Tháng ba, mùa đi “săn” hoa gạo

Hoa gạo có thể được coi là loài hoa duy nhất mà các nhiếp ảnh gia, các bạn yêu phong cảnh làng quê, yêu ảnh nghệ thuật… nhất trí với một tên vui, lạ là “Săn hoa gạo”.
Tháng ba, mùa đi “săn” hoa gạo

Đó thực sự là những công cuộc kiếm tìm hoa ngoạn mục, vất vả, đi từ trạng thái này sang trạng thái khác. Có thể là hồi hộp, là thất vọng và điều tay săn nào cũng mong muốn nhất đó là gặp được cây gạo ưng ý, làm cho tay săn vui sướng đến tê lòng như bắt được vàng. Có nhà báo, NAG Nguyễn Văn Song còn lập ra một Bản Đồ Hoa Gạo tới vài trăm cây gạo, vị trí ở đâu, làng xóm nào trong cả nước. Có những tay máy mùa này lùng sục tìm cây mới, tới thăm cây cũ mà vui buồn trồi thụt theo hoa.

Các giống hoa xuân lạ lắm, trút lá, ủ nhựa qua đông. Nhìn cành cây khẳng khiu trong tiết  giá rét, in bóng lên màn trời mờ đục, trông đến là ảm đạm, buồn tê tái lòng. Rồi bất chợt khi mùa xuân sang, chúng nhanh chóng rũ bỏ chiếc áo choàng xám xịt, thay vào đó nào là màu xanh của lá non, nào là màu vàng, màu đỏ… của muôn vàn sắc hoa. Một sức sống diệu kì ủ trong mạch nhựa làm lòng người cũng thức dậy, sang xuân.

Trở lại với cuộc “săn hoa gạo”, cuộc “săn” này đã khiến cho bao tay săn thất vọng khi đi cả trăm cây số nhưng phải vác máy về không vì cây gạo năm trước to, đẹp, đầy hoa thì năm nay lại lặng tờ, ngó lơ và kiêu kỳ khi không chịu ra một bông hoa nào.

Rồi họ hồi hộp, hy vọng khi hỏi dò người này sang người xem hoa vùng này, vùng nọ đã nở chưa. Có những “mẫu” tuổi đã sáu, bảy mươi nhưng tình yêu dành cho hoa gạo vẫn tràn trề như thuở đôi mươi khi vẫn thiết tha nhắn cho tôi: Em ơi đã có hoa gạo chưa?

Ai cũng biết rằng hoa thường cao tít trên trời, săn lùng được cây gạo có cành lá, có cảnh quan đẹp, không vướng “ rác” để lên hình với hoa là một “chiến công” của cả nhiếp và mẫu. Như một khát khao món ăn cao cấp cho tinh thần mà không phải ai cũng dễ thưởng lãm.

Nhưng mấy ai hay sự khác biệt kì lạ của cây gạo cổ bên Hồ Gươm, cây gạo duy nhất nuôi cả lá và hoa. Mà sắc lá đến hình hoa đều đẹp tuyệt. Tuy nhiên chỉ những người rất yêu hoa gạo Hà Nội mới biết đến cậy gạo đã được phong là Cụ này. Những bông gạo nở trĩu trịt trong lòng lá tươi nâu, vàng, xanh. Có lẽ nước Lục Thủy trong hồ chắc khác biệt so với các nơi khác nên một số cây cổ thụ ở đây cho những bông hoa rất thắm, sắc lá rất đẹp, có thể nói đẹp hơn bất kì nơi nào khác như Cụ Mõ, Cụ Phượng, Cụ Lộc Vừng chín gốc….

Hay như hai cây gạo ở Bắc Giang – Lãng Sơn bên dòng sông Thương trong xanh bé nhỏ, uốn lượn như dải lụa nổi bật trên triền đê có thảm lúa xuân xanh và xa xa rặng núi phía bắc nhấp nhô, nơi mặt trời lặn, hoàng hôn buông xuống cảnh quê sao nao lòng. Đây đang là sân khấu diễn các màn với hoa, là đại hội nhiếp ảnh và mẫu xuân này.

Những cây gạo cổ hay được trồng bên những công trình tâm linh từ lâu đời như đền, chùa, miếu hoặc đầu làng như một điểm dấu. Xa quê về thăm làng bước thấp bước cao mà rưng rưng thấy từ rất xa bóng cây hoa gạo đỏ rực trời quê trong tiết xuân về! Từ thời thuộc Pháp, Hà Nội đã có những cây gạo to như quần thể 5 cây quanh viện bảo tàng lịch sử Bắc Cổ giờ chỉ còn 2 cây ra hoa, một cây đã chết và đốn hạ ở đầu phố Cổ Tân. Làng Ngọc Hà bên hồ xác máy bay B52 xưa có cây gạo gốc xù ngay bên hồ đã chết từ mấy chục năm trước. Dốc Ngọc Hà cũng chỉ người Làng biết có tên Gốc Gạo dưới chân dốc (sau đình Ngọc Hà). Bên ngã ba sông Hồng chia nhánh sông Đuống sừng sững một cây gạo như điểm dấu cho thuyền bè xuôi về nhánh sông Đuống không lạc dòng trong đêm, đó là một cây gạo đẹp về cả dáng, cả hoa, to cao cổ thụ hiên ngang một vùng. Năm trước ra hoa, năm sau nghe đâu sét đánh chết.

Hay một cây đẹp đến ngẩn ngơ những người yêu hoa xuân, hoa gạo vì sắc lạ quyến rũ khác biệt nhưng năm nay chỉ có lá.

Có một vài cây gạo ở huyện Thanh oai hay Đoan nữ thì mang sắc cam đến khi tàn.

Có một cây hoa khác rất lý tưởng để chụp mẫu với hoa. Cây này khuất trong bãi ngô bên sông Đuống, tuy nhiên năm nay không hiểu vì lý do gì mà lại không chịu ra hoa.

Chuyện về loài hoa này và tình yêu đặc biệt với nó không bao giờ cạn. Người lên lịch tỏa đi săn, người may áo dài, váy mới, đồ quan họ về ghi hình với hoa khiến các vùng quê sôi động chẳng kém gì lễ hội.

 Nàng xuân áo đỏ ẩn hiện năm có năm không, không nản lòng thợ săn cái đẹp, không nản lòng người yêu hoa xuân tha thiết vì đó là cuộc sống tinh thần không thiếu được của muôn dân!

Thiết nghĩ, lễ hội hoa xuân trong đó có hoa gạo như một nét văn hóa, du lịch đáng yêu của quê hương đất nước. Do đó rất mong các nhà quản lý văn hóa, các nhà ươm trồng cây cảnh quan hãy lưu tâm đến xu hướng phát triển tích cực của xã hội để có kế hoạch dài hạn cho cảnh quan nói chung và lễ hội nói riêng.

Ảnh: Nhóm nhiếp ảnh ĐẸP LẠ

Có thể bạn quan tâm