Tăng trưởng và điểm nghẽn bất hợp lý

Năm 2017, với dự kiến đạt và vượt tất cả 13 chỉ tiêu nghị quyết QH đề ra cho thấy Chính phủ có sự cố gắng rất lớn trong chỉ đạo, điều hành.
Tăng trưởng và điểm nghẽn bất hợp lý

Ghi nhận tinh thần trách nhiệm, sự quyết liệt, sâu sát và nhanh nhạy của tập thể Chính phủ, song nhiều ĐBQH cũng chỉ rõ, trong số 13 chỉ tiêu thì chỉ tiêu về tăng trưởng đang bộc lộ những điểm nghẽn bất hợp lý. Bên cạnh đó là nỗi lo về “Trung ương chuyển mạnh, nhưng một số bộ, ngành, địa phương, nhất là cấp cơ sở vẫn chưa thực sự “động”.

Trung ương “chuyển”, cơ sở chưa “động”

Nhiều điểm sáng - đó là nhận định của ĐBQH Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) về bức tranh KT - XH của đất nước. Những điểm sáng đó thể hiện ở tốc độ tăng trưởng, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và giữ môi trường ổn định để phát triển. Chung nhận định, nhiều đại biểu cũng nêu rõ, điểm nổi bật nhất là cả 13 chỉ tiêu nghị quyết của QH đề ra đều dự kiến đạt và vượt. Đây là kết quả đáng ghi nhận, thể hiện sự quyết tâm, cố gắng lớn trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ.

Theo ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội), những kết quả đạt được trong bối cảnh khó khăn chồng chất như hiện nay cho thấy “con đường và cách đi là hết sức đúng đắn, mạnh mẽ, chắc chắn, cách mạng và thận trọng”. Kết quả đó đã củng cố, tăng cường “đáng kể” niềm tin của đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Quốc hội và Chính phủ, tạo sự đồng thuận và động lực chung để toàn dân và doanh nghiệp vững tin, chung tay cùng Đảng, Quốc hội, Chính phủ tiến nhanh về phía trước.

Dẫu vậy, điều khiến ĐB Ngọ Duy Hiểu cũng như nhiều đại biểu khác còn băn khoăn, đó là Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã chuyển khá mạnh, nhưng một số bộ, ngành và nhiều địa phương, nhất là ở cấp cơ sở thì vẫn chưa thực sự động. Như cách nói của ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận), đó là tình trạng “trên bảo dưới không làm”, trong khi Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, thì bộ máy bên dưới thờ ơ, vô cảm trong thực hiện công vụ. Và đây là nguyên nhân khiến con đường đi vẫn còn nhiều “vật cản”. Đó là tình trạng bàn lùi, buông xuôi, sợ trách nhiệm, lợi ích nhóm, không trung thực, đối phó, cục bộ, bệnh thành tích, nói nhiều làm ít, xu nịnh, tham mưu theo kiểu “hại nước, lợi mình”, thiếu công khai, minh bạch… còn phổ biến. “Đây là những thách thức rất lớn, đòi hỏi nỗ lực rất cao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ để nước ta không bị lạc hậu và không bị tụt hậu”, ĐB Ngọ Duy Hiểu nói.

“Chúng ta đang cố tăng trưởng bằng mọi giá?”

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm trong phiên họp ngày hôm qua liên quan đến câu chuyện tăng trưởng, vấn đề đã và đang làm nóng không chỉ trong phòng họp của QH.

Đi sâu phân tích nội hàm chỉ tiêu tăng trưởng, ĐBQH Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) nhận thấy, “tăng trưởng giữa các quý đang lên xuống đột ngột, không theo logic thông thường”. Nếu như các quý cuối năm tăng trưởng rất cao, thì sang quý I liền kề của năm sau lại giảm xuống rất nhanh và đột ngột. Có thể lý giải do quý I cũng là dịp Tết nên sản xuất giảm sút, nhưng cũng không thuyết phục. Bởi lẽ, sự giảm sút về sản xuất đã được bù đắp bởi tiêu dùng và du lịch, nên dù có giảm cũng không thể giảm quá sâu.

Mặt khác, do quy trình ngân sách theo năm nên đầu năm chí ít cũng không thể làm tốc độ tăng trưởng giảm quá nhanh. Vì rằng quý I có thể giảm chi đầu tư, nhưng các khoản khác vẫn phải chi và chi tiêu ngân sách chỉ tác động một phần đến tăng trưởng. Đồng thời, sản xuất cũng không thể đình trệ đột ngột trên diện rộng để GDP “rơi tự do” như diễn biến mấy năm gần đây, mà theo ĐB Hoàng Quang Hàm là “rất kỳ lạ”.

Đơn cử, nếu quý IV.2015, cả nước hân hoan vì tăng trưởng đạt 7,01%, thì quý I.2016 rơi thẳng xuống còn 5,48%, giảm hơn 2,2%. Mức tăng trưởng này nhích lên trong quý II, quý III và đạt mức cao là 6,68% ở quý IV.2016, nhưng lại đột ngột giảm ngay ở quý liền kề (quý I.2017 giảm xuống còn 5,1%). Và hiện nay, GDP lại đang “tăng tốc rất thần kỳ” ở các quý cuối năm 2017. Liệu rằng quý I.2018 có thoát khỏi quy luật bất thường này hay không?

“Với số liệu trên cử tri cho rằng, nếu thống kê tốt không có nghi vấn gì, thì tăng trưởng đã có những điểm nghẽn bất hợp lý. Chính phủ phải làm rõ và có giải pháp khắc phục ngay, không để tình trạng này tiếp tục xảy ra ở quý I.2018 và quý I các năm sau”, ĐB Hoàng Quang Hàm đề nghị.

Nhất trí với nhận định về chu kỳ tăng trưởng GDP trong năm có sự khác biệt, tăng giảm giữa các quý, song trong phần giải trình trước QH chiều qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tốc độ tăng trưởng GDP là một chỉ tiêu về kết quả và chịu sự tác động của yếu tố chu kỳ sản xuất, chu kỳ tăng trưởng, yếu tố mùa vụ của các hoạt động kinh tế. Theo thông lệ nhiều năm và gần như trở thành một quy luật thì hoạt động sản xuất, kinh doanh của quý I bị ảnh hưởng do sự trùng hợp vào yếu tố chu kỳ đó là kết thúc Tết âm lịch, kết thúc của năm ngân sách và nhiều nhiệm vụ phải kết thúc trước khi bước sang một năm mới. Đấy là chưa kể còn ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ như sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, mua sắm, thời tiết. “Hiện tượng và tốc độ tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước trong năm, nhưng quý I năm sau thấp hơn quý IV của năm trước đã được các tổ chức quốc tế tại Việt Nam như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá và phản ánh đúng chu kỳ, mùa vụ trong tăng trưởng của năm”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Thống nhất về những ảnh hưởng của yếu tố chu kỳ sản xuất kinh doanh, tết và lễ hội, song ĐB Hoàng Quang Hàm chưa đồng thuận với giải thích của Bộ trưởng, đồng thời trao đổi thêm hai nguyên nhân mà Chính phủ và bộ trưởng cần quan tâm. Trong đó có nguyên nhân “chúng ta đang cố tăng trưởng bằng mọi giá, và những giải pháp đưa ra cho các quý cuối năm là ngắn hạn”.

Vì thực tế, trước đây năm 2013 - 2014 không như thế, các quý rất đều nhau, nhưng bắt đầu từ 2015 - 2016 chúng ta bán thêm dầu và khai thác thêm tài nguyên, khoáng sản bán để bảo đảm cho quý III và quý IV tăng trưởng. Cho nên, sang quý sau chúng ta bị “hụt hơi”, không tăng trưởng được nữa, vì hết tài nguyên, hết dầu, chúng ta lại tăng trưởng từ đầu nên bị giảm sút. Đối với quý IV này, hiện chúng ta đang trông vào những giải pháp ngắn hạn.

Đơn cử, chúng ta đẩy mức tăng trưởng tín dụng từ 12% lên 21% trong khi chỉ còn 3 tháng, hoặc đẩy mạnh đầu tư công, nhưng đều có hệ lụy của nó. Nếu đẩy tín dụng, nhưng không xác định tín dụng đi về đâu và không xác định kiểm soát lạm phát lâu dài sẽ rất ảnh hưởng. Cho nên, điều ĐB Hoàng Quang Hàm “muốn nói” là “tăng trưởng thì tốt, nhưng tăng trưởng phải bền vững và những giải pháp của nó phải căn cơ, lâu dài, không phải giải pháp ngắn hạn, trước mắt; và việc này cũng chỉ có từ 2 năm nay”.

Vui mừng và ghi nhận với những kết quả đạt được, song một trong những điều mà các ĐBQH gửi gắm ở Chính phủ trong ngày đầu tiên của phiên thảo luận, đó là kiên quyết không tăng trưởng bằng mọi giá. Tăng trưởng nhưng phải bền vững với những giải pháp căn cơ, lâu dài.

Có thể bạn quan tâm