Tại sao Thổ Nhĩ Kỳ "bất chấp tất cả" để mua S-400 từ Nga?

Mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ đối với hệ thống phòng không S-400 là để cải thiện mối quan hệ với Nga, trong thời điểm hai nước đang ngày càng củng cố liên minh.
Tại sao Thổ Nhĩ Kỳ "bất chấp tất cả" để mua S-400 từ Nga?

Trong tuần này, các thành phần đầu tiên của hệ thống phòng không S-400 do Nga sản xuất sẽ được đưa đến Thổ Nhĩ Kỳ bất chấp mọi lời đe doạ đến từ Washington. Trong sáu tháng qua, đã có những diễn biến gần như là hàng ngày trong cuộc tranh cãi xoay quanh S-400. Trên thực tế, thoả thuận S-400 đã có hiệu lực từ năm 2017. Ankara và Moscow đã ký thoả thuận vào tháng 12/2017 với giá trị hợp đồng lên tới 2,5 tỷ USD vào thời điểm đó và đến vài tháng sau khi Thổ Nhĩ Kỳ nhận ra rằng chính quyền mới của TT Donald Trump sẽ không đảo ngược chính sách ở miền đông Syria.

Mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ đối với S-400 là để cải thiện mối quan hệ với Nga. Hai nước đã có sự hợp tác chặt chẽ trong các vấn đề của Syria, mặc dù bề ngoài tưởng như Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nằm ở hai đầu của cuộc chiến. Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Hoa Kỳ hợp tác với Đơn vị Bảo vệ người Kurd (YPG) – có liên hệ tới Đảng Công nhân người Kurd (PKK) và từ trước tới nay, Ankara vẫn xem PKK là một tổ chức khủng bố. Tại miền đông Syria, Hoa Kỳ đã làm việc với Lực lượng Dân chủ Syria mà YPG là một thành viên. Vì vậy, đối với Thổ Nhĩ Kỳ, điều này có nghĩa là Mỹ đang hỗ trợ cho một kẻ thù.

Thổ Nhĩ Kỳ muốn S-400 không phải vì cần để bảo vệ không phận quốc gia, mà bởi thoả thuận này sẽ gián tiếp trở thành một đòn bẩy cho vai trò của Nga ở Syria. Ngoài ra, Nga hiện muốn có được liên kết với ngành công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ vì Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh của NATO và đây sẽ là một chiến thắng lớn đối với Nga.

Nga sẵn sàng thừa nhận một số vấn đề ở miền bắc Syria để đối lấy sự hợp tác chặt chẽ hơn với Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này đồng nghĩa với thoả thuận năng lượng TurkStream và các hợp đồng quân sự khác. Nga hiện đang bán S-400 trên toàn thế giới và thoả thuận với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đóng một vai trò “thử nghiệm” cho những giao dịch lớn hơn.

Mỹ đã gia tăng các biện pháp đe doạ để trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ trong những tháng gần đây. Chính phủ Donald Trump đã ngừng đào tạo phi công Thổ Nhĩ Kỳ và cố gắng làm chậm quá trình tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ trong chương trình F-35. Đồng thời Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cũng không ngừng phản đối việc S-400 được chuyển giao tới Ankara. Nhưng Ankara lại đánh cược vào chính sách ngoại giao cá nhân với TT Trump, điều mà họ đã cho thấy tại G-20. Thổ Nhĩ Kỳ hi vọng có thể thay đổi suy nghĩ của Donald Trump và đã “vui mừng” khi ông Trump nói rằng Hoa Kỳ sẽ rời khỏi miền đông Syria vào tháng 12 năm ngoái. Tuy nhiên, mọi việc hiện đã có phần đảo ngược.

Cho đến nay, các mối đe doạ của Mỹ được miêu tả là “chỉ nói nhưng không làm”. Các quan chức Hoa Kỳ được kênh CNBC dẫn lời nói rằng sẽ có những hậu qủa thực sự tiêu cực nếu S-400 “cập bến” Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng tình hình có thể sẽ phức tạp hơn thế. Có thể các thành phần của hệ thống S-400 sẽ đến Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng sau đó Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thảo luận về việc hệ thống có được “thiết lập” hay không, hay nó sẽ “hoạt động” với đường dây đỏ của Hoa Kỳ.

Từ trước đến nay, Nga thường có thói quen gửi các hệ thống sang nước ngoài những vẫn sẽ cần thêm thời gian để đưa chúng vào sử dụng. Chẳng hạn, ở Syria, Nga đã gửi S-300 vào tháng 10 năm ngoái. Nhưng hệ thống này vẫn “nằm không” ở phía bắc Syria, dường như không hoạt động hoặc mới chỉ "chuẩn bị hoạt động”. Vì vậy, có thể sẽ mất tới một năm “tranh cãi và đe doạ” nữa giữa Hoa Kỳ - Thổ Nhĩ Kỳ cho đến khi bất cứ điều gì thực sự xảy ra.

Theo Jerusalem Post

Có thể bạn quan tâm