Tăng trưởng "ấn tượng", vì sao cổ phiếu Nhiệt điện Hải Phòng vẫn "ế"?

Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa có thông báo kết quả nộp hồ sơ năng lực của nhà đầu tư về việc chào bán cạnh tranh 45.000.000 cổ phần sở hữu tại CTCP Nhiệt điện Hải Phòng (HND).
Tăng trưởng "ấn tượng", vì sao cổ phiếu Nhiệt điện Hải Phòng vẫn "ế"?

Theo thông báo, đến 16h00 ngày 09/06 không có nhà đầu tư nộp hồ sơ năng lực tại SCIC. Vậy là trong 1 tuần kể từ ngày thông báo chào bán (từ 29/05/2020), cổ phiếu HND không nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư. 

Điều đáng nói, từ khi SCIC có động thái muốn thoái vốn và bán trọn lô cổ phần đang sở hữu tại HND, tương đương 9% vốn điều lệ của công ty này thì tình hình kinh doanh tại HND luôn khả quan.

Năm 2019 được coi là năm kỷ lục trong kinh doanh của HND khi doanh thu tăng 19% đạt hơn 11.300 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.173 tỷ đồng, gấp 2,8 lần cùng kỳ. Trong quý I/2020, công ty nhiệt điện tiếp tục ghi nhận lợi nhuận sau thuế cao gấp đôi cùng kỳ đạt 200 tỷ đồng nhờ sản lượng điện thực phát tăng cao và giảm chi phí nợ vay.

Theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2020, HND sẽ chia cổ tức tỷ lệ 16%, tương ứng với giá trị chia 800 tỷ đồng. Trước đó công ty đã thực hiện tạm ứng cổ tức đợt 1/2019 với tỷ lệ 5% bằng tiền, tương đương 250 tỷ đồng.

Cũng trong nội dung của nghị quyết này, ĐHĐCĐ thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2020 với chỉ tiêu sản lượng tăng nhẹ lên 8,15 tỷ kWh, tổng doanh thu giảm 1% xuống 11.255 tỷ đồng và chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế (chưa bao gồm chênh lệch tỷ giá) là hơn 943 tỷ đồng, giảm 24% so với kết quả năm trước.

Về kế hoạch đầu tư, công ty tiếp tục chỉ tiêu xây dựng cơ bản cho dự án nhà máy điện Hải Phòng 2 và dự án đảm bảo an toàn thông tin với giá trị giải ngân gần 8 tỷ đồng.

Hiện nay, giá cổ phiếu HND giao dịch quanh ngưỡng 18.000/cổ phiếu (theo kết quả giao dịch vào cuối phiên giao dịch chiều 10/6), thấp hơn mệnh giá chào bán của SCIC.

Tuy nhiên, theo biểu đồ giá thì giá cổ phiếu HND đã tăng khoảng 65% trong khoảng 1 năm trở lại đây. Vốn hoá thị trường của HND tại thời điểm này đạt khoảng 8.500 tỷ đồng. 

Không chỉ có cổ phiếu HND, SCIC cũng nhiều lần đấu giá cổ phần tại doanh nghiệp với giá khởi điểm cao hơn đáng kể so với mức giá đang giao dịch trên thị trường.

Giải thích về vấn đề này, đại diện SCIC đã từng nói, khi xác định giá khởi điểm, SCIC phải tuân thủ quy định là giá khởi điểm không thấp hơn trung bình giá cổ phiếu trong ít nhất 30 phiên liên tục trước khi chọn thời điểm chốt giá. Việc định giá theo các quy định mới là rất chặt chẽ, phải tính đủ, tính tối đa dựa trên tiềm năng doanh nghiệp chứ không đơn thuần theo phương pháp định giá tài sản. 

Nhưng cũng chính vì điều này mà nhiều cổ phiếu) không chỉ thuộc 'họ EVN" như Nhiệt điện Hải Phòng, Nhiệt điện Hải Dương...) lại không được thị trường chấp nhận? 

Có thể bạn quan tâm