Tản mạn Phố chậm

Tôi đã từng rất cảm động khi nghe bài diễn thuyết của quốc vương Butal khi ông giới thiệu về đất nước mình nơi người ta không đặt nặng giá trị về những chỉ số kinh tế mà quan trọng nhất là chỉ số về h
Tản mạn Phố chậm

Tôi đã từng rất cảm động khi nghe bài diễn thuyết của quốc vương Butal khi ông giới thiệu về đất nước mình nơi người ta không đặt nặng giá trị về những chỉ số kinh tế mà quan trọng nhất là chỉ số về hạnh phúc. Có lẽ phải là những người từng đi qua nhiều năm tháng, trải qua nhiều vui buồn được mất ở đời người ta mới thấu hiểu cái giá của hạnh phúc khi đặt nó cạnh sự no đủ, giàu sang. Phải chăng cứ giàu có là hạnh phúc? Phải chăng niềm trong sáng vô tư, sự bình an trong tâm hồn của những năm tháng thiếu thốn xưa vẫn in dấu và thật sự là hạnh phúc mỗi khi ta nhớ đến?

Tản mạn Phố chậm ảnh 1

Tôi, trong những lúc luận bàn về hạnh phúc đã đặt ra câu hỏi rằng nếu đánh đổi sự dư thừa hiện nay với niềm tin yêu trìu mến của người với người, với sự bình an êm ấm của gia đình sự sẻ chia đùm bọc của tình làng nghĩa xóm... thì có đổi? Và hầu hết những người tôi hỏi, phần đông là lớn tuổi đều đồng ý... đổi! Tất nhiên bất cứ sự so sánh nào cũng đều khập khiễng, con số nào cũng có hai mặt... Ta cũng chỉ giàu có so với ta thôi chứ chưa thể so với thiên hạ nhưng phải công nhận rằng cuộc sống đổi thay đến chóng mặt, những giá trị vật chất mà xã hội làm ra khá lớn. Có điều mỗi người và cả cộng đồng có thấy hạnh phúc hơn không thì lại là một câu hỏi còn bỏ ngỏ và đầy trăn trở.

Tản mạn Phố chậm ảnh 2

Tôi cũng cảm nhận điều ấy khi đọc báo thấy bí thư thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng không chỉ có vấn đề cơm áo gạo tiền mới quan trọng mà xây dựng, duy trì, phát triển văn hóa còn quan trọng hơn. Bởi chính nó quyết định sự phát triển bền vững và phát huy truyền thống tốt đẹp của đất nước!Người bạn tôi – nữ doanh nhân Đỗ Thanh Hương – với thương hiệu nổi tiếng Tân Mỹ ở Hàng Gai - có thói quen dậy thật sớm để đi bộ buổi sáng quanh hồ Gươm. Chị bảo mỗi lần như thế lại được như trở về với Hà Nội xưa, với những hồi ức cũ đầy thương mến. Trong một sớm như thế chị đã gặp ông thủ tướng Australia dịp sang thăm Việt Nam dạo ấy đi bộ ngắm Hà Nội... và trò chuyện cùng ông đầy thú vị về một Hà Nội cổ kính và rất riêng!

Tản mạn Phố chậm ảnh 3

Bây giờ Hà Nội đã có phố đi bộ thỏa lòng mong ước của nhiều người. Chị Thanh Hương bảo thật vui khi nhìn người lớn, trẻ em, nam thanh nữ tú tung tăng đi dọc những con phố, mà chẳng sợ xe cộ sầm sập ầm ầm hối hả. Dường như cuộc sống đang được níu chậm lại một chút, một chút để ta có thể lắng lại, suy tư và thấm tháp những giá trị tinh thần – chưa bao giờ cũ. Những gia đình kinh doanh trên những con phố đó cũng đang tính đến chuyển đổi sao cho phù hợp dù có thể còn khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu. Tôi chợt nhớ đến một vài đường phố du lịch ở một số thành phố Châu Âu mình từng đi qua. Trên những con đường lát đá, khách bộ hành thong dong và những tiếng chuông nhà thờ từ xa vọng lại – có cảm giác như lịch sử và thời gian níu lại trên mỗi bước chân người...Và chợt hiểu văn hóa như cái phanh để giúp ta kìm lại mình khi cứ theo đà băng băng chạy lên phía trước...

Bài: Như Trang; Ảnh: Thu Vân

Có thể bạn quan tâm