Thêm công cụ hỗ trợ xuất khẩu cho doanh nghiệp

Nhằm cung cấp tới các doanh nghiệp xuất hập khẩu thông tin về kinh tế vĩ mô cũng như tình hình XK của Việt Nam, mới đây tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Hội thảo
Thêm công cụ hỗ trợ xuất khẩu cho doanh nghiệp

Hội thảo thu hút hơn 150 đại biểu và diễn giả từ các cơ quan, ban ngành, viện nghiên cứu, đại sứ quán, các doanh nghiệp xuất khẩu tại Việt Nam, và các cơ quan truyền thông, báo chí.

Còn nhiều thách thức

Theo ông Nguyễn Quang Vinh - Tổng thư ký VCCI, trong những năm gần đây, các doanh nghiệp xuất khẩu đóng vai trò vô cùng quan trọng trong tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn thiếu và yếu về công tác dự báo cung cầu thị trường, thiếu thông tin về chính sách và thị trường xuất khẩu cùng những cách thức quản trị, hoạch định chiến lược, chi phí sản xuất và dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu còn cao…

Đồng quan điểm, theo bà Trần Như Trang - Giám đốc quốc gia, Chương trình xúc tiến nhập khẩu Thụy Sỹ (SIPPO) cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam còn gặp nhiều thách thức khi chưa hiểu rõ nhu cầu, thị hiếu của thị trường do những khác biệt về văn hóa, kỹ năng giao tiếp. Các doanh nghiệp Việt Nam thường chậm đổi mới, phát triển sản phẩm; các khâu về dịch vụ hậu cần (logistics) còn thiếu tính kết nối và sản phẩm đặc thù nên gây khó khăn cho doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

“Việc đầu tư cho hoạt động marketing quốc tế vẫn được các doanh nghiệp coi là chi phí, không coi là hoạt động đầu tư. Vì thế, khi so sánh với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực và thế giới, doanh nghiệp Việt Nam thiếu sự chuẩn bị cũng như thiếu độ nhanh nhạy và thiếu thay đổi để phù hợp với yêu cầu của thị trường xuất khẩu”, bà Trang nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Việt Hùng, Trưởng phòng quản lý vận hành cơ chế một cửa quốc gia và ASEAN, Tổng cục Hải quan cũng đưa ra một thực tế đáng quan tâm đó là động lực tăng trưởng của xuất khẩu vẫn là khu vực FDI. Điều này được thể hiện rõ nét trong khoảng 5 năm gần đây. Hiện chỉ có hơn 7.000 doanh nghiệp nước ngoài trong tổng số doanh nghiệp xuất nhập khẩu cả nước, chỉ chiếm 2%. Nhưng tổng gía trị xuất khẩu của khối doanh nghiệp này chiếm đến 70%..

Nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu

Để khắc phục tình trạng trên, thời gian qua, VCCI đã triển khai nhiều dự án, chương trình quốc gia về hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, hội nhập và phát triển bền vững. Nhờ đó, các doanh nghiệp đã tận dụng được các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), tiết kiệm chi phí đầu tư cho phát triển sản xuất kinh doanh và thâm nhập thị trường quốc tế.

“Để hỗ trợ các nhà nhập khẩu nước ngoài tìm kiếm dễ dàng thông tin tổng thể về thị trường và các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu tại Việt Nam tiếp cận trực tiếp tới các khách hàng nước ngoài, VCCI  ra mắt Cổng thông tin hỗ trợ xuất khẩu Việt Nam (Vietnam Export Gateway) bằng tiếng Anh tại địa chỉ http://export.vccinews.com” -  – Tổng Thư ký VCCI cho biết.

Nhiều cơ quan, bộ ngành cũng đã thay đổi cơ chế, chính sách, phát triển thêm các dịch vụ giúp hoạt động hỗ trợ xuất khẩu của doanh nghiệp được thuận lợi. Trong đó, các doanh nghiệp đánh giá rất cao nỗ lực của cơ quan Hải quan trong việc hiện đại hóa hải quan, phát triển công nghệ, dịch vụ giúp doanh nghiệp giảm bớt thủ tục hành chính, nâng cao thời gian thông quan.

Đơn cử như ngành Hải quan những năm qua đã nỗ lực thay đổi, phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng trang thiết bị hiện đại, đổi mới bộ máy tổ chức, đẩy mạnh quan hệ đối tác Hải quan – doanh nghiệp. Tiêu biểu như hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS đã được 99,65% doanh nghiệp tham gia, giảm thời gian thông quan hàng luồng xanh chỉ còn 1-3 giây; hay việc thực hiện Đề án nộp thuế điện tử và thông quan 24/7, với sự vào cuộc của các ngân hàng, việc nộp thuế xuất nhập khẩu của doanh nghiệp đã giảm từ 1-2 ngày xuống chỉ còn 3 phút, doanh nghiệp có thể nộp thuế mọi lúc, mọi nơi…

Ông Cao Huy Tài - Phó trưởng Phòng Quản lý vận hành cơ chế một cửa quốc gia và ASEAN, Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan-Tổng cục Hải quan cho biết thêm, để tiếp tục tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, trong giai đoạn 2018–2020, cơ quan Hải quan sẽ xây dựng nền tảng công nghệ di động (mobile platform) để kết nối với doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu thực hiện thủ tục hải quan mọi lúc – mọi nơi - trên mọi phương tiện… cùng việc triển khai hàng loạt các hoạt động cải cách, hiện đại hóa hải quan.

Cùng với sự vào cuộc của các cơ quan quản lý, nhiều doanh nghiệp, tổ chức cũng nhanh chóng xây dựng các dịch vụ, chương trình đặc thù cho hoạt động xuất nhập khẩu để hỗ trợ doanh nghiệp. Cụ thể, ngành ngân hàng xây dựng các chương trình hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp xuất khẩu, bảo lãnh tín dụng xuất khẩu, bảo hiểm rủi ro tỷ giá, tài trợ xuất khẩu trước giao hàng, dịch vụ chuyển tiền…; ngành bảo hiểm xây dựng các dịch vụ bảo hiểm thanh toán, bảo hiểm tín dụng thương mại…

Có thể bạn quan tâm