Thái Nguyên tập trung cải cách hành chính thu hút các nhà đầu tư

Kết thúc năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thái Nguyên đạt 10,44%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước.
Thái Nguyên tập trung cải cách hành chính thu hút các nhà đầu tư

Một góc Thái Nguyên

Cải cách thủ tục hành chính ở Thái Nguyên cho đến nay luôn được đánh giá là khâu đột phá, mang lại những hiệu quả lớn trong việc thu hút các nhà đầu tư, đạt bước tiến dài trong quá trình phát triển kinh tế. Thời điểm hiện tại, Thái Nguyên đang đứng thứ 7 trên bảng xếp hạng CPI cả nước (năm 2011 đứng thứ 57/63), thuộc top 10 bảng xếp hạng các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất và đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng các tỉnh miền núi phía Bắc.

Phát huy những kết quả đã đạt được, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên luôn xác định cải cách thủ tục hành chính là nhiệm vụ trọng tâm mỗi năm. Rõ ràng, cùng với các chính sách về cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư,... thì cải cách hành chính là một động lực, yếu tố quan trọng để thu hút các nhà đầu tư đến với Thái Nguyên để địa phương đạt mục tiêu xây dựng địa phương thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, đi đầu trong vùng trung du và miền núi phía Bắc, là trung tâm của vùng về công nghiệp, dịch vụ, nhất là dịch vụ giáo dục đào tạo, du lịch; tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững với những sản phẩm chủ lực chất lượng cao,... 

Thái Nguyên tập trung cải cách hành chính thu hút các nhà đầu tư ảnh 1

Ông Vũ Hồng Bắc- Chủ tịch tỉnh Thái Nguyên làm việc với Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG - một trong những Doanh nghiệp thuộc lĩnh vực may mặc hàng đầu Việt Nam có trụ sở và nhiều nhà máy tại Tỉnh Thái Nguyên

Để đạt được thành tích đáng nể này, trong thời gian qua, Thái Nguyên đã triển khai đồng bộ và quyết liệt nhiều biện pháp, trong đó không thể không nói tới nỗ lực cải cách thủ tục hành chính nhằm trải thảm đỏ thu hút các nhà đầu tư và đem lại hiệu quả kinh doanh cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 679.000 tỷ đồng. Giá trị xuất khẩu đạt trên 25 tỷ USD - đứng đầu vùng trung du miền núi phía Bắc và trong top đầu của cả nước. Thu ngân sách đạt trên 15.000 tỷ đồng. Tổng sản phẩm trong tỉnh bình quân đầu người đạt 77,7 triệu đồng/người/năm...

Giai đoạn từ năm 1993 tới 2011, mỗi năm Thái Nguyên chỉ thu hút từ 1-2 dự án đầu tư mỗi năm. Cả giai đoạn này, toàn tỉnh có được 23 dự án với tổng vốn đầu tư là 106,8 triệu USD. Trước thực trạng này, lãnh đạo Đảng bộ, Tỉnh uỷ đã họp bàn, quyết định đưa ra định hướng phát triển để Thái Nguyên không bị tụt lại phía sau so với cả nước.

Nhằm thu hút các nhà đầu tư, Thái Nguyên xác định nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, mang lại sự tin tưởng, an tâm cho các nhà đầu tư và hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp. Coi trọng vai trò chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền gắn với trách nhiệm của mỗi cá nhân; từng bước yêu cầu các cấp ngành địa phương đánh giá đúng thực trạng cải cách hành chính. Tiến hành công khai, minh bạch 100% các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyểt, giúp các tổ chức cá nhân hiểu rõ, tiện liên hệ làm việc. Niêm yết công khai các quy định, thủ tục hành chính, giấy tờ, hồ sơ, mức phí và thời gian giải quyết các đầu việc tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính của UBND thành phố và cổng thông tin điện tử phục vụ việc tra cứu của mọi đối tượng. 

Phối cảnh trên cao của khu dân cư Thiên Lộc

Bên cạnh đó, tỉnh còn triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông thông suốt các cấp. Quy trình giải quyết tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính của thành phố được thực hiện qua hệ thống tự động, trang bị phần mềm nối mạng nội bộ… Triển khai, áp dụng chỉ số đánh giá cải cách hành chính đối với các đơn vị, địa phương công khai, khách quan để kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh, khắc phục. Đẩy mạnh kiểm tra, rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, rà soát, cắt giảm và nâng cao các thủ tục hành chính trong toàn bộ các lĩnh vực quản lý nhà nước, nhất là những thủ tục liên quan tới người dân và doanh nghiệp…                                                          

Mặt khác, tỉnh liên tục đẩy mạnh tuyên truyền về cải cách hành chính trên các phương tiện truyền thông theo từng thời điểm để lãnh đạo, công chức, viên chức và nhân dân nhận thức rõ hơn về vai trò, mục tiêu, ý nghĩa, sự cần thiết của việc cải cách hành chính. Tích cực triển khai, áp dụng chính quyền điện tử và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước, kịp thời hướng dẫn, tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến cấp độ 3,4 ở các lĩnh vực: tư pháp, nội vụ, lao động thương binh xã hội, giáo dục đào tạo, công thương, quản lý đô thị,.. 

Lễ ký kết giữa UBND tỉnh Thái Nguyên & Times Garden Việt Nam     

Song song với các biện pháp trên, Thái Nguyên còn thường xuyên đổi mới, sắp xếp bộ máy chính quyền tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Đồng thời, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực của lãnh đạo, công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới…Công bố kết quả khảo sát mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên mọi địa bàn xã, phường trong tỉnh.

Năm 2017, Bộ Nội vụ đã công bố chỉ số cải cách hành chính của Thái Nguyên đứng thứ 30/63 tỉnh, thành phố, tăng 24 bậc so với năm 2016 với nhiều nội dung, tiêu chí được cải thiện đáng kể và được lọt vào top 10 như: công tác chỉ đạo điều hành cải cách hành chính, xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản qui phạm pháp luật, hiện đại hoá hành chính,...

Đặc biệt, tỉnh được xếp thứ 3 về chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính. Trong đó, nhiều tiêu chí được đánh giá cao: thủ tục hành chính được niêm yết công khai, minh bạch; kết quả giải quyết hồ sơ đúng qui định; công chức thực hiện đúng quy định trong giải quyết công việc,...

>> Doanh nghiệp nông nghiệp than khó về thủ tục hành chính và vốn

Có thể bạn quan tâm