Tập đoàn nào dễ tổn thương giữa căng thẳng Mỹ - Triều Tiên?

Cuộc tập trận quân sự thường niên của Mỹ và Hàn Quốc diễn ra trong tuần này có thể khiến những xung đột giữa Hoa Kỳ và Triều Tiên thêm phần căng thẳng.
Tập đoàn nào dễ tổn thương giữa căng thẳng Mỹ - Triều Tiên?

Đối với những tập đoàn đa quốc gia đang có sự phụ thuộc lớn vào thị trường Hàn Quốc, mọi động thái trong thời điểm nhạy cảm này đều có thể khiến hoạt động sản xuất - kinh doanh bị tổn thương.

Từ ngày 21 - 31/8, 10.000 binh lính Mỹ, Hàn Quốc và một số quốc gia khác sẽ tiến hành tập trận quân sự, bao gồm hoạt động mô phỏng trên máy tính, về khả năng xảy ra chiến tranh với Triều Tiên.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh này, bất kỳ tia lửa nào làm bùng phát xung đột giữa Triều Tiên và Hàn Quốc đều sẽ gây nên những thiệt hại lớn về thương mại, khi nó tạo tác động lan tỏa tới doanh nghiệp và nền kinh tế toàn cầu.

Nguyên nhân chính là bởi Hàn Quốc đang đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung cấp hàng hóa trên thế giới, từ điện thoại di động, ti vi màn hình phẳng cho tới xe hơi. Mọi công ty có hoạt động sản xuất và nhân viên tại quốc gia này đều phần nào chịu tác động từ những căng thẳng chính trị hiện nay.

Không có gì ngạc nhiên khi các hãng công nghệ chiếm phần lớn trong danh sách các công ty nước ngoài có doanh số bán nhiều hơn 1 tỷ USD tại Hàn Quốc.

Hiện tại, quốc gia châu Á này chiếm thị phần khoảng 17% đối với hoạt động kinh doanh toàn cầu của Qualcomm Inc, nhà sản xuất chip dùng cho điện thoại di động lớn nhất toàn cầu, và nhà sản xuất chất bán dẫn đến từ Thung lũng Silicon Applied Materials Inc. Trong khi đó, nhà chế tạo thiết bị, chất bán dẫn châu Âu ASML Holding NV đang thu về 25% doanh thu toàn cầu từ Hàn Quốc.

“Hàn Quốc là nhà xuất khẩu lớn các bán thành phẩm, vì vậy đóng vai trò rất quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu, đặc biệt là đồ điện tử. Nếu hoạt động tại quốc gia này bị gián đoạn hoặc ngừng trệ trong một thời gian vì những xung đột quân sự, thì tất cả các công ty trên thế giới đều sẽ bị ảnh hưởng”, John Davies, chiến lược gia hàng hóa toàn cầu tại BMI Research cho biết.

Không riêng các hãng công nghệ, các doanh nghiệp phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ Hàn Quốc cũng chịu chung sự thiệt thòi. Chẳng hạn, BMW và Mercedez-Benz là các dòng xe bán chạy bậc nhất tại quốc gia này trong số 225.000 xe nhập khẩu kể từ đầu năm nay.

Trong khi đó, Starbucks Corp ước tính doanh thu đạt 1 nghìn tỷ won (876 triệu USD) trong năm 2016 tại Hàn Quốc. Đây cũng là 1 trong 5 quốc gia trên thế giới có hơn 1.000 cửa hiệu Starbucks.

Trong số các doanh nghiệp đã công bố doanh thu từ Hàn Quốc trong năm ngoái, Fairhaven, Acushnet Holdings Corp là những cái tên nổi bật bởi được hưởng lợi từ sự ưa chuộng môn golf tại đây. Chưa kể, Ministop Co, công ty kinh doanh chuỗi các cửa hàng tiện lợi Nhật Bản, hiện đang có 2.400 cửa hàng tại Hàn Quốc, nhiều hơn cả thị trường tại quê nhà, cũng phụ thuộc lớn vào quốc gia này.

Với những căng thẳng hiện tại, người phát ngôn Ministop Kimikazu Sugawara cho biết: “Chúng tôi không có kế hoạch đặc biệt nào trước tình trạng căng thẳng tại Hàn Quốc. Công ty sẽ luôn cố gắng chuẩn bị để có thể tiếp tục cung cấp dịch vụ tốt nhất ngay cả trong thời điểm khó khăn”.

Trong khi nhiều tập đoàn đa quốc gia chịu ảnh hưởng lớn bởi căng thẳng chính trị xung quanh Mỹ - Triều Tiên - Hàn Quốc, các doanh nghiệp hàng đầu Hàn Quốc lại ít bị tác động hơn, bởi thị trường quê nhà chỉ chiếm phần nhỏ trong hoạt động kinh doanh trên toàn cầu của mình.

Hàn Quốc là quê nhà của nhiều thương hiệu nổi tiếng toàn cầu, một trong số đó là Samsung Electronics Co. Tuy nhiên, hiện tại, chỉ 10% trong số 174 tỷ USD doanh thu của tập đoàn này tới từ thị trường nội địa. Tương tự, Hàn Quốc chỉ đóng góp 1/4 doanh thu của LG Electronics Inc.

Lâm Phong

Có thể bạn quan tâm