Tăng thuế, tăng năng lực hành thu

Vấn đề thất thu thuế cần được đặt ra một cách quyết liệt như là một trong những biện pháp hàng đầu cho ngành thuế xét bối cảnh Bộ Tài chính vừa có đề nghị tăng thuế giá trị gia tăng (GTGT).
Tăng thuế, tăng năng lực hành thu

Báo Thanh Niên dẫn lời một chuyên gia trong ngành điện cho rằng theo các tính toán độc lập, tỷ lệ thất thoát điện năng ở Việt Nam là 20%. Báo điện tử Xây dựng dẫn nguồn Chương trình quốc gia chống thất thoát nước 2011-2016 cho biết tỷ lệ thất thoát nước ở Việt Nam là 26%. Không khó để độc giả có thể truy cập các số liệu vừa nêu. Thất thoát trong sản xuất - kinh doanh điện, nước là một thực trạng ở Việt Nam. Thất thu thuế cũng vậy. Tuy nhiên, người dân đóng thuế muốn tiếp cận tỷ lệ thất thu thuế do các cơ quan chức năng đưa ra, dù chỉ là ước tính, lại không phải là chuyện dễ.

Vẫn biết tăng thuế là nhằm tăng nguồn thu ngân sách nhưng đó cần được xem là giải pháp cuối cùng sau khi đã tận dụng mọi biện pháp khác.

Nói gì thì nói Tổng cục Thuế không thể thoái thác trách nhiệm trong chống thất thu thế. Thế mà cơ quan này lại nằm dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bộ Tài chính. Để thuyết phục người dân rằng tăng thuế là cần thiết, trước hết Bộ Tài chính phải tăng cường hiệu lực hành thu và bịt các kẽ hở tạo điều kiện cho cán bộ thuế và đối tượng nộp thuế bắt tay nhau gây thất thoát ngân sách.

Chống thất thu thuế, nợ thuế là chuyện khó, nhưng Bộ Tài chính cần chỉ đạo ngành thuế đưa ra những biện pháp cụ thể, khả thi, có sự kiểm soát độc lập, nhằm tăng năng lực hành thu, chứ không phải chỉ là kế hoạch nội bộ lặp đi, lặp lại. Ngành điện đặt chỉ tiêu giảm thất thoát xuống còn 6,5% năm 2020. Ngành nước phấn đấu hạ tỷ lệ thất thoát còn 15% năm 2025. Cả hai cũng đã xây dựng lộ trình nhằm thực hiện mục tiêu dựa trên hai biện pháp chính là cải tạo mạng lưới phân phối và xã hội hóa đầu tư. Còn ngành thuế thì sao, lộ trình là gì? Người đóng thuế có quyền được biết những thông tin này.

Nhân đây, cũng xin góp ý cơ quan nhà nước cần công bằng hơn khi giải thích việc tăng giá hay tăng thuế. Lâu nay, để chứng minh sự cần thiết của một quyết định, cơ quan liên quan thường so sánh mức hiện hành ở Việt Nam với một số nước hay “thông lệ quốc tế”.

Cách so sánh phiến diện này rất dễ gây hiểu lầm, tương tự như việc cắt một phát biểu ra khỏi ngữ cảnh của nó. Chẳng hạn, nếu so sánh giá điện, nước ở Singapore với Việt Nam, người dân cũng cần biết rằng tỷ lệ thất thoát điện, nước ở Singapore lần lượt là 2% (theo Ngân hàng Thế giới) và 5% (theo Cơ quan Thủy cục quốc gia Singapore).

Tương tự, khi so sánh thuế suất thuế GTGT giữa Việt Nam với Singapore hay các nước phát triển khác, cũng nên lưu ý rằng thu nhập bình quân đầu người của chúng ta chỉ bằng một phần rất nhỏ của họ. Chỉ thấy bảo phải nâng giá bằng giá thế giới, không thấy ai bảo phải nâng thu nhập bằng thu nhập thế giới. Cách so sánh “ngắt khúc” như vậy chỉ có tác dụng ngược khiến người dân thiếu tin tưởng vào giải thích lần này cũng như lần sau.

Theo Saigontimes.vn

thesaigontimes.vn/163898/tang-thue-tang-nang-luc-h http://www.thesaigontimes.vn/163898/tang-thue-tang-nang-luc-hanh-thu.html

Có thể bạn quan tâm