Tham vọng cải cách của những người đứng sau

Những vận động vượt qua lý thuyết thông thường của Cách mạng công nghiệp 4.0 đang là cơ hội để Việt Nam bước vào nền kinh tế sáng tạo, nếu tham vọng cải cách nền kinh tế được hiện thực nhanh.
Tham vọng cải cách của những người đứng sau

Những thay đổi phi truyền thống

Một ngày không xa, chúng ta có thể ăn sáng ở Hà Nội, chiều làm việc ở Paris và có một buổi tối lãng mạn bên bờ Đại Tây Dương. Các phương thức vận chuyển, các hình thức thanh toán mới cho phép con người không phải đắn đo với bất cứ một lịch làm việc nào.

Đó là thời đại 4.0... trong con mắt của TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).

Điều gì khiến một chuyên gia kinh tế trở nên... lãng mạn như vậy?

Tôi muốn hình dung thời đại 4.0 rất cụ thể, có thể nhìn vào những thay đổi, để thấy rõ yêu cầu của đổi mới và thấy thách thức mà nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt cực kỳ lớn.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với các từ khóa dữ liệu lớn, Internet vận vật, trí tuệ nhân tạo... đang làm thay đổi toàn bộ cuộc sống của con người, từ phương thức tổ chức xã hội, tổ chức sản xuất đến khoa học - kỹ thuật... cả về tốc độ và quy mô.

Thậm chí, không có lý thuyết riêng biệt nào có thể dùng để giải quyết các vấn đề của sự thay đổi này, đòi hỏi chính sách, vai trò, cách thức quản lý nhà nước phải thay đổi rất mạnh, rất nhanh mới kịp tận dụng cơ hội, quan trọng là chế ngự các xu hướng để phát triển.

Ngay lúc này, có thể nhìn thấy thách thức 4.0 trong cuộc tranh luận vẫn chưa rõ hồi kết giữa taxi truyền thống và Uber, Grab, thưa ông?

Sẽ còn những cuộc va chạm tương tự, trong ngành ngân hàng, các phương thức thanh toán điện tử... bởi sẽ có người được, kẻ mất và đó là tất yếu trong phát triển.

Nhưng vấn đề là có những cách làm truyền thống ăn sâu, gắn rễ vào tư duy không dễ thay đổi, thậm chí có người không thể thay đổi, sợ thay đổi. Nên sự đối nghịch, va chạm không chỉ là giữa các phương thức mà là tư duy kinh doanh, tư duy quản lý nhà nước.

Đây là thách thức lớn nhất mà nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt, nhưng cũng là cơ hội lớn, nếu chúng ta thay đổi để bắt kịp với xu hướng...

Nhưng tiếng nói của các chuyên gia kinh tế trong cuộc tranh luận này dường như chưa rõ nét?

Giai đoạn này khó khăn hơn cả, vì tất cả đều mới, mới không chỉ với Việt Nam, mà còn mới với thế giới.

Thời gian trước, có thể khoảng cách giữa tư duy kinh tế của Việt Nam và các nền kinh tế thị trường hiện đại rất lớn, nhưng khi đề xuất chính sách, khuyến nghị cải cách, chúng tôi có cơ sở lý luận, thực tiễn bên ngoài để tham khảo.

Lúc này, tất cả đều trong trạng thái cùng phải quan sát xu hướng và tìm hướng vận động.

Thách thức không vô hình

Giờ thì giới khởi nghiệp sẽ không thể hình dung, đã có một giai đoạn chưa xa lắm, trước năm 2015, doanh nghiệp sẽ bị xử lý hình sự nếu kinh doanh ngoài ngành nghề đăng ký trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Thời điểm đó, cho dù cơ hội kinh doanh có đặt vào tay, doanh nghiệp cũng sẽ phải nhắm mắt quay đi.

Đã bao giờ ông nghĩ rằng, nền kinh tế Việt Nam sẽ có một diện mạo khác nếu Luật Doanh nghiệp 1999 đạt được mục tiêu người dân được quyền kinh doanh những gì pháp luật không cấm?

Nếu ai theo dõi quá trình xây dựng, hoàn thiện Luật Doanh nghiệp, có thể thấy chủ đích cuối cùng là quyền tự do kinh doanh của người dân.

"Tôi muốn hình dung thời đại 4.0 rất cụ thể, có thể nhìn vào những thay đổi, để thấy rõ yêu cầu của đổi mới và thấy thách thức mà nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt cực kỳ lớn.

Nhưng năm 1999, Việt Nam mới ở giai đoạn đầu cải cách, doanh nghiệp tư nhân mới có tên trong văn bản luật chưa được 10 năm, mục tiêu tự do kinh doanh cho người dân chứa đựng không chỉ tư duy cải cách, mà còn là tham vọng cải cách vô cùng lớn.

Trách nhiệm và cả nghệ thuật của người tư vấn chính sách là phải hiểu rõ bước đi nào được chấp nhận, xu hướng nào có thể tận dụng để đẩy cao hơn các khuyến nghị...

Nên trong giai đoạn 1990-1992, với Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty, bước đi đầu tiên là người dân được kinh doanh những gì pháp luật cho phép; tiếp tới là Luật Doanh nghiệp 1999 cho phép kinh doanh những gì đăng ký. Đến Luật Doanh nghiệp 2014, với tinh thần của Hiến pháp 2013, nguyên tắc người dân có quyền kinh doanh những gì pháp luật không cấm mới được thể chế hóa.

Trong các bước đi chính sách này, từ khóa được dùng là cải thiện môi trường kinh doanh, để kinh doanh an toàn hơn, ít rủi ro hơn, chi phí thấp hơn... ngày một dày.

Chúng tôi đang nghiên cứu thay đổi mới quy định về vốn trong lần sửa đổi Luật Doanh nghiệp tới, có thể bỏ vốn đăng ký.

Vì hiện tại, kinh doanh là kết nối ý tưởng. Trong giới start-up thì ý tưởng là quan trọng chứ không phải là vốn. Trên thị trường chứng khoán, giá thị trường là quan trọng chứ không phải mệnh giá...

Trở lại câu chuyện của taxi truyền thống và Uber, nếu là người được quyết định, ông sẽ làm gì?

Tôi muốn tiếp cận bản chất của sự việc này - đó là việc kinh doanh - để điều chỉnh chính sách.

Với các doanh nghiệp kinh doanh taxi truyền thống, họ phải được quyền kinh doanh sáng tạo hơn, chi phí giảm đi... Nghĩa là phải bớt đi các công cụ quản lý truyền thống theo kiểu doanh nghiệp phải đăng ký số lượng xe, màu sắc xe...

Doanh nghiệp còn cần đầu tư tổng đài, trạm tiếp sóng không khi mà công nghệ cho phép họ có cách liên lạc khác rẻ tiền hơn, nhanh hơn?

Còn với Uber hay Grab, trách nhiệm của họ là thực hiện nghĩa vụ về thuế, các nghĩa vụ khác theo luật định với pháp nhân đăng ký kinh doanh tại Việt Nam.

Sẽ khó có ngay khung khổ pháp lý hoàn thiện, nhưng mọi chính sách cần được đưa ra trên nền tảng môi trường kinh doanh bình đẳng, quản lý nhà nước phải tạo cơ hội tận dụng công nghệ mới để phát triển.

Tham vọng của nền kinh tế sáng tạo

Sự vận động của thực tiễn luôn đi trước những tính toán chính sách, nên bước đi của những người đứng sau các chính sách thường rơi vào hai xu thế. Một là an toàn, đảm bảo chắc thắng cho các đề xuất chính sách bằng cách tuân thủ quy định hiện hành. Hai là, đề xuất không gian cho các ý tưởng mới, cách làm mới xuất hiện, nhưng rủi ro đi kèm là có thể việc thuyết phục sẽ không thành công.

Nhưng, nếu các chuyên gia kinh tế tư duy theo kiểu làm đúng quy định của pháp luật, cơ hội cho các ý tưởng mới sẽ bị đóng lại ngay.

Trong nhiều cuộc tranh luận về kinh doanh hiện tại, tư duy quản lý theo hướng tuân thủ các quy định hiện hành đang chi phối mạnh, thưa ông?

Để phát triển, luật pháp phải tạo ra không gian cho ý tưởng mới, cách làm mới xuất hiện.

Cơ chế chính sách tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia thị trường thực hiện tốt nhất trách nhiệm của mình, chứ không phải tư duy lo hộ hay can thiệp, áp đặt quy trình sản xuất cho doanh nghiệp.

Nhưng, đây là vẫn điểm yếu của pháp luật Việt Nam, là rào cản ngăn doanh nghiệp Việt Nam tận dụng cơ hội từ bên ngoài.

Với tư duy quản lý bằng các điều kiện kinh doanh, cơ hội của nền kinh tế sáng tạo của Việt Nam sẽ thế nào?

Sẽ không thể có được nền kinh tế sáng tạo khi người kinh doanh không cảm thấy được an toàn để sáng tạo, khi vẫn có công chức ứng xử thiếu sáng tạo, với tâm lý hành doanh nghiệp, cản trở, gây khó cho các hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Nền kinh tế sáng tạo cần cơ chế khuyến khích sáng kiến, khuyến khích sự khác biệt trong phương thức sản xuất, cách thức quản lý.

Trong Cách mạng 4.0, có nhiều ứng dụng cơ quan quản lý nhà nước cần đi trước, như kết nối dữ liệu quản lý nhà nước và doanh nghiệp, để hiểu được doanh nghiệp đang làm gì, phân tích được dữ liệu để hỗ trợ ý tưởng tốt, hay kịp can thiệp khi có dấu hiệu gây nguy hại cho cộng đồng...

Đây là thời điểm Việt Nam có thể có được môi trường của nền kinh tế sáng tạo chưa, thưa ông?

Chúng ta đang ở thời điểm có điều kiện để làm, và nếu làm ngay, nền kinh tế sẽ bứt phá. Đó là Chính phủ quyết tâm mạnh mẽ cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh. Giới kinh doanh thể hiện rõ sự năng động.

Nhưng nền kinh tế cần những nhà hoạch định chính sách có tư duy cải cách, có tham vọng, có mong muốn cải cách. Thậm chí, tham vọng của những người này phải nhiều hơn, bởi có khuyến nghị có khi chỉ có thể được chấp nhận 20-30%.

Lúc này, nút thắt là sự trì trệ trong tư duy quản lý của nhiều bộ, ngành, địa phương, đó là những “công chức 0.4”. Họ đang cần cả áp lực hành chính từ cấp trên với cấp dưới, kết hợp với cơ chế sử dụng nhân tài trong bộ máy nhà nước; cả áp lực từ xã hội để thay đổi.

Chỉ khi cả hệ thống năng động thì nền kinh tế mới có thể bước vào kỷ nguyên sáng tạo.

Trong hình dung của ông, nền kinh tế Việt Nam 4.0 sẽ thế nào?

Chúng ta đi sau, dư địa phát triển còn nhiều. Nguồn lực ta có, vẫn đang nằm rải rác, chưa bừng lên, chưa được sử dụng hết.

Nếu thay đổi theo đúng nghĩa là tạo cơ hội, khuyến khích sáng tạo, khuyến khích sự khác biệt, không để tư duy lạc hậu đè nén, thì cơ hội sẽ bừng nở, nguồn lực sẽ đẻ ra nguồn lực.

Trong mong muốn của tôi, 15 năm tới, cùng với thế hệ dân số vàng, nền kinh tế Việt Nam sẽ có cơ hội tăng trưởng 9-10%/năm.

Có thể bạn quan tâm