Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng kiến nghị quản lý Bitcoin

Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng kiến nghị Chính phủ cần có biện pháp quản lý đối với tiền ảo Bitcoin với nhiều nguy cơ "bong bóng"...
Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng kiến nghị quản lý Bitcoin

Tại buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa qua, các thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng đều đánh giá năm 2017 là năm cải cách bận rộn và khá thành công, trong đó cả 13 chỉ tiêu đều đạt và vượt, nhất là chỉ tiêu tăng trưởng.

Theo TS.Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), GDP năm nay đã đạt mức mà ông "không hề nghĩ tới".

Ông Cung cho rằng, quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ có yếu tố quyết định đối với kết quả này.

"Tăng trưởng ngoài dự tính, quan trọng là lý giải nó như thế nào. Đó là thành công đến từ khu vực tư nhân, kể cả trong nước và nước ngoài. Bài học lớn nhất là vai trò then chốt của kinh tế tư nhân", TS.Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Nghiên cứu, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, nói.

Cũng theo chuyên gia này, chủ trương, chính sách nhiều, vấn đề là làm và để làm được thì cần có động lực. Do đó, Chính phủ cần có thông điệp mạnh mẽ thúc đẩy động lực của các địa phương, nơi trực tiếp thực hiện các chủ trương, chính sách. Đây là cách tạo sinh khí, tạo động lực tăng trưởng mới.

TS. Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho rằng tâm lý đầu tư, niềm tin từ phía nước ngoài rất tốt điều đó, giúp thị trường vốn tăng trưởng mạnh thời gian qua. Tuy nhiên, ông cảnh báo tăng trưởng nhưng phải bền vững, tránh tăng quá nóng, nhiều rủi ro.

Tại cuộc làm việc, các thành viên Tổ tư vấn góp ý nội dung dự thảo Nghị quyết 01/2018 về các biện pháp chỉ đạo, điều hành năm 2018 và một số vấn đề khác của nền kinh tế. Các ý kiến cho rằng, thương vụ thoái vốn Nhà nước tại Sabeco vừa qua là thành công và đặt vấn đề là làm sao sử dụng đồng tiền thu về có hiệu quả, minh bạch.

Đáng chú ý, có ý kiến thành viên Tổ tư vấn kiến nghị Chính phủ cần có biện pháp quản lý đối với tiền ảo Bitcoin với nhiều nguy cơ "bong bóng".

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng bày tỏ trăn trở về những khó khăn, tồn tại, bất cập và thử thách trước mắt còn lớn như khả năng chống chịu của nền kinh tế trước các biến đổi khó lường của thế giới, kinh tế vĩ mô còn nhiều vấn đề đặt ra…

Đánh giá cao sự cố gắng, nhiệt huyết của Tổ tư vấn, Thủ tướng đề nghị không chỉ tư vấn về kinh tế vĩ mô mà cả các lĩnh vực khác của sự phát triển kinh tế-xã hội bởi có nhiều vấn đề xã hội ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế. Tháo gỡ một chính sách nào đó cho phát triển là điều rất quan trọng và vừa qua, "chúng ta đã làm điều đó thực sự".

"Nếu không có biện pháp, giải pháp quyết liệt thì chúng ta rơi vào bẫy thu nhập trung bình mà nhiều nhà nghiên cứu đề cập", Thủ tướng nói. "Cần làm gì để cả 3 khu vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ đóng góp cho tăng trưởng".

Thủ tướng đề nghị theo dõi sát diễn biến kinh tế-xã hội một cách chủ động, nhạy bén để kịp thời phát hiện những vấn đề mới nảy sinh, tư vấn cho Thủ tướng để có giải pháp tháo gỡ, không để tình trạng kéo dài, phức tạp thêm, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Thủ tướng dẫn ví dụ như vấn đề trạm BOT Cai Lậy, một vấn đề nóng của xã hội hay một số vấn đề cổ phần hóa mà xã hội quan tâm…

Thủ tướng đề nghị Tổ tư vấn tiếp tục dành thêm thời gian, tâm huyết, nâng cao hơn nữa chất lượng tư vấn, lưu ý tính kịp thời, thực tiễn, khả thi trong điều kiện hoàn cảnh thể chế, kinh tế-xã hội của nước ta và "quý vị phải hiểu Thủ tướng Việt Nam đang cần gì trong thời điểm cụ thể đó".

Cần làm tốt vai trò tư vấn, phản biện, đánh giá chính sách. Chủ động theo dõi, tham gia ý kiến về dự thảo chính sách để quyết định của Thủ tướng được đưa ra đúng đắn, kịp thời, phù hợp với tình hình.

Trước tình trạng "trên nóng dưới lạnh" hiện nay của bộ máy, Thủ tướng mong muốn Tổ tư vấn hiến kế về việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của bộ máy hành chính từ Trung ương đến cơ sở, để các bộ phận đều vào cuộc, chuyển động mạnh mẽ hơn.

"Công cụ gì, thể chế nào, chế tài gì phù hợp để cả hệ thống chúng ta, một bộ máy hành chính, hiệu lực, hiệu quả thực sự, có vai trò kiến tạo phát triển và phục vụ nhân dân. Anh nào né tránh, đùn đẩy, không dám quyết đoán thì đứng sang một bên để anh khác làm, chứ không phải lời nói và hành động của anh không đi liền với nhau".

Tổ tư vấn cần bám sát kế hoạch hoạt động của Thủ tướng, góp một kênh để tham mưu kịp thời hơn.

Trước đó, báo cáo trước Quốc hội hồi cuối tháng 10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết trong số 13 chỉ tiêu được Quốc hội phê duyệt cho năm 2017, dự kiến đạt 8 chỉ tiêu và vượt 5 chỉ tiêu. Tính tới quý 3, GDP cả nước tăng 6,41% và ước cả năm sẽ đạt khoảng 6,7%. Con số này "vừa khớp" so với kế hoạch Quốc hội giao.

Theo Vneconomy

Có thể bạn quan tâm