Tăng thuế nước ngọt: Chống hiện tượng béo phì hay cần tăng nguồn thu?

Nước giải khát là ngành hàng có tốc độ tăng trưởng cao ở Việt Nam trong những năm gần đây và cũng là một trong những ngành đóng góp cho ngân sách Nhà nước rất lớn.
Tăng thuế nước ngọt: Chống hiện tượng béo phì hay cần tăng nguồn thu?

Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia, rượu, nước giải khát Việt Nam (VBA) cho rằng, từ năm 2016 - 2018 thuế đối với ngành này sẽ liên tục tăng, do vậy với đề nghị bổ sung nước ngọt vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với mức thuế suất 10% áp dụng từ năm 2019 chắc chắn sẽ là tác động kép, ảnh hưởng tới sản xuất và sức cạnh tranh nội tại của doanh nghiệp.

Đánh trực tiếp vào người tiêu dùng

Ông có thể nói rõ hơn về đề nghị tăng thuế suất 10% đối với nước ngọt mà Bộ Tài chính đưa ra mới đây?

Những năm trước đây người dân hầu như phải uống những loại nước tự pha chế như siro và ngành nước giải khát mới phát triển trong vòng 10 năm trở lại đây, có được thành quả này chúng tôi nghĩ đây cũng là sự cố gắng của các doanh nghiệp, người dân.

Tuy vậy, với đề xuất tăng thuế lên 10% đối với tất cả các loại nước giải khát theo tôi đây là vấn đề rất phải suy nghĩ vì nó tác động tới thị trường rất cao, mà hơn thế nữa, thuế này sẽ đánh vào người tiêu dùng.

Trong kinh nghiệm thực tế những năm vừa qua mà Hiệp hội theo dõi, mỗi khi tăng thuế không chắc tổng thu đã được tăng lên cho Nhà nước mà sức tiêu dùng của người dân bị ảnh hưởng đáng kể và điều này tôi nghĩ là những nhà lập pháp và các nhà xây dựng chính sách cần căn cứ vào thực tế của Việt Nam trên cơ sở tại sao tăng lên 10%, việc này là để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng hay vì cần tăng nguồn thu.

Đối với nước ngọt, nhiều nước trong khu vực khi tăng thuế này là nhằm mục đích chống căn bệnh béo phì và đây là lý do chính, còn ở Việt Nam hiện tượng béo phì là bao nhiêu chúng ta chưa có số liệu và chưa có cơ sở.

Việc sử dụng các chất có đường hiện nay cũng là một điều mà các nhà hoạch định chính sách cần nghiên cứu và xem xét kỹ lượng xem mức độ ảnh hưởng tới sức tiêu dùng, lao động như thế nào với thực tế điều kiện ở Việt Nam ra sao?

Có ý kiến cho rằng, việc tăng thuế không chỉ ảnh hưởng tới doanh nghiệp mà còn kéo theo những tác động đối với nhiều ngành khác, điều này có đúng không thưa ông?

Tốc độ tăng trưởng trên 10%/năm đối với ngành nước giải khát là một điều đáng khích lệ và người tiêu dùng cũng mong muốn một sản phẩm phải có chất lượng và bao bì tốt, điều ấy có thể thấy rất rõ, các doanh nghiệp trong nước bước đầu đã đạt được. Nhưng khi tăng thuế lên 10% sẽ tác động rất rõ tới người tiêu dùng và cả những ngành ăn theo.

Tôi có thể đơn cử như người nông dân sản xuất ra mía đường hay ngành sản xuất bao bì và cả những doanh nghiệp vận tải... không biết bao nhiêu người lao động bị ảnh hưởng mà còn liên quan đến ngành này, bởi lẽ hệ thống thương mại của chúng ta rất lớn, do vậy tôi nghĩ việc tăng thuế sẽ tác động đến cả xã hội và như thế cả mặt được và chưa được của chính sách cần được nghiên cứu cũng như cần đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng.

Ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch VBA
Ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch VBA

Sức ép cạnh tranh của ngành này đã rất lớn rồi, trong khi việc tăng thuế được cộng hưởng sẽ gây tác động như thế nào đối với doanh nghiệp trong ngành, thưa ông?

Theo tôi, nếu nguyên nhân gây ra bệnh béo phì do sử dụng đường thì việc tăng thuế là hợp lý nhưng thực chất hiện chúng ta chưa có bằng chứng khoa học.

Ở các nước phương Tây họ sử dụng một lượng đường rất cao và lượng béo phì cũng rất lớn còn Việt Nam vẫn chưa có bằng chứng rõ về điều này và nếu chúng ta chỉ lấy kinh nghiệm của các nước xung quanh mà không lấy từ thực tế của Việt Nam thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới sản xuất và sức cạnh tranh nội tại của doanh nghiệp của chúng ta.

Ông có thể nói rõ hơn mức thuế đang áp dụng đối với ngành này?

Chính sách thuế liên quan đến ngành này của các nước thì Hiệp hội đã được nghiên cứu và tham khảo rất kỹ.

Còn ở Việt Nam, Quốc hội đã quyết định tăng thuế 3 năm liền với ngành đồ uống, từ năm 2016 - 2018, chưa kể thuế Giá trị gia tăng tức là thuế thương mại trước đây ​là 7%.

Có thể nói, thuế đối với ngành này hiện rất cao, nếu thời gian tới tiếp tục phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt lên tới 10% nữa thì Việt Nam sẽ là một trong những nước có sắc thuế với ngành nước giải khát rất cao và tăng liên tục trong những năm vừa qua cũng như tiếp tục tăng trong những năm tới chắc chắc sẽ ảnh hưởng tới sản xuất, ảnh hưởng tới sức mua và tác động tới nhiều ngành khác, đây là vấn đề chúng ta cần cân nhắc rất kỹ.

Được đánh giá là ngành hàng có cạnh tranh cao, vậy theo ông việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt như đề xuất của Bộ Tài chính có ảnh hưởng như thế nào tới môi trường đầu tư?

Với số dân trên 90 triệu dân và là nước nhiệt đới nóng cho nên nhu cầu sử dụng nước giải khát khá cao và trong những năm gần đây thị trường nước giải khát phát triển khá tốt đặc biệt là cơ hội cho nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm.

Theo tôi, với xu hướng như vậy thì chính sách cần rất phù hợp để tạo điều kiện cho cả hai phía, một mặt vừa nuôi được nguồn thu, tăng được ngân sách cho nhà nước mặt khác chúng ta cũng phải tạo ra sự hấp dẫn cho nhà đầu tư có cơ hội tạo cho phát triển và chính điều ấy cũng là hưởng lợi cho người dân và toàn xã hội.

Doanh nghiệp "cầm cự"?

Có ý kiến cho rằng việc tăng thuế này cũng là một hình thức tận thu, trong bối cảnh ngân sách khó khăn, vậy quan điểm của ông như thế nào?

Nguyễn Văn Việt: Điều này cũng rất khó nói, tôi nghĩ Nhà nước có chủ trương tăng thu ngân sách thì bằng các biện pháp khác nhau, tôi chỉ muốn nói mỗi khi tăng thu về ngân sách thì cần có đánh giá tác động về môi trường, xã hội, sự ảnh hưởng về sản xuất kinh doanh cũng như nguồn thu thế nào đấy cho hợp lý nhất.

Các doanh nghiệp trong hiệp hội đã có ý kiến như thế nào về đề xuất tăng thuế mà Bộ Tài chính đưa ra chưa, thưa ông?

Theo tôi, việc tăng thêm 10% sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp và theo phản ánh của các doanh nghiệp trong ngành cũng rất lo lắng về chủ trương này.

Doanh nghiệp hiện đang xem cầm cự được trong giai đoạn tới như thế nào và hiệp hội đang lấy ý kiến để thời gian tới đóng góp cho dự thảo này của Bộ Tài chính.

Ông có nói, việc tăng thuế kéo theo tiêu dùng giảm?

Đúng là có 2 mặt của vấn đề, nếu chính sách hợp lý thì sức tiêu dùng tăng lên và người dân được hưởng lợi, xã hội cũng sẽ được hưởng lợi nhờ tăng nguồn thu. Ngược lại chính sách không phù hợp thì sản xuất sẽ giảm xuống thì đồng thời nguồn thu chưa chắc tăng lên, thậm chí giảm theo.

Chúng tôi nghĩ chủ trương nào đưa ra cũng cần phải bám sát thực tế của cuộc sống, bám sát với doanh nghiệp và cần phải điều tra những đề án nghiên cứu ấy để khả thi.

Xin cảm ơn ông!

Theo Vietnamplus.vn

Có thể bạn quan tâm