Sốt ruột với tăng trưởng, Thủ tướng muốn tìm động lực mới

"Chúng ta đang tìm động lực mới cho tăng trưởng là gì của thời kỳ này và thời kỳ tiếp theo, nhất là năm 2019, 2020 cũng như dư địa nào cần tận dụng?", Thủ tướng đặt câu hỏi trong phiên họp sáng nay tạ
Sốt ruột với tăng trưởng, Thủ tướng muốn tìm động lực mới

Sáng 2/8, tại trụ sở Chính phủ, diễn ra phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo Quốc gia cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, giai đoạn 2016-2020, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo. 

Cuộc họp nhằm phân tích, đánh giá kết quả sau một năm rưỡi triển khai chương trình hành động của Chính phủ tại Nghị quyết 27, thực hiện các Nghị quyết 05 của Trung ương, Nghị quyết 24 của Quốc hội về tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.

“Đổi mới mô hình tăng trưởng là quá trình liên tục, phù hợp với xu hướng thời đại trong lúc khoa học công nghệ đang phát triển như vũ bão”, Thủ tướng phát biểu mở đầu phiên họp. “Chúng ta cứ đi mãi con đường cũ trong tổ chức sản xuất, quản lý thì chúng ta không thể phát triển được”.

Tại phiên họp, Thủ tướng đề nghị đánh giá các kết quả, hạn chế, định hướng, nhiệm vụ, đưa ra những giải pháp mới từ thực tiễn tổ chức thực hiện. Nghị quyết 27 của Chính phủ đã đưa ra 16 nhóm nhiệm vụ với 120 nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, thì “chúng ta liên hệ xem có vướng mắc nào để tiếp tục hoàn thiện, bổ sung thể chế, thấy điểm gì cần báo cáo Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia để tiến hành thuận lợi”.

Nhất trí với báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng nhìn nhận, tái cơ cấu kinh tế đạt một số kết quả quan trọng như tăng trưởng kinh tế những năm gần đây cao hơn mức bình quân chung, quy mô nền kinh tế được mở rộng, năng suất tổng hợp, môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia, đổi mới sáng tạo được cải thiện. Tuy nhiên, Thủ tướng nêu rõ cần nhận rõ các bất cập, tồn tại, yếu kém, khó khăn, thách thức để khắc phục, để tái cơ cấu tốt hơn, đổi mới mô hình tăng trưởng nhanh hơn. Tốc độ tăng trưởng có khá hơn nhưng chưa như kỳ vọng. Các địa phương đừng có thỏa mãn rằng mình đã có sự tăng trưởng mà càng phải đặt vấn đề tăng trưởng mạnh mẽ hơn, tốt hơn, Thủ tướng bày tỏ.

“Chúng ta đang tìm động lực mới cho tăng trưởng là gì của thời kỳ này và thời kỳ tiếp theo, nhất là năm 2019, 2020” cũng như dư địa nào cần tận dụng? Nhắc lại các ý kiến cho rằng nông nghiệp, công nghệ thông tin, du lịch có dư địa rất lớn, Thủ tướng đặt vấn đề vậy lĩnh vực nào còn dư địa lớn nữa cho tăng trưởng?

Thủ tướng lấy ví dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, một số địa phương làm rất tốt, tái cơ cấu rõ nét nhưng còn nhiều địa phương vẫn làm theo cách cũ, sản phẩm cũ. Nguyên nhân, theo Thủ tướng, là do nhận thức của cấp ủy, chính quyền nơi đó, người đứng đầu địa phương chưa nắm chắc, chưa hiểu, chưa tổ chức thực hiện. Nhiều địa phương chưa có động tĩnh gì, vẫn "bổn cũ" chép lại.

Thủ tướng cũng đề nghị các đại biểu thảo luận cơ chế giám sát thực hiện chủ trương này như thế nào.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 27 cho các bộ, ngành, có 25,8% nhiệm vụ đã triển khai, có kết quả rõ ràng; 57,5% số nhiệm vụ đang triển khai nhưng chưa có kết quả rõ ràng và 16% nhiệm vụ triển khai chậm hoặc chưa triển khai.

Các nhóm định hướng, chính sách lớn có tỉ lệ nhiệm vụ đạt kết quả rõ ràng ở mức cao bao gồm ổn định kinh tế vĩ mô (66,7% số nhiệm vụ), cơ cấu lại DNNN (62,5% số nhiệm vụ), hoàn thiện thể chế kinh tế (35,7%), cơ cấu lại đầu tư công (33,3%).

Theo báo cáo, một số bộ, ngành, địa phương chậm hoặc chưa ban hành chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 27. Một số nhiệm vụ chậm so với tiến độ được giao.

Việc thực hiện nhiều nhiệm vụ của bộ, ngành mới chỉ dừng ở việc tiếp tục thực hiện theo tiến độ, yêu cầu và định hướng đổi mới đã xác định, mà chưa thực sự tạo đột phá về giải pháp, đổi mới về cơ chế, chính sách, quy định quản lý ngành, lĩnh vực có liên quan. Các quy định được ban hành vẫn thiên về tiền kiểm, mà chưa chuyển mạnh sang hậu kiểm, thực hiện quản lý dựa trên phân tích và đánh giá mức độ rủi ro thị trường, rủi ro kinh doanh, mức độ tuân thủ pháp luật của người dân và doanh nghiệp.

Có thể bạn quan tâm