Thị giá cổ phiếu CTD sẽ trôi về đâu?

Những lùm xùm tại ĐHĐCĐ của “người khổng lồ ngành xây dựng” Coteccons đã khiến cổ phiếu CTD giảm kịch sàn xuống 130.900 đồng/cp, trắng bên mua của cổ phiếu CTD, vốn hóa “bốc hơi” 757,5 tỷ đồng.
Thị giá cổ phiếu CTD sẽ trôi về đâu?

Ngày 9/4, Đại hội đồng cổ đông thường niên của CTCP Xây dựng Coteccons (mã: CTD) đã nóng ngay từ khi mới bắt đầu khi xảy ra những tranh luận gay gắt giữa các nhóm cổ đông về tờ trình sáp nhập Coteccons vào công ty Ricons.

Cụ thể, Coteccons sẽ phát hành thêm cổ phần phổ thông cho các cổ đông của Ricons để thực hiện hoán đổi lấy toàn bộ số cổ phần Ricons đang lưu hành. Sau khi thực hiện hoán đổi cổ phiếu, Coteccons sẽ sở hữu 100% Ricons và chuyển đổi Ricons từ CTCP thành Công ty TNHH MTV.

Tuy nhiên, ngày 8/4 – một ngày trước khi ĐHĐCĐ diễn ra, cổ đông lớn Kustocem –cổ đông lớn nhất nắm 17,75% (tương đương 13,9 triệu cổ phiếu CTD) đã lên tiếng phản đối thương vụ sáp nhập này.

Kustocem cho rằng việc sáp nhập Coteccons và Ricons sẽ không mang lại bất cứ lợi ích và giá trị nào có liên quan tới hoạt động vận hành của Coteccons hiện tại. Đồng thời, cổ đông này yêu cầu ban lãnh đạo tập trung vào giá trị cốt lõi của công ty sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn việc sáp nhập.

“Việc sử dụng cổ phiếu của Công ty để chi trả cho các thương vụ M&A không hợp lý đến khi hiệu quả hoạt động tài chính của Coteccons khởi sắc hơn và giá cổ phiếu đạt đến giá trị thực xứng đáng", Kustocem nhấn mạnh.

Bên cạnh đó cũng có ý kiến ủng hộ việc sáp nhập và cho rằng đây là một động thái minh bạch, nếu sáp nhập thì Coteccons sẽ đủ khả năng để làm nhiều công trình hơn, từ đó tăng "size" Công ty lên, có thể nhận công trình lớn hơn…

Vị này cũng cho rằng, Kustocem dù là nhà đầu tư lớn nhưng không đóng góp gì cho Coteccons kể từ khi tham gia vào công ty. "Phải chăng Kusto muốn thâu tóm Coteccons, thương hiệu hàng đầu Việt Nam. Và điều gì sẽ xảy ra, Coteccons sẽ như BT6, như Descon. Thực tế, Descon vừa tuyên bố phá sản, còn cổ phiếu BT6 về mức trà đá", cổ đông này đặt nghi vấn với đại diện Kusto.

Trước sự bất đồng quan điểm giữa các cổ đông, cuối cùng Đại hội quyết định hủy bỏ tờ trình phát hành hoán đổi sáp nhập Ricons và không thông qua tờ trình phát hành 572.000 cổ phiếu ESOP với giá đề xuất là 64.000 đồng/cp cho cán bộ chủ chốt công ty.

Đáng chú ý, đây không phải lần đầu tiên xảy ra việc "lục đục" tại ĐHĐCĐ của Coteccons mà tại ĐHĐCĐ thường niên 2018 cũng đã xảy ra tranh cãi về kết hoạch kinh doanh, tỷ lệ cổ tức, sử dụng nguồn tiền...giữa các nhóm cổ đông. Đặc biệt, những rạn nứt này đã bắt đầu xuất hiện từ đầu năm 2017.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu CTD từng được xếp hạng “Diamond” khi hội tụ nhiều điểm sáng dù chào sàn với mức giá cao ngất ngưởng 95.000 đồng/cp.

Tại thời điểm đó, một phân tích của CTCK BVSC đã chỉ ra, giá trị cổ phiếu CTD có thể ở mức tối thiểu 134.000-150.000 đồng/cp dựa theo các chỉ tiêu tài chính hiện tại và so sánh cổ phiếu niêm yết cùng ngành.

Thật vậy, CTD đã bước vào chuỗi ngày tăng không mệt mỏi vượt qua sự kỳ vọng của các cổ đông khi đạt đỉnh lịch sử vào ngày 15/11/2017 với thị giá 244.410 đồng/cp.

Tuy nhiên bắt đầu từ đây, CTD lại tụt dốc không phanh, tại mức giá 130.900 đồng/cp của phiên giao dịch ngày 9/4, CTD đã mất 86,7% thị giá so với đỉnh, còn tính từ đầu năm 2019 tới nay CTD đã giảm hơn 18%. Nếu tiếp tục phát hành để sáp nhập Ricons thì giá của CTD sẽ trôi về đâu?

"Về kế hoạch kinh doanh năm 2019, Coteccons đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 27.000 tỷ đồng, giảm 5,47%; Lợi nhuận hợp nhất 1.300 tỷ đồng, giảm 14% so với năm trước đó. Tỷ lệ chi trả cổ tức ở mức 30%, tương đương năm 2018. Nếu kết quả thực hiện theo kế hoạch, Coteccons sẽ có 2 năm liên tiếp sụt giảm lợi nhuận.

Có một nghịch lý là, trong khi doanh thu và lợi nhuận của Coteccons giảm đều, cổ phiếu lao dốc không phanh thì Ricons lại làm ăn rất khấm khá.

Kết thúc năm 2018, doanh thu thuần của công ty đạt 9.305 tỷ đồng, tăng 41,8% so với cùng kỳ; doanh thu tài chính đạt 57,3 tỷ đồng, tăng 871,2%; lợi nhuận sau thuế đạt 287 tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2017. So với kế hoạch năm, Ricons đã vượt 9% chỉ tiêu doanh thu và 15% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế.

Về định hướng cho năm 2019, lãnh đạo Ricons cho biết,  không chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng về doanh thu, lợi nhuận mà còn đặt ra những mục tiêu cải tiến, nâng cao chất lượng. Đây là tiền đề cần thiết để công ty chính thức niêm yết trên Sàn Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) trong thời gian ngắn sắp tới.

 >> Quý IV/2018, lãi sau thuế của Coteccons giảm 39% so với cùng kỳ

Có thể bạn quan tâm