Siêu dự án Happy Land lớn nhất Đông Nam Á bị đấu giá để trả nợ

Ngày 2/11 tới đây, sẽ tổ chức bán đấu giá hai khoản nợ xấu có liên quan đến Công ty cổ phần Trò chơi giải trí Xử sở hạnh phúc (Happyland Games).
Siêu dự án Happy Land lớn nhất Đông Nam Á bị đấu giá để trả nợ

Đơn vị sở hữu tài sản đấu giá là Ngân hàng thương mại Đại Dương – OceanBank. Giá khởi điểm của khối tài sản này là 817 tỷ đồng. Cá nhân hoặc tổ chức tham gia đấu giá phải nộp hồ sơ đặt cọc 163 tỷ đồng trước ngày 30/10.

Tài sản thứ nhất là nợ xấu phát sinh theo hợp đồng tín dụng vào tháng 6/2014 giữa Happyland Games và OceanBank. Khoản nợ được đảm bảo bằng quyền tài sản hình thành từ hợp đồng hợp tác kinh doanh về việc xây dựng dự án Khu phức hợp giải trí Khang Thông (Happyland) giữa Happyland Games và Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng Phú An.

Quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại địa chỉ số 67 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bến Thành, quận 1, TP HCM theo Giấy chứng nhận số 70101070100, hồ sơ gốc số 7991/2002 do UBND TP HCM cấp ngày 25/3/2002, tài sản hiện tại thuộc sở hữu, quản lý của bà Phan Thị Phương Thảo và Công ty CP Tập đoàn Khang Thông.

Tài sản thứ hai là nợ xấu phát sinh theo hợp đồng tín dụng giữa Happyland Games và Ocean Bank chi nhánh Thăng Long. Khoản nợ được thế chấp bằng quyền sử dụng thửa đất 190.000 m2 tại Bến Lức (Long An), quyền tài sản hình thành từ hợp đồng giữa Happyland Games và công ty Phú An, một khí cầu có người điểu khiển với sức chứa 30 khách và 4,2 triệu cổ phần Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Gia Định thuộc sở hữu của Tập đoàn Khang Thông.

Năm 2011, siêu dự án Happyland được Công ty CP đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng Phú An (Công ty Phú An) thuộc Công ty CP Tập đoàn Khang Thông khởi công rầm rộ với tuyên bố 3 năm sau dự án “vui chơi, giải trí lớn nhất Đông Nam Á” này sẽ đưa vào khai thác. Tuy nhiên, đến hiện tại dự án vẫn nằm “chết yểu”.

Chủ đầu tư từng quảng bá đây sẽ là khu phức hợp giải trí hàng đầu Đông Nam Á với kinh phí đầu tư hơn 2,2 tỷ USD. Dự án rộng 350 hecta và dài gần 4 km dọc sông Vàm Cỏ Đông, có nhiều công trình lớn như lâu đài rượu, phim trường, khách sạn năm sao...

Về vốn, Tập đoàn Khang Thông đầu tư khoảng 600 triệu USD xây dựng công viên chủ đề 100 ha. Các hạng mục còn lại chủ yếu kêu gọi các đối tác lớn trong và ngoài nước đầu tư.

Trước đó, cuối tháng 3/2018, Công ty An Phú đã chuyển nhượng 1.655 nền đất với tổng diện tích khoảng 27,4 ha cho một doanh nghiệp tại Hà Nội, mức giá chuyển nhượng là 3,5 triệu đồng/m2, tổng giá trị giao dịch gần 960 tỷ đồng.

Sau đó, doanh nghiệp này chuyển nhượng lại quyền sử dụng đất cho một công ty khác ở Long An. Công ty ở Long An này sau đó lại tiếp tục tách 594 nền và lập hợp đồng nguyên tắc để chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho một công ty khác tại TP HCM với giá 292 tỷ đồng.

Từ năm 2016, Cục Thi hành án dân sự Long An cũng đã nhận nhiều quyết định ủy thác từ Cục Thi hành án dân sự TP HCM đối với việc thi hành theo các bản án của công ty với số tiền 1.800 tỷ đồng nợ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Phía chủ đầu tư - Công ty An Phú cũng đã nhiều lần gia hạn nhưng Cục Thi hành án nhận thấy công ty không có khả năng giải quyết nợ nên báo cáo tỉnh Long An tiếp tục kế hoạch cưỡng chế thi hành án.

 >>Bật mí 'khu đất vàng' 23 Lê Duẩn bán đấu giá xây nhà hát ngàn tỉ ở Thủ Thiêm

Có thể bạn quan tâm