Thể thao và doanh nhân: Tập sao cho đúng?

Ai cũng hiểu về lợi ích của thể dục thể thao. Nhưng, tương tự như dùng thuốc, tập thể thao có hiệu quả như mong muốn hay không, hay tệ hơn nữa, thậm chí bất lợi cho sức khỏe đều tùy thuộc vào cách áp
Thể thao và doanh nhân: Tập sao cho đúng?

Để tìm đáp án, Thương Gia đã có cuộc trò chuyện với Bác sĩ Lương Lễ Hoàng - người phụ trách chuyên mục Sức Khỏe của Thương Gia, thầy thuốc được độc giả, thính giả, khán giả trong và ngoài nước ưa chuộng qua phong cách truyền thông "Y khoa ai nghe cũng hiểu, y khoa ai đọc cũng thông".

Theo Bác sĩ Lương Lễ Hoàng, thể dục thường được hiểu như cách tập để săn chỗ này, chắc chỗ kia. Điều này đúng nhưng chưa hoàn toàn chính xác. Nhiều công trình nghiên cứu của đại học y khoa thể dục Cologne, CHLB Đức, cho thấy tác dụng của thể dục không khu trú trong phạm vi của hệ vận động. Chính các nội tiết tố được sản sinh nhờ thể dục thể thao, cụ thể là endorphin và serotonin, cặp bài trùng tạo giấc ngủ bình yên sau ngày dài tẩm đầy stress, tinh thần lạc quan yêu đời ngay cả trong cảnh dầu sôi lửa bỏng, là đòn bẩy cho sức kháng bệnh.

Chọn mặt gửi vàng. Trước khi chọn môn mà chơi, vận động viên có nên gặp thầy thuốc cho chăc ăn, thưa bác sĩ?

Đây là điểm vô cùng quan trọng. Thể dục thể thao nếu muốn đúng nghĩa phục vụ sức khỏe cần có sự đồng hành của thầy thuốc sành về biện pháp tầm soát, cách áp dụng sinh - khoáng tố, chế độ dinh dưỡng cá biệt... "Thể dục viên" trước khi lên sàn cần được tư vấn chính xác về thao tác nên làm và nhất là thao tác cần tránh. Muốn vậy mỗi đối tượng cần được khám sức khỏe và theo dõi định kỳ để đôi bên, cả thầy thuốc lẫn thân chủ, biết rõ kết quả của thể dục theo tiêu chí khách quan và thực nghiệm, để kịp thời điều chỉnh.

Vậy có nên xem thể dục như thuốc bổ theo kiểu không bổ dọc cũng bổ chiều ngang để hễ chơi thì chơi từ A đến Z?

Sai! Chuyên gia ở đại học Cologne cũng đã chứng minh qua mô hình nghiên cứu đối chứng là vận động viên chọn tất cả thao tác bất kể cơ tạng, bất kể nhược điểm về sức khỏe rõ ràng không khỏe bao nhiêu, không khỏe bằng nhóm được tư vấn để chọn thao tác theo định hướng riêng rõ ràng. Đây cũng chính là nhược điểm thường gặp của nhiều người đang tập dưỡng sinh, tập yoga ở nước ta vì vẫn tưởng hễ tập phải tập cho hết tất cả động tác mới "đáng đồng tiền". Kẹt chính ở chỗ nhiều phòng tập không có bác sĩ để khoanh vùng thao tác cho mỗi đối tượng cá biệt!

Nhiều người vẫn nghĩ chơi càng nhiều càng hay, càng lâu càng tốt. Quan điểm này đúng sai thế nào?

Thuốc muốn tốt phải đúng liều lượng. Thể dục cũng thế mà thôi. Đừng quên thao tác thể dục là nguồn cung ứng chất oxy-hóa, chất gây xơ vữa mạch máu, rỉ sét tế bào, thoái hóa nhu mô. Chất này không nên thừa. Chuyên gia vể bệnh do stress ở đại học Munich, sau khi đo đạc lượng chất oxy-hóa trong máu người tập thể dục, đã vạch ra nguyên tắc vàng để tập sao cho khỏe. Đó là chỉ tập khi vui, không tập quá sát giờ ngủ, tập sao để sau đó đừng mệt, đừng đau.

Có thực mới vực được đạo. Dinh dưỡng ảnh hưởng thế nào đối với hiệu quả của thể dục, thưa bác sĩ?

Không ít người càng tập càng sa sút khả năng làm việc, kể cả chức năng tư duy. Tình trạng này càng rõ nét ở người tập quá nhiều giờ trong tuần, đặc biệt ở phụ nữ huyết áp thấp. Khi rà soát nguyên nhân các nhà nghiên cứu đã phát hiện là không dưới 70% do chế độ dinh dưỡng trật chìa, chắng hạn bụng đói vẫn tập, không uống đủ nước trong khi tập, khẩu phần không hợp lý sau giờ tập… Chính vì thế mà phòng tập càng đúng nghĩa phục vụ sức khỏe hơn nữa nếu thông với góc căn tin có thức uống không tăng lực mà sinh lực, có món ăn nhẹ vừa ngon vừa bổ và nhất là với không gian để vận động viên tìm được ít phút của "tao nhân + thực khách" sành điệu.

Xài nhiều tất nhiên khó tránh mau mòn. Vận động viên có nên dùng thuốc trợ lực hay không?

Chắc chắn không nên nếu vận động viên dùng thuốc trợ lực theo lời đường mật của… quảng cáo. Chắc chắn là rất nên nếu được hướng dẫn bởi thầy thuốc hiểu rõ nhu cầu cá biệt của mỗi vận động viên. Giáo sư Von Ardenne ở Đức đã không vô cớ nổi tiếng nhờ cách áp dụng cocktail bao gồm sinh tố B, C, D, khoáng tố vi lượng kẽm, crôm, mangan… như thức uống trước khi tập nhằm tối ưu hóa tiến trình dung nạp dưỡng khí để đáng công, đáng tiền thao tác của người tập.

Chơi vui ngủ ngon. Vì sao có người khó ngủ vào ngày có buổi tập?

Vì hai lý do cũng đã được các nhà nghiên cứu phát hiện từ lâu. Đó là vì:

" Cạn năng lượng do tập luyện thái quá nên trung khu điều hành giấc ngủ phản ứng sai lệch khiến gia chủ lừ đừ nhưng không tài nào chợp mắt.

" Thiếu khoáng tố trấn an hệ thần kinh và điều hòa thao tác co duỗi của bắp thịt, cụ thể là canxi, phốt-pho và ma-nhê. Nạn nhân vì thế có thể đặt lưng ngủ ngay nhưng giữa đêm la làng vì chuột rút!

Một trong những nét mang cá tính truyền thông của Bác sĩ là những nhận xét tâm đắc. Bác sĩ có "tổng kết" gì cho đề tài hôm nay?

Ai cũng muốn "làm tới nơi, chơi tới bến". Chơi tới bến nên được hiểu là chơi sao cho về đến bến, chứ đừng gãy gánh giữa đường rồi thầy thuốc thủ lợi. Chơi tới bến đồng nghĩa với cảm giác hài lòng mãn nguyện của người đi đến nơi về đến chốn vì vui, vì khỏe để nhờ đó tiếp tục làm tới nơi. Chơi để làm việc khác với làm việc để chơi. Đó chính là mục tiêu của thể dục thể thao.

Xin cảm ơn bác sĩ.

Có thể bạn quan tâm