Thấy gì từ quản lý thuế với taxi Uber, Grab

Sau nhiều cuộc gặp gỡ, đàm phán, Bộ Tài chính cuối cùng đã chốt phương án thu thuế đối với taxi Uber. Theo đó, Uber Hà Lan ủy quyền cho công ty con hoặc đại diện thực hiện kê khai, nộp thuế cho cơ qua
Thấy gì từ quản lý thuế với taxi Uber, Grab

Sau nhiều cuộc gặp gỡ, đàm phán, Bộ Tài chính cuối cùng đã chốt phương án thu thuế đối với taxi Uber. Theo đó, Uber Hà Lan ủy quyền cho công ty con hoặc đại diện thực hiện kê khai, nộp thuế cho cơ quan thuế Việt Nam, với tổng các loại thuế là 5% doanh thu được hưởng.

Trước đó, câu chuyện thu thuế của taxi Uber nảy sinh nhiều tranh cãi gay gắt về hoạt động kinh doanh của Uber B.V (Hà Lan) tại Việt Nam, như: tính hợp pháp của loại hình Uber, trách nhiệm nộp thuế thuộc về Uber hay các tài xế… Những sự mập mờ trong mô hình kinh doanh taxi của Uber khiến cơ quan thuế khó xác định thu thuế, còn chuyên gia chỉ ra dấu hiệu “lách thuế” và đề nghị cần phải thu thuế Uber để bảo đảm bình đẳng với các DN vận tải taxi khác đang tuân thủ pháp luật. Lắt léo hợp tác để “né thuế” Trong vòng hai năm gần đây, thị trường vận tải hành khách xuất hiện thêm loại hình kinh doanh taxi “cộng sinh” trên ứng dụng di động, giúp khách hàng dễ dàng gọi taxi với chi phí rất rẻ. Hiện, hai hãng taxi Grab và Uber có số lượng người dùng đông đảo nhất tại Việt Nam. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng lại khó xử vì chưa có quy định, chế tài để quản lý loại hình taxi mới này cũng như buộc Uber, Grab nộp thuế. Về hình thức, Tổng cục Thuế xác định Uber là kinh doanh sử dụng giải pháp công nghệ để kết nối vận tải, mà không hoạt động vận tải. Điều này giúp cho Uber B.V chỉ phải kê khai nộp thuế 20% doanh thu, chưa phản ánh đúng trách nhiệm thuế của hãng này. Thực tế, Uber ký hợp đồng thỏa thuận cung cấp công nghệ cho đối tác ở Việt Nam. Thay vì chỉ nhận 20% doanh thu chia lại, Uber nhận toàn bộ 100% tiền cước phát sinh và sau đó định kỳ mới chi trả lại thù lao cho các tài xế. Do đó, tài xế cũng không đồng ý kê khai, nộp thuế hộ Uber.
Uber sẽ không còn phải hoạt động chui sau khi chấp thuận phương thức nộp thuế Nếu xác định Uber là DN vận tải thì buộc phải kê khai, nộp thuế trên toàn bộ doanh thu. Chính vì sự lắt léo trong cách Uber hợp tác với đối tác Việt Nam nên khó xác định ai chịu trách nhiệm kê khai, nộp thuế, mức nộp thuế… Trong khi đó, Grab cùng cung ứng dịch vụ kết nối taxi như Uber lại chấp hành nghĩa vụ nộp thuế đầy đủ và được Bộ GTVT công nhận hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Về nghĩa vụ thuế, tài xế Grab trực tiếp thu cước phí, trích lại 20% cho Grab và công ty phải kê khai nộp thuế đối với thu nhập 20% này. Còn tài xế Grab nộp thuế theo phương thức khoán. Thu thuế tận gốc Dĩ nhiên, cả Grab và Uber đang có lợi thế cạnh tranh hơn hẳn taxi truyền thống về chi phí rẻ hơn, do không phải thực hiện đăng ký kinh doanh, đầu tư xe, kiểm định xe, đóng bảo hiểm, không khám sức khỏe tài xế… Hơn nữa, Uber lại không phải nộp thuế, nên giá cước thấp, có lợi thế cạnh tranh hút khách hơn là không bình đẳng với các DN taxi truyền thống. Sau nhiều cuộc gặp gỡ, đàm phán, ngày 12/9, Bộ Tài chính đã ban hành văn bản hướng dẫn phương án thu thuế với công ty Uber B.V Hà Lan, thay thế cho phương án tại Công văn 2529 (đã thu hồi trước đó) do Tổng cục Thuế đề xuất. Do Uber B.V Hà Lan không đủ điều kiện nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ nên sẽ áp dụng phương pháp trực tiếp trên tổng doanh thu. Cụ thể, Uber sẽ phải nộp thuế GTGT là 3% trên doanh thu được hưởng, thuế TNDN là 2% trên doanh thu được hưởng. Theo Bộ Tài chính, đối với tổ chức kinh doanh vận tải có ký hợp đồng với Uber B.V Hà Lan, tổ chức này có nghĩa vụ kê khai, nộp thuế GTGT, TNDN với phần doanh thu được hưởng theo hợp đồng. Khoản doanh thu trên “không bao gồm phần doanh thu của phía Uber B.V Hà Lan”. Tương tự, cá nhân ký hợp đồng với Uber B.V Hà Lan sẽ nộp thuế theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu được hưởng, không bao gồm phần doanh thu của phía Uber. tỷ lệ phần trăm để tính thuế GTGT trên doanh thu được hưởng là 3% và nộp thuế TNCN là 1,5% doanh thu được hưởng. Với hoạt động kinh doanh taxi “cộng sinh”, Uber hiện có 3 khoản thu nhập gồm: phí đăng ký mở tài khoản, phí hủy chuyến và cước phí taxi. Theo thỏa thuận hợp tác, Uber nhận toàn bộ doanh thu và chuyển 80% cước cho đối tác, giữ lại phí dịch vụ 20%. Bộ Tài chính cũng yêu cầu, Uber Hà Lan ủy quyền cho công ty con ở Việt Nam hoặc một bên thứ ba kê khai, nộp thuế cho cả Uber lẫn các tài xế đúng quy định vào ngân sách nhà nước. Phản ứng trước quyết định này, Uber Việt Nam bày tỏ: “Chúng tôi rất hoan nghênh những bước tiến trong việc minh bạch hóa chính sách thuế ở Việt Nam và cam kết sẽ tuân thủ đúng quy định”. Đại diện Uber hy vọng, khi vấn đề thuế được giải quyết, công ty này sẽ nhận được sự công nhận chính thức từ Bộ GTVT về dịch vụ của Uber. Cuối cùng, cơ quan thuế cũng buộc Uber phải chấp hành nghĩa vụ thuế khi hoạt động tại Việt Nam và hưởng lợi nhuận lớn. Uber cũng “vui vẻ” chấp nhận quyết định áp thuế và điều này sẽ đem lại lợi ích nhiều hơn cho Uber khi được nhà quản lý công nhận hợp pháp, thay vì hoạt động “chui”.

Hải Hà

Có thể bạn quan tâm