Tăng giám sát, thúc UPCoM giảm rủi ro

Với 326 cổ phiếu đang giao dịch, mục tiêu Sở GDCK Hà Nội (HNX) đặt ra cho thị trường UPCoM trong năm nay đã vượt khá xa. Cùng với các giải pháp gia tăng về lượng, cơ quan quản lý đang triển khai nhiều
Tăng giám sát, thúc UPCoM giảm rủi ro
Với 326 cổ phiếu đang giao dịch, mục tiêu Sở GDCK Hà Nội (HNX) đặt ra cho thị trường UPCoM trong năm nay đã vượt khá xa. Cùng với các giải pháp gia tăng về lượng, cơ quan quản lý đang triển khai nhiều biện pháp giám sát để hạn chế các hoạt động tiêu cực và tăng chất lượng hàng hóa trên sàn này.
8  tháng, thêm 70 cổ phiếu lên UPCoM Từ đầu năm 2016 tới nay, sàn UPCoM chứng kiến sự tăng trưởng mạnh về hàng hóa và thanh khoản. Tính đến ngày 31/8/2016, có 326 DN đang giao dịch trên sàn, tăng 70 DN so với cuối năm 2015, vượt xa mục tiêu 300 DN mà Sở GDCK Hà Nội (HNX) đặt ra cho sàn này đến cuối năm nay. Trong số 70 “tân binh” của sàn UPCoM, có nhiều gương mặt sáng giá với quy mô vốn hàng nghìn tỷ đồng, thương hiệu được định hình và hoạt động kinh doanh hiệu quả. Có thể kể tới những cái tên như CTCP Cảng Sài Gòn (SGP), CTCP Phát triển Điện lực Việt Nam (VPD), Tổng công ty Thép Việt Nam -VNSteel (TVN), CTCP Cấp nước Đồng Nai (DNW), Tổng công ty Khoáng sản TKV (KSV). Một số DN vừa đưa cổ phiếu lên sàn đã “cháy hàng” như Tổng CTCP May Việt Tiến (VGG), CTCP Sách Việt Nam (VNB)… Với chủ trương của Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa DN nhà nước và buộc DN nhà nước sau cổ phần hóa phải đưa cổ phiếu lên giao dịch hoặc niêm yết, sàn UPCoM hứa hẹn sẽ sôi động hơn trong thời gian tới. Ngay đầu tháng 9 này, dự kiến sẽ có 4 DN lên giao dịch trên sàn, gồm CTCP Đô thị Tân An (với mã TAP), CTCP Đường sắt Yên Lào (mã YRC), CTCP Kim khí Hà Nội (mã HMG), CTCP Vận tải và Dịch vụ Liên Ninh (mã BLN). Ngoài 326 DN trên, trong các tháng cuối năm, dự báo, sàn UPCoM sẽ đón nhận thêm nhiều DN có quy mô lớn được IPO từ cuối năm 2015 đến nay. Đáng chú ý trong số này là Tổng công ty 36, CTCP Cao su Tân Biên, CTCP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV). Cả 4 DN này đều có vị thế trong lĩnh vực hoạt động. Chẳng hạn, ACV là DN có quy mô khai thác, vận chuyển, quản lý đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hàng không lớn nhất cả nước, hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực với 9 công ty con, công ty liên kết, liên doanh. Trực thuộc Bộ Quốc phòng, Tổng công ty 36 là một trong những DN xây dựng hàng đầu của quân đội, hoạt động trong các lĩnh vực xây dựng dân dụng, công nghiệp, giao thông, thủy lợi, thủy điện, đầu tư kinh doanh bất động sản. Với vốn điều lệ hơn 879 tỷ đồng, Cao su Tân Biên là một trong các DN cao su lớn vừa IPO trong năm 2016. Trong khi đó, Vissan là DN dẫn đầu ngành chế biến thực phẩm trong nước. Đây là những hàng hóa tiềm năng lên sàn UPCoM. Là sàn dành cho cổ phiếu của DN đại chúng, không có tiêu chí nào về chất lượng DN, nên để giúp nhà đầu tư nhận diện chất lượng hàng hóa, từ tháng 6/2016, HNX đã thực hiện phân bảng cổ phiếu tại UPCoM. Theo đó, bảng UPCoM Premium gồm các cổ phiếu đáp ứng các tiêu chí về tình hình tài chính và ý thức tuân thủ nghĩa vụ công bố thông tin, còn Bảng cảnh báo nhà đầu tư gồm các cổ phiếu bị hạn chế, tạm ngừng giao dịch. Đến nay, HNX đã công bố danh sách 89 cổ phiếu thuộc UPCoM Premium và 45 cổ phiếu thuộc Bảng Cảnh báo nhà đầu tư.
Tăng giám sát, thúc UPCoM giảm rủi ro ảnh 1
Sẽ tăng cường rà soát chất lượng sàn UPCoM
Với 326 cổ phiếu được giao dịch, UPCoM đã góp phần không nhỏ thực hiện mục tiêu thu hẹp thị trường tự do, tăng cường sự quản lý của Nhà nước đối với TTCK. Bên cạnh đó, nhiều DN sau thời gian tập dượt tại thị trường UPCoM đã nhận thức đầy đủ và chủ động chuyển sàn niêm yết. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cho rằng, thị trường UPCoM vẫn còn một số hạn chế. Cụ thể, nhiều DN theo quy định hiện hành phải lên giao dịch trên UPCoM nhưng vẫn chưa thực hiện; tính thanh khoản tuy được cải thiện song vẫn chưa cao, thị trường chưa thực sự hấp dẫn và thu hút nhà đầu tư tham gia. Nhiều DN UPCoM chậm trễ trong việc công bố thông tin trong khi nhận thức của DN, công chúng đầu tư đối với bản chất, mục tiêu của thị trường UPCoM còn chưa đồng đều, đôi khi còn hiểu lầm. Cùng với đó, HNX cũng thẳng thắn đánh giá, sàn UPCoM xuất hiện hiện tượng một nhóm nhà đầu tư, DN có dấu hiệu sai phạm, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của thị trường. Trước thực trạng này, lãnh đạo HNX cho biết, Sở sẽ tăng cường và nâng cao chất lượng xét duyệt, quản lý đăng ký giao dịch, đồng thời tiếp tục thực hiện công tác phân bảng, phân ngành DN trên thị trường UPCoM. Định kỳ, Sở sẽ phối hợp với Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước kiểm tra tình hình hoạt động của các công ty không tuân thủ tốt quy định công bố thông tin. Cùng với đó, Sở sẽ nghiên cứu khả năng áp dụng mô hình tạo lập thị trường trên thị trường UPCoM. Việc CTCK làm nhà tạo lập thị trường cho cổ phiếu của DN sẽ tăng cường một lớp quản lý, giám sát đối với DN…. Để giảm nguy cơ xảy ra các hiện tượng tiêu cực, HNX cho biết sẽ tăng cường giám sát tin đồn đối với các cổ phiếu UPCoM và phân bổ nguồn lực giám sát theo các tiêu chí nhất định đối với cổ phiếu UPCoM do thị trường này có độ biến động lớn về số lượng công ty đăng ký giao dịch, khối lượng giao dịch; độ phân tán về quy mô vốn, thanh khoản; giao dịch của cổ đông nhà nước, cổ đông nội bộ...

Theo ĐTCK

Có thể bạn quan tâm