%/năm. Mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6-7%/năm đối với các lĩnh vực ưu tiên, lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4-5%/năm.

Thời gian tới, NHNN sẽ chỉ đạo các TCTD cân đối vốn giữ ổn định lãi suất huy động, tiết giảm chi phí hoạt động và và nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay.

Tỷ giá ngoại tệ trong năm 2017 sẽ được điều hành bám sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu CSTT nhằm ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ, tiếp tục điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, can thiệp thị trường khi cần thiết.

Đáng chú ý, về tái cơ cấu hệ thống các TCTD và xử lý nợ xấu, NHNN hiện đang hoàn thiện Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 và sẽ xây dựng kế hoạch cũng như tập trung nguồn lực để triển khai quyết liệt, toàn diện các giải pháp tại Đề án.

NHNN tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Song song với đó giữ vững và tiếp tục nâng cao mức độ an toàn, lành mạnh của hệ thống các TCTD. NHNN xác định nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và trật tự, kỷ cương đi đôi với việc tích cực đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ, NH.

Việc cơ cấu lại toàn diện về tài chính, hoạt động, quản trị của TCTD tiếp tục được đẩy mạnh theo các hình thức, biện pháp và lộ trình phù hợp với đặc điểm cụ thể của từng TCTD nhưng phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống.

Đối với công tác xử lý nợ xấu phải gắn với việc triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh thông qua yêu cầu các TCTD nâng cao chất lượng tín dụng. Trong năm 2017, vai trò của VAMC sẽ phát huy hiệu quả hơn nữa trong việc xử lý nợ xấu để bảo đảm duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn, bền vững (dưới 3% tổng dư nợ). NHNN cũng sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý hỗ trợ xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các TCTD…

Thu Hằng 

>> Vì sao các sếp ngân hàng dễ dàng “điều vốn”?

Có thể bạn quan tâm