Thêm doanh nghiệp Việt cực lớn vào tay đại gia Thái

Các doanh nghiệp Thái Lan đang dần thâu tóm thị trường Việt Nam, từ khâu nguyên liệu, sản xuất cho đến phân phối, bán hàng.
Thêm doanh nghiệp Việt cực lớn vào tay đại gia Thái

Công ty CP Nhựa Bình Minh vừa thuộc về tay Tập đoàn SCG

Công ty CP Nhựa Bình Minh vừa lọt vào tay Tập đoàn SCG (Thái Lan) khi đơn vị này nâng tỉ lệ sở hữu lên 50,12%.

Ngay sau đó, doanh nghiệp Thái Lan đã bổ sung 3 lãnh đạo mang quốc tịch nước nhà làm thành viên HĐQT Công ty CP Nhựa Bình Minh nhiệm kỳ 2018 - 2023.

Sau khi sở hữu Nhựa Bình Minh, ông chủ người Thái Lan đã quyết định mua toàn bộ nguyên liệu PVC để sản xuất thành phẩm từ Công ty TPC Vina thuộc Tập đoàn SCG.

Điều này cho thấy, Tập đoàn SCG đang dần thâu tóm toàn bộ chuỗi ngành nhựa của Việt Nam từ nguyên liệu, sản xuất cho đến phân phối, bán hàng.

Trong những năm gần đây, làn sóng doanh nghiệp Thái Lan đầu tư vào thị trường Việt Nam tăng cao.

Tính đến tháng 8/2017, các nhà đầu tư Thái Lan đã cam kết đầu tư vào Việt Nam 468 dự án, với tổng vốn đăng ký 8 tỷ USD, đứng thứ 10 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam.

Trong đó, các nhà đầu tư Thái Lan chủ yếu rót vốn vào các lĩnh vực nhựa, công nghiệp chế biến, đến nông nghiệp, bán buôn, bán lẻ...

Như thương vụ Berli Jucker mua 64,55% cổ phần của Phú Thái Group, rồi mua lại hệ thống Metro Cash & Carry Việt Nam từ Tập đoàn Metro của Đức, với trị giá 655 triệu euro; Central mua lại Big C Việt Nam, mua lại 49% cổ phần của hệ thống siêu thụ điện máy Nguyễn Kim.

Ngoài ra, Central còn sở hữu chuỗi siêu thị Lan Chi và tập đoàn quản lý khách sạn nghỉ dưỡng Centara.

Chỉ tính riêng Tập đoàn SCG đã có 22 công ty hoạt động tại Việt Nam, với doanh thu bán hàng trong nửa đầu năm 2017 vừa được ông Roongrote Rangiyopash, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn SCG công bố ở mức 12.300 tỷ đồng (tương đương 532 triệu USD), tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.

Mới đây nhất, thông qua Công ty TNHH Vietnam Beverage, ThaiBev (thuộc sở hữu của TTC Holdings) chi 110.000 tỷ đồng (xấp xỉ 4,8 tỷ USD) mua cổ phần bia Sài Gòn – Sabeco.

Doanh nghiệp của tỷ phú người Thái này đã trở thành cổ đông chi phối hoạt động của công ty nắm 41% thị phần tiêu thụ bia Việt Nam.

Ngoài ra, người Thái còn nắm 19,06% vốn Vinamilk - doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường Việt Nam.

Số cổ phần do người Thái nắm giữ tại Vinamilk hiện có giá thị trường tới hơn 56.000 tỷ đồng và không ngừng đăng ký mua thêm cổ phiếu Vinamilk để nâng sở hữu.

Theo các chuyên gia kinh tế, nhà đầu tư Thái Lan sẽ tiếp tục quan tâm đặc biệt tới thị trường Việt Nam vì Việt Nam đang thực hiện hướng phát triển như Thái Lan trong vài thập niên trước, như tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và tầng lớp trung lưu ngày càng đông.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho hay, người Thái Lan có suy nghĩ chiến lược về thị trường Việt Nam đã lâu.

"Các doanh nghiệp Thái cho rằng Việt Nam là nước đang có tốc độ tăng trưởng nhanh, dân số trẻ, xu hướng tiêu dùng nội địa mạnh tăng trưởng mạnh, khi cơ hội hàng rào thuế quan giảm xuống thì Việt Nam là thị trường rất lớn" - bà Lan lý giải vì sao Thái Lan thích đầu tư vào Việt Nam.

Bà Lan cũng cho biết, do tâm lý người Việt Nam không ưa sản phẩm Trung Quốc vì phẩm chất kém, gây độc hại. Trong khi đó hàng Việt Nam lại vấp phải sự nghi ngờ ngày càng gia tăng, vì chất lượng vệ sinh, an toàn không đảm bảo. Người tiêu dùng Việt Nam cũng không tin vào sự kiểm soát của Nhà nước là hữu hiệu với chất lượng nên dẫn đến tình trạng đầu tư ồ ạt của các doanh nghiệp Thái Lan và Việt Nam.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh tỏ ra rất lo ngại trước diễn biến người Thái Lan thâm nhập ngày càng sâu thị trường Việt Nam.

Theo ông Doanh, khi chiếm tỉ lệ áp đảo, nhà đầu tư Thái Lan sẽ giữ quyền quyết định và dẫn đến những hệ lụy chưa thể lường trước được nhưng chắc chắn rất bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam.

Kịch bản có thể dễ nhận thấy nhất là khi đã giữ quyền chi phối, doanh nghiệp Thái Lan sẽ kiểm soát khu vực phân phối, đưa hàng Thái Lan vào thay thế hàng Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm