Techcombank với thương vụ chào sàn tỷ đô: Trồng cây 10 năm tới ngày hái quả!

Nhà đầu tư khôn ngoan, trường vốn sẽ lựa chọn rót tiền lớn vào doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng đột phá trong tương lai. “Trồng cây 10 năm chờ ngày hái quả”, các nhà đầu tư sẽ sớm được hái quả ng
Techcombank với thương vụ chào sàn tỷ đô: Trồng cây 10 năm tới ngày hái quả!

Techcombank hút mạnh vốn ngoại nhờ tăng trưởng lợi nhuận bứt phá, quản trị rủi ro hiệu quả 

Đâu chỉ là lợi nhuận nghìn tỷ…

Ngày 4/6, lãnh đạo Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank, mã: TCB) đã đánh cồng chính thức niêm yết hơn 1,165 tỷ cổ phiếu và khai trương phiên giao dịch đầu tiên trên Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE). Phiên giao dịch đánh dấu sự thành công của thương vụ IPO và niêm yết lớn kỷ lục trong ngành ngân hàng với quy mô vốn hoá hơn 147 nghìn tỷ đồng, xấp xỉ 6,5 tỷ USD.

Giá cổ phiếu TCB phiên chào sàn đầu tiên là 102.400 đồng/CP, là mức cao nhất và hiện vượt xa các cổ phiếu ngân hàng trên sàn như VCB (57.000 đồng/CP), ACB (41.000 đồng/CP), VPB (46.000 đồng/CP)…

Đại diện các quỹ đầu tư ngoại như Warburg Pincus, quỹ GIC (Singapore), Dragon Capital, Clermont Group, Fidelity… đều có mặt tại buổi lễ quan trọng này. Sau khi Warburg Pincus quyết định rót 370 triệu USD vào Techcombank hồi đầu năm, thì 4 quỹ ngoại mới đây đã chốt đặt mua tới 691,5 triệu USD cổ phiếu TCB khi IPO. Nhờ đó, Techcombank cầm chắc khoản thu nhập lên tới 21 nghìn tỷ đồng nhờ hút vốn ngoại.

Đây được cho là “kỳ tích” huy động vốn của một ngân hàng Việt, và được giới đầu tư kỳ vọng sẽ trở thành cổ phiếu có sức ảnh hưởng lớn tới chỉ số VNIndex bên cạnh các mã vốn hoá lớn như VNM, VIC, VHM, VCB, BVH… giúp thị trường chứng khoán làm nên “điều kỳ diệu”.

Ngay sau khi niêm yết, Techcombank sẽ trình ĐHCĐ bất thường ngày 14/6 tới để thông qua phương án cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 200% cho cổ đông nhằm tăng vốn điều lệ lên gần 34.965 nghìn tỷ đồng. Sau chia tách, thị giá cổ phiếu TCB sẽ điều chỉnh về quanh mức “bốn mươi mấy nghìn đồng mỗi cổ phiếu”, được cho là mức hấp dẫn cho nhà đầu tư trung và dài hạn.

Với việc cổ phiếu thưởng cao ngất ngưởng 200% vào tháng 7, các quỹ ngoại cũng như cổ đông, nhà đầu tư có thể “gặt” quả ngọt sớm với tỷ trọng cổ phiếu tăng gấp 3 lần.

"Hơn 1,06 tỷ USD vốn ngoại đã đổ vào mua cổ phiếu, đầu tư cho những giá trị tiềm năng, nền tảng kinh doanh và tăng trưởng bền vững đường dài của Techcombank… cho thấy sự quan tâm, sức hấp dẫn đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng Việt Nam".

Do đó, lợi nhuận nghìn tỷ, hay cổ tức cao là trong tầm tay, nhưng đó cũng mới chỉ là bề nổi của “tảng băng” giá trị vẫn còn ẩn sâu. Nhà đầu tư tài chính tầm cỡ quốc tế như Warburg Pincus, Dragon Capital… nhắm tới là những lợi ích lớn hơn từ thương vụ “kết duyên” với ngân hàng Việt.

Chọn tăng trưởng “hợp lý và an toàn”

Vài năm gần đây, sự tăng trưởng kinh doanh ấn tượng về thu nhập hoạt động, lợi nhuận, nợ xấu… cũng như quản trị rủi ro tốt hơn, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe Basel II chính là sức hấp dẫn khiến Techcombank trở nên “lấp lánh” trong mắt nhiều quỹ ngoại tầm cỡ khác. Đây là những yếu tố giúp cho cổ phiếu ngân hàng tăng trưởng bền vững dài hạn, bất chấp thị trường có bão lớn hay rủi ro khủng hoảng...

Techcombank với thương vụ chào sàn tỷ đô: Trồng cây 10 năm tới ngày hái quả! ảnh 1

Giới đầu tư nhắm tới cổ phiếu ngân hàng có lợi thế dẫn đầu ngành, tăng trưởng dài hạn và hút vốn ngoại

Vượt mặt nhiều ngân hàng tên tuổi lớn, Techcombank lần đầu báo lãi kỷ lục tới 8.306 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2017, cao gấp 4 lần so với năm 2015. Techcombank đã bất ngờ lọt vào Top 5 ngân hàng lãi khủng nhất hệ thống và dự kiến năm 2018 sẽ đạt mức lợi nhuận “khủng” hơn 10.000 tỷ đồng.

Chưa hết, xét các chỉ tiêu kinh doanh trọng yếu của Techcombank đều có sự tăng trưởng mạnh. Cụ thể, tổng tài sản tăng trưởng 17%, biên thu nhập thuần NIM duy trì ở mức 3,9%. Tín dụng tăng trên 16%, tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp dưới 2% với việc kiểm soát chặc rủi ro để cải thiện lợi nhuận cao.

Dù vậy lãnh đạo Techcombank cũng nhấn mạnh quan điểm “mở rộng tín dụng thận trọng, ưu tiên chất lượng tín dụng, kiểm soát chặt rủi ro” để đảm bảo an toàn hoạt động và có được biên lợi nhuận tối ưu. Hết năm 2017, hệ số ROE đạt 23,84%, ROA là 2,09%...

Tỷ trọng thu nhập phí thuần trên tổng thu nhập hoạt động tiếp tục tăng trưởng thành 23,32% so với mức 16,53% của năm trước. Trong khi tỷ lệ chi phí trên tổng thu nhập CIR giảm mạnh từ mức cao 59,42% của năm 2013 xuống còn 28,75%... Đây được đánh giá là những chỉ số “đẹp” ngang ngửa với các nhà băng lớn trong khu vực.

Vốn chủ sở hữu của ngân hàng hiện có 37.600 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ vẫn còn khiêm tốn chỉ 11.655 tỷ đồng cho thấy mức độ tích luỹ lợi nhuận “khủng” của Techcombank qua nhiều năm. Dư địa vốn dồi dào giúp cho ngân hàng có thể chia ngay cổ tức 200%, nâng vốn điều lệ lên 35 nghìn tỷ đồng ngay trong năm nay.

Sự chào sàn của “tân binh” TCB không chỉ là câu chuyện riêng của ngân hàng, mà còn mở ra sân chơi đầu tư mới và là “cú hích” thu hút vốn lớn vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Cùng với nhóm ngân hàng mới lên sàn như VPBank, HDBank, VIB, LPB và Techcombank, cổ phiếu tốt sẽ giúp thị trường chứng khoán có thể hút thêm hàng tỷ USD vốn trong tương lai.

>> Vì sao nhà đầu tư ngoại chi bạo tiền “hốt” cổ phiếu Techcombank trước khi lên sàn?

Có thể bạn quan tâm