Tại sao thuế thép và nhôm lại quan trọng với nền kinh tế Mỹ?

Cả thép và nhôm đều là nguyên liệu cốt yếu cho nhiều ngành công nghiệp mũi nhọn của Mỹ.
Tại sao thuế thép và nhôm lại quan trọng với nền kinh tế Mỹ?

Theo CNN, Bộ Thương mại Mỹ hôm 16.2 đã gửi cho Tổng thống Donald Trump một số đề xuất về thuế thép và nhôm nước ngoài nhập khẩu vào Mỹ. Các đề xuất cứng rắn của chính quyền ông Trump sẽ thúc đẩy ngành kinh doanh này, nhưng vấn đề là nó cũng có thể sẽ gây ra những hậu quả không mong muốn đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Cả thép và nhôm đều là nguyên liệu quan trọng cho ô tô, máy bay và các thiết bị gia dụng được sản xuất tại Mỹ. Ngoài ra, các ngành khác như công nghiệp xây dựng, dầu khí cũng sử dụng chúng trong sản xuất đường ống, dây diện, cũng như các lon đựng đồ ăn, thức uống.

Nhập khẩu chiếm khoảng một phần ba trong tổng số 100 triệu tấn thép mà các doanh nghiệp Mỹ sử dụng hằng năm, và hơn 90% trong số 5,5 triệu tấn nhôm được sử dụng ở nước này. Trong nhiều năm, hàng nhập khẩu đã gây ra không ít vấn đề rắc rối, dẫn đến việc các nhà máy nhôm và thép của Mỹ phải đóng cửa.

Hiện không rõ lượng hàng nhập khẩu thép và nhôm sẽ giảm bao nhiêu nếu Tổng thống Trump thông qua mức đề xuất thuế quan mới. Cũng không rõ liệu các nhà máy thép và nhôm của Mỹ có thể gia tăng sản xuất đủ để đáp ứng nguồn cung nước ngoài bị mất hay không.

Viện Sắt và Thép Mỹ, nhóm thương mại đại diện cho các nhà sản xuất thép, hoan nghênh kế hoạch thuế quan mới của chính quyền ông Trump và tin rằng các nhà máy thép trong nước có thể tăng sản lượng đủ để thu hẹp khoảng cách.

Tuy nhiên, các chuyên gia lại hoài nghi về khả năng này. Họ chỉ ra rằng thép và nhôm nhập khẩu vốn đã trở nên quan trọng trong thị trường của một số sản phẩm như ống thép. Và một nhà máy thép chuyên sản xuất một loại sản phẩm thép, chẳng hạn như thép tấm được sử dụng trong bộ phận của một chiếc xe hơi, sẽ không dễ dàng trong việc chuyển đổi sang sản xuất các loại thép dùng trong các sản phẩm khác, ví dụ như ống thép.

“Có một điều cần thiết đối với nguyên liệu nhập khẩu. Ở những quốc gia chuyên sản xuất dầu phải sử dụng nhiều đường ống, chắc chắn họ sẽ cảm nhận được điều đó. Bạn cần phải hồi sinh rất nhiều nhà máy đã bị đóng cửa trong ba hoặc bốn năm và sẽ phải mất rất nhiều vốn để làm việc này, Philip Gibbs, nhà phân tích kim loại của KeyBanc Capital Markets, nói.

Theo Bộ Thương mại Mỹ, có 10 lò nung sản xuất thép nóng chảy đã đóng cửa từ năm 2000. Ngoài ra, tám nhà máy luyện nhôm đã đóng cửa hoặc cắt giảm hoạt động kể từ đầu năm 2015. Ngay cả Hiệp hội Nhôm Mỹ cũng thừa nhận rằng một số loại nhôm phải được nhập khẩu. Nhóm thương mại nhôm này đang rất thận trọng về đề xuất thuế. Họ cho rằng Mỹ chỉ nên nhắm mục tiêu vào Trung Quốc, chứ không phải Canada và Liên minh châu Âu (EU).

Ngay cả một số thành viên của Quốc hội, người mà tại tiểu bang của họ có nhà máy thép hoặc nhôm, cũng đang lo lắng về mức thuế quan mới. Trong một cuộc họp của Nhà Trắng vào đầu tuần trước, cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đều kêu gọi chính quyền ông Trump nên thận trọng trong hành động thương mại đối với thép và nhôm.

"Chúng tôi sản xuất thép và nhôm ở Missouri, nhưng chúng tôi cũng mua rất nhiều nhôm và thép", thượng nghị sĩ Roy Blunt, thành viên đảng Cộng hòa Missouri, nói tại cuộc họp.

Trong khi đó, thượng nghị sĩ Rob Portman, thành viên đảng Cộng hòa đến từ bang Ohio, người từng là Đại diện Thương mại của Mỹ, nói: “Chúng tôi phải cẩn thận vì không muốn làm tăng chi phí cho người tiêu dùng vì các nhà sản xuất có thể sẽ buộc phải tăng giá do ảnh hưởng từ thuế nhập khẩu mới”.

Ngoài ra, một số ý kiến khác cũng lo ngại rằng mức thuế mới có thể gây ra sự trả đũa. Các nước khác hoàn toàn có thể áp đặt thuế đối với sản phẩm xuất khẩu của Mỹ.

“Tôi nghĩ mọi người trong căn phòng này đều ủng hộ chính quyền buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về tình trạng sản xuất hàng hóa dư thừa. Nhưng đề xuất thuế mà ông Trump đang xem xét sẽ gây thiệt hại nhiều không kém so với lợi ích mà chúng ta mong muốn nhận được”, ông Kevin Brady, người đại diện đảng Cộng hòa bang Texas, phát biểu trong cùng buổi họp.

Theo Thanh Niên

Có thể bạn quan tâm