Techcombank lãi trước thuế đột biến gấp 2 lần, đạt 8.036 tỷ đồng

Trong năm 2017, tín dụng của Techcombank tăng trưởng cao 15,9%, giảm mạnh nợ xấu xuống mức thấp… nhờ đó lợi nhuận trước thuế đạt hơn 8.036 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với năm trước.
Techcombank lãi trước thuế đột biến gấp 2 lần, đạt 8.036 tỷ đồng

Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) vừa công bố các kết qủa kinh doanh tăng trưởng ấn tượng trong năm 2017 tại họp báo sáng nay 30/1.

Với mô hình kinh doanh được chuyển đổi theo hướng tối ưu hoá với chiến lược “khách hàng là trọng tâm”, Techcombank đã hoàn thành kế hoạch kinh doanh của năm 2017. Cụ thể, dư nợ tín dụng đến hết năm đạt 181.002 tỷ đồng, tăng trưởng 15,9% so với năm 2016. Tỷ lệ cho vay trên huy động ở mức an toàn là 76,62%. Tỷ lệ nợ xấu tiếp tục được kéo giảm về mức 1,6% dư nợ.

Ngân hàng đã trích lập đủ dự phòng rủi ro để tất toán trái phiếu VAMC và dùng dự phòng xử lý các khoản nợ xấu tồn đọng từ năm 2008-2012. Năm 2017, ngân hàng ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế đột biến lên tới 8.036 tỷ đồng, gấp đôi năm 2016.

"Ông Ngô Hoàng Hà, Phó tổng giám đốc Techcombank chia sẻ những con số tăng trưởng ấn tượng của ngân hàng năm qua. Năm 2017 là năm thứ 3 liên tiếp ngân hàng có lợi nhuận tăng gấp đôi và vượt 60% so với chỉ tiêu đại hội cổ đông giao.

Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 30,71%, gấp đôi so với năm 2016; lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) đạt 2,69%.

NIM (biên thu nhập lãi thuần) của Techcombank năm qua đạt tới 3,9%, thấp hơn mức 4,06% so với năm 2016. Thu nhập ngoài lãi của ngân hàng đã nâng từ 31,7% lên 45% tỷ trọng trong tổng thu nhập.

“Ngân hàng dù không cho vay tiêu dùng song có được nhờ nguồn vốn đầu vào (huy động) giá rẻ giúp cho tỷ suất sinh lời tốt hơn”, ông Hà chia sẻ.

Theo báo cáo, tỷ trọng thu nhập phí thuần trên tổng thu nhập hoạt động đạt 23,32%, tăng mạnh nhờ sự tăng trưởng của phí hoa hồng bảo hiểm và dịch vụ thanh toán.

Tỷ lệ an toàn vốn CAR ở mức 12,68% cao hơn nhiều so với mức an toàn 9% theo quy định của NHNN.

Về kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán, ông Đỗ Tuấn Anh cho biết trong kỳ ĐHCĐ năm 2018, HĐQT sẽ tiếp tục đưa nội dung niêm yết cổ phiếu Techcombank trên sàn vào chương trình họp xin ý kiến cổ đông.

Trước đó, trong các kỳ họp ĐHCĐ mấy năm gần đây, các cổ đông đều chất vấn việc chậm trễ đưa cổ phiếu Techcombank lên sàn để tăng thanh khoản cho nhà đầu tư. Nhất là vấn đề giá cổ phiếu hiện giao dịch ở mức thấp hơn giá trị thực. Lãnh đạo Techcombank cũng trấn an cổ đông và hé lộ mục tiêu khi đưa cổ phiếu lên sàn thì giá trị phải ở mức gấp 4 lần mệnh giá cổ phần.

Với kết quả lợi nhuận trước thuế 8.036 tỷ đồng, thị trường cũng đang chờ đợi kế hoạch chia cổ tức hậu hĩnh cho cổ đông sau nhiều năm “nói không” với cổ tức.

Ông Đỗ Tuấn Anh giải thích, ngân hàng đang có sự tăng trưởng hoạt động kinh doanh rất tốt và là kết quả của quá trình chuyển hướng kinh doanh phù hợp. Mặc dù 3 năm gần đây, Techcombank đều có lợi nhuận nghìn tỷ song ngân hàng quyết định không chia cổ tức.

“Techcombank là ngân hàng duy nhất không chia cổ tức 7 năm liền để giữ lại toàn bộ lợi nhuận phục vụ đầu tư, nâng cao năng lực tài chính và đảm bảo kế hoạch phát triển đường dài”, ông Tuấn Anh nói.

>> Techcombank thông qua thương vụ bán Techcom Finance

Có thể bạn quan tâm