Soi sức khỏe của “ông lớn” VnSteel?

Về tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) thì Tổng công ty Thép Việt Nam chỉ đạt 0,11. Con số này thua xa nhiều DN trong ngành như Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (0,38), Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen
Soi sức khỏe của “ông lớn” VnSteel?

Hiệu quả sử dụng vốn của Tổng công ty Thép Việt Nam kém xa các doanh nghiệp cùng ngành

Nửa đầu năm 2016, giá thép tăng từ đáy 40 USD/tấn lên tới hơn 70 USD/tấn, sau đó giảm nhẹ và tăng trở lại vào cuối quý III. Bên cạnh đó, Quyết định số 2968/QĐ-BCT của Bộ Công Thương về áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam cũng giúp doanh nghiệp (DN) thép trong nước.

Trong đó có “ông lớn” Tổng công ty Thép Việt Nam (VnSteel), tăng trưởng mạnh mẽ. 

Tỷ suất sinh lời thua kém đàn em

Theo BCTC Hợp nhất quý IV/2016, các DN thép trong nước kết thúc năm 2016 đều báo lãi và đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng: Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (88,5%), Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (130,39%), Công ty CP Thép Đà Nẵng (261%), Công ty CP Thép Nam Kim (312%), Công ty CP Đại Thiên Lộc (380%). VnSteel - một DNNN cũng ghi nhận lợi nhuận sau thuế ấn tượng với mức tăng 387% so với năm 2015.

Tuy nhiên, nếu xét về tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) thì Tổng công ty Thép Việt Nam chỉ đạt 0,11. Con số này thua xa nhiều DN trong ngành như Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (0,38), Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (0,42), Công ty CP Thép Đà Nẵng (0,28), Công ty CP Thép Nam Kim (0,46) và Công ty CP Đại Thiên Lộc (0,19). Điều này đặt ra câu hỏi về hiệu suất sử dụng vốn của VnSteel.

Trong cả 2 năm 2015 và 2016, tài sản dài hạn của VnSteel đều cao hơn tài sản ngắn hạn, điều này là phù hợp với một công ty sản xuất công nghiệp nặng. Tuy nhiên, cuối năm 2016 thì sự chênh lệch giữa tỷ lệ tài sản dài hạn và ngắn hạn đã giảm. Hơn nữa, tài sản cố định - một bộ phận cấu thành phần lớn tài sản dài hạn - lại sụt giảm. Điều đó cho thấy VnSteel không chú trọng đến việc mở rộng sản xuất, kinh doanh, thay vào đó là tăng đầu tư vào các công ty liên doanh, liên kết. Đáng chú ý là khoản vốn lớn được rót vào Công ty liên doanh Trung tâm TMQT (IBC) - một công ty hoạt động trong lĩnh vực bất động sản và 4 công ty hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vận tải đều tăng.

Về cơ cấu nguồn vốn, đặc biệt là trong cơ cấu nợ phải trả, nợ ngắn hạn trong cả 2 năm đều chiếm tỷ trọng lớn. Tìm hiểu sâu hơn, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn và cuối năm 2016 còn tăng nhẹ so với đầu năm. Có thể thấy, các khoản tăng và giảm vay ngắn hạn của DN này trong năm 2016 xấp xỉ bằng nhau, điều này đặt ra câu hỏi liệu VnSteel có đang sử dụng biện pháp đảo nợ thay vì mục đích tài trợ vốn lưu động được ghi trong các hợp đồng tín dụng của Tổng công ty với ngân hàng hay không? 

Chi phí tăng vọt

Cuối năm 2016 sự chênh lệch giữa tỷ lệ tài sản dài hạn và ngắn hạn đã giảm. Hơn nữa, tài sản cố định - một bộ phận cấu thành phần lớn tài sản dài hạn - lại sụt giảm. Điều đó cho thấy VnSteel không chú trọng đến việc mở rộng sản xuất, kinh doanh, thay vào đó là tăng đầu tư vào các công ty liên doanh, liên kết.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2016, mặc dù doanh thu thuần của VnSteel tăng rất ít trong khoảng thời gian từ đầu năm và cuối năm 2016 (tăng 3,63%, từ 17.094  lên 17.715 tỷ đồng), nhưng tốc độ tăng của chi phí bán hàng (19,3%, từ 279 lên 333 tỷ đồng) và chi phí quản lý doanh nghiệp (7,04%, từ 463 lên 496 tỷ đồng) còn cao hơn. Điều đó cho thấy việc quản lý các khoản chi phí bán hàng và quản lý của VnSteel là chưa tốt.

Một điều đáng chú ý trong báo cáo kết quả kinh doanh của DN này là khoản lãi trong công ty liên doanh và liên kết. Cuối năm 2016, chỉ tiêu này là âm 201 tỷ đồng, nhưng cuối năm tăng 198% lên dương hơn 198 tỷ đồng. Về mặt số tuyệt đối, con số này khá ấn tượng, nhưng về mặt tương đối, tỷ suất lợi nhuận đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết trên vốn góp cho công ty liên doanh và liên kết chỉ đạt 0,048, thua xa tỷ suất lợi nhuận hoạt động kinh doanh trên vốn chủ sở hữu của Công ty.

Có thể thấy việc sử dụng vốn cho các công ty liên doanh và liên kết thay vì tập trung vào sản xuất trong điều kiện thuận lợi cho ngành thép năm 2016 đã làm cho tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của VnSteel kém xa các DN cùng ngành, kể cả các công ty có quy mô nhỏ hơn rất nhiều.

Bộ Công Thương và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã thống nhất sẽ tiếp tục bàn giao tiếp 6 “ông lớn”, trong đó có Tổng công ty Thép Việt Nam (Vnsteel). Tuy nhiên, việc chuyển giao này cũng không hề dễ dàng.

Đề cập về khó khăn trong việc thực hiện chuyển giao VnSteel về SCIC, bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ Đổi mới doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương cho rằng, những vướng mắc gây trì hoãn quá trình này vẫn chưa có lời giải đáp.

Bà Nguyễn Thị Hoa cho biết, Vnsteel là một trong những tổng công ty lớn, có khoảng 50 đơn vị thành viên, toàn bộ các đơn vị thành viên này có rất nhiều quỹ đất nhưng khi sắp xếp lại thì vô cùng vướng mắc trong vấn đề đất đai. Để giải quyết vấn đề này, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Chính phủ xin ý kiến đôn đốc quyết toán cổ phần hóa cho đơn vị, tuy nhiên đến nay văn bản đã gửi được 6 tháng nhưng vẫn chưa nhận được ý kiến phản hồi. Mặt khác, VnSteel đã cổ phần hóa từ năm 2008, đến nay đã 9 năm nhưng vẫn chưa thực hiện được quyết toán cổ phần hóa.

Một khó khăn khác đối với Vnsteel là đang có Dự án Đầu tư mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên nằm trong danh sách 12 dự án thua lỗ kéo dài đang được chỉ đạo tìm phương án xử lý. Như vậy, việc chậm chuyển giao là có những lý do khách quan…

Đến nay, phương án xử lý đối với 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ của Bộ Công Thương chưa được tiết lộ, song không ít ý kiến cho rằng, quá trình xử lý sẽ có thể bị tắc khi không ít “ông lớn” thuộc diện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp từ các bộ, UBND cấp tỉnh về SCIC đang bị trì hoãn.

Trung Hiếu

Theo Hoàng Việt/Đấu thầu 

Có thể bạn quan tâm