Tập đoàn Cao su Việt Nam được định giá 52.000 tỉ đồng

Tại mức giá khởi điểm 13.000 đồng, vốn hoá thị trường của VRG đạt 52.000 tỷ đồng và lượng cổ phần đấu giá có giá trị gần 6.200 tỷ đồng.
Tập đoàn Cao su Việt Nam được định giá 52.000 tỉ đồng

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa phê duyệt Phương án cổ phần hóa Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) và chuyển thành CTCP Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) với hình thức cổ phần hóa kết hợp bán phần vốn nhà nước hiện có và phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

Sau cổ phần hóa VRG có vốn điều lệ là 40.000 tỷ đồng. Cơ cấu cổ phần phát hành lần đầu với tổng số cổ phần là 4 tỷ cổ phần, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần.

Trong đó: cổ phần Nhà nước là 3 tỷ cổ phần, chiếm 75% vốn điều lệ; cổ phần đấu giá công khai là 475.123.761 cổ phần, chiếm 11,88% vốn điều lệ; cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược là 475.123.761 chiếm 11,88% vốn điều lệ; cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp là 48.921.710, chiếm 1,22% vốn điều lệ; cổ phần bán cho tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp là 830.769 cổ phần, chiếm 0,02% vốn điều lệ.

Giá khởi điểm chào bán cổ phần lần đầu khi thực hiện cổ phần hóa Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam là 13.000 đồng/cổ phần. Tại mức giá này, vốn hóa của VRG đạt 52.000 tỷ đồng và lượng cổ phần đấu giá có giá trị gần 6.200 tỷ đồng.

Cơ quan đại diện chủ sở hữu toàn bộ phần vốn nhà nước tại Tập đoàn là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tuy nhiên, VRG sẽ không bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ lựa chọn nhà đầu tư chiến lược trong nước sau khi thực hiện IPO, trong đó bảo đảm điều kiện không chuyển nhượng cổ phần trong thời gian 5 năm và quy định rõ quyền ưu tiên của nhà nước được mua cổ phần nếu nhà đầu tư chiến lược bán cổ phần sau 5 năm cổ phần hóa.

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - Công ty cổ phần thực hiện xử lý đất đai, thuê đất của Nhà nước, trả tiền thuê đất hàng năm, thực hiện việc quản lý, sử dụng đất theo đúng quy định của Luật đất đai và pháp luật có liên quan; giải quyết các tồn tại về nhà, đất (nếu có) trước khi chính thức chuyển thành công ty cổ phần.

Ngày 12/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) khởi tố bị can, khám xét và áp dụng các biện pháp ngăn chặn với 5 bị can gồm: Lê Quang Thung (nguyên chủ tịch HĐTV Tập đoàn Cao su Việt Nam), Nguyễn Thành Châu (nguyên giám đốc Công ty Cao su Đồng Nai), Nguyễn Văn Minh (nguyên kế toán trưởng Công ty cao su Đồng Nai), Nguyễn Hồng Phú (nguyên giám đốc Công ty Cao su Phú Riềng), Hoàng Văn Sơn (kế toán trưởng Công ty Cao su Phú Riềng).

Năm người cùng bị khởi tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, theo Điều 165 Bộ luật Hình sự.

Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) cho hay, việc khởi các bị can nằm trong diễn biến điều tra vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" được khởi tố ngày 6/12, nhằm điều tra các sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Phú Riềng.

>> Khởi tố nguyên chủ tịch Tập đoàn Cao su Việt Nam và nhiều cựu lãnh đạo khác

Có thể bạn quan tâm