Tháo gỡ chính sách cho các nhà máy điện năng lượng tái tạo để giảm áp lực thiếu điện

Trong khi nguy cơ thiếu điện ngày càng tăng, các nhà máy điện năng lượng tái tạo lại đang phải giảm phát, do đó, cần tháo gỡ những chính sách cho các nhà máy điện năng lượng tái tạo nhằm góp phần bổ sung nguồn điện, giảm áp lực thiếu điện.
Tháo gỡ chính sách cho các nhà máy điện năng lượng tái tạo để giảm áp lực thiếu điện

Đây là nhận định của các chuyên gia về năng lượng tại Hội thảo quốc tế với chủ đề "Năng lượng tái tạo tại Việt Nam - Từ chính sách đến thực tiễn" được tổ chức sáng ngày 27/11.

Tại Hội thảo các chuyên gia đã dẫn giải trình trước Quốc hội mới đây của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, dự kiến điện năng sản xuất năm 2019 sẽ đạt 240 tỷ KWh, tăng trên 10% so với năm 2018. Tuy nhiên con số này chưa đủ để giải quyết vấn đề thiếu điện và cần giải pháp tháo gỡ hữu hiệu.

Trong khi đó, tình trạng dự án chậm tiến độ đang trở nên trầm trọng khi trong khoảng 60 dự án đang đầu tư, có đến 35 dự án công suất 200MW trở lên chậm tiến độ từ 1-5 năm, thậm chí kéo dài hơn.

Theo lãnh đạo EVN, năm 2019 tập đoàn phải huy động khoảng 2,57 tỷ KWh điện từ chạy dầu với chi phí rất cao. Đến năm 2020, sản lượng huy động các nguồn điện chạy dầu có thể tăng tới mức 8,6 tỷ KWh. Sản lượng điện thiếu hụt năm 2021 khoảng 6,6 tỷ KWh, năm 2022 tăng thêm khoảng 11,8 tỷ KWh, năm 2023 là 15 tỷ KWh.

Riêng năm 2020 gần như không có dự phòng nguồn điện nên có thể đối mặt với nguy cơ thiếu điện trong các tình huống cực đoan.

Theo ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam, thực tế nguy cơ thiếu điện hiện nay đã được tích tụ từ nhiều năm trước và để bù đắp cho sự thiếu hụt điện là sự phát triển trở lại của các dự án nhiệt điện than, nhưng các dự án này không đạt tiến độ theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), dẫn đến không hoàn thành mục tiêu bổ sung 7.000W điện mỗi năm.

Chưa kể, đòi hỏi vấn đề môi trường trong phát triển nhà máy nhiệt điện đã đặt ra áp lực rất lớn. Nguồn điện vốn được kỳ vọng lớn trong xã hội thời gian qua là năng lượng tái tạo hiện có công suất lắp đặt chiếm tỷ trọng khoảng 9% tổng công suất nguồn điện cả nước nhưng sản lượng mới chỉ đạt 2,5%.

Hiện các nguồn nhiên liệu như than đá, dầu mỏ, khí đốt vẫn đang đáp ứng phần lớn nhu cầu năng lượng, tuy nhiên, nguyên liệu này đang dần cạn kiệt, gây ra biến đổi khí hậu và ảnh hưởng tới sức khoẻ con người.

Vì vậy việc nghiên cứu và sử dụng các nguồn năng lượng mới có khả năng tái tạo như: năng lượng gió, năng lượng mặt trời, địa nhiệt hay năng lượng sinh khối là xu hướng tất yếu của nhiều quốc gia trên thế giới.

Trong khi đó, Việt Nam là nước có khí hậu nhiệt đới gió mùa, với đường bờ biển dài hơn 3.000km, gió biển quanh năm, số giờ nắng trong ngày lớn, đây chính là điều kiện thuận lợi để nước ta có thể khai thác và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo trong cuộc sống.

Tính đến cuối tháng 6/2019, cả nước có 89 nhà máy điện gió và mặt trời, với tổng công suất lắp đặt 4.543,8MW, chiếm 8,3% tổng công suất của hệ thống điện quốc gia.

Con số này đã vượt xa so với dự kiến của Quy hoạch điện VII điều chỉnh (chỉ 850 MW điện mặt trời vào năm 2020).

Sự phát triển quá nhanh của các dự án điện tái tạo, trong khi hệ thống truyền tải không theo kịp dẫn đến quá tải, nhiều nhà máy phải giảm phát tới 60% công suất, gây thất thoát, lãng phí.

Toàn cảnh Hội thảo Năng lượng tái tạo tại Việt Nam - Từ chính sách đến thực tiễn
Toàn cảnh Hội thảo Năng lượng tái tạo tại Việt Nam - Từ chính sách đến thực tiễn

Để đáp ứng nhu cầu điện tăng nhanh, Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã đặt kế hoạch đầu tư lưới điện rất lớn trong các năm tới. Theo kế hoạch này, giai đoạn 2016-2020 tổng vốn đầu tư lưới điện là 214.000 tỷ đồng và giai đoạn 2021-2030 là 610.000 tỷ đồng.

Với số vốn đầu tư này, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) khó có thể đáp ứng được áp lực về tài chính.

Trong khi đó, theo quy định hiện nay, Nhà nước độc quyền trong truyền tải điện và chưa có điều kiện cụ thể để tận dụng nguồn lực xã hội đầu tư vào hệ thống truyền tải điện.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công thương phối hợp với Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, EVN và các bộ ngành địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng lưới điện truyền tải, không để xảy ra tình trạng giảm phát, gây thiệt hại cho các nhà đầu tư, trong khi nhu cầu về điện lại đang thiếu hụt.

Việc đầu tư lưới điện truyền tải này cần rà soát các quy định của pháp luật và nghiên cứu cơ chế thí điểm cho các thành phần kinh tế ngoài nhà nước tham gia đầu tư, báo cáo Thủ tướng trong tháng 11 này.

Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng cần khẩn trương lập quy hoạch điện VII, báo cáo Thủ tướng duyệt trong năm sau

Có thể bạn quan tâm