Thị trường chứng khoán: Một năm nhìn lại

Ghi nhận thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm qua, các chỉ số đều tăng mạnh, nhưng vẫn còn đó những lo ngại khi sự phát triển là quá nóng luôn tiềm ẩn các nguy cơ đổ vỡ.
Thị trường chứng khoán: Một năm nhìn lại

Tăng trưởng ấn tượng

Tình hình kinh tế, tài chính thế giới có sự tăng trưởng tốt, tạo cơ sở cho thị trường chứng khoán Việt Nam có 1 năm tăng trưởng ấn tượng, cao nhất tại khu vực Châu Á.

Trên thị trường cổ phiếu, chỉ số Vn-Index tăng 43% so với cuối năm 2016 – mức cao nhất gần 10 năm trở lại đây. Mức vốn hóa thị trường đạt gần 3.360 nghìn tỷ đồng, tăng 73% so với cuối năm 2016, tương đương 74,6% GDP, vượt chỉ tiêu đặt ra cho năm 2020.

Thanh khoản cải thiện mạnh, quy mô giao dịch bình quân đạt gần 4.981 tỷ đồng/phiên, tăng 63% so với bình quân năm 2016.

Cùng với đó, thị trường trái phiếu diễn ra sôi nổi với giá trị niêm yết đạt 1.015 nghìn tỷ đồng tăng 8% so với cuối năm 2016 (tương đương 23% GDP). Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 8.890 tỷ đồng/phiên, tăng 38% so với bình quân năm 2016.

Mặc dù thị trường chứng khoán phái sinh mới chính thức đi vào hoạt động từ tháng 8/2017, nhưng đã chứng tỏ sức hấp dẫn với nhà đầu tư, với tổng khối lượng giao dịch đạt 946.326 hợp đồng tương ứng với tổng giá trị giao dịch theo quy mô danh nghĩa hợp đồng đạt 80.899 tỷ đồng và có 15.808 tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh được mở, gấp đôi so với cuối tháng 8/2017 (tháng đầu tiên mở cửa thị trường).

Về hoạt động huy động vốn, đấu giá, tổng mức huy động trên thị trường chứng khoán ước đạt hơn 224 nghìn tỷ đồng. Huy động qua cổ phần hóa thoái vốn đạt gần 14,8 nghìn tỷ đồngvới tỷ lệ thành công đạt 91%.

Theo đó, quy mô vốn hóa của thị trường đã vượt cả mục tiêu tới năm 2020 khi đạt trên 70% GDP. Cùng với đó, thị trường chứng khoán đã chuẩn bị tích cực, chu đáo, khai trương và vận hành suôn sẻ thị trường chứng khoán phái sinh, góp phần vào việc củng cố, phát triển và hoàn thiện thể chế của kênh đầu tư này.

Thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh dòng tiền đổ vào thị trường nhiều có tác động tốt đến nền kinh tế đồng tiền đưa vào lưu thông tạo ra giá trị cho người dân doanh nghiệp thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Ngoài ra, bùng nổ thị trường cũng giúp nhà nước cũng được hưởng lợi khi thu về hơn 109 nghìn tỷ đồng khi tổ chức đấu giá thành công đợt bán vốn nhà nước tại Sabeco.

Năm 2007, thị trường chứng khoán đã có những thành công nhất định nhưng ẩn chứa trong đó vẫn còn nhiều nỗi lo khi dòng tiền đổ vào và tệ hại hơn là nếu lịch sử năm 2007-2008 lặp lại.

Ác mộng thị trường chứng khoán 10 năm về trước

Thị trường chứng khoán trong năm 2017 tăng trưởng tốt, tuy nhiên vẫn hàm chứa lo ngại nguy cơ như những gì đã xảy ra năm 2007 – 2008 – thời điểm đạt  đỉnh cao trên 1.000 điểm nhưng đã sụt gần 70% giá trị chỉ trong thời gian ngắn.

Giai đoạn này lạm phát lên tới mức kỷ lục, thâm hụt thương mại lớn…. là những nguyên nhân mất cân đối tài chính vĩ mô, Chính phủ phải thắt chặt tiền tệ, ngân hàng siết vốn đổ vào chứng khoán.

Thị trường không có thêm sản phẩm mới như giao dịch ký quỹ hay bán khống, trong khi repo được yêu cầu triển khai một cách hạn chế. Động thái bán tháo trước lực cầu yếu ớt đẩy chỉ số chứng khoán hai sàn tuột dốc không phanh.

Trong khi đó, nhà đầu tư đã không còn bình tĩnh trước cơn lao dốc không phanh của Vn-Index. Ngừng bán cổ phiếu tự doanh, dừng phát hành trái phiếu Chính phủ, lập quỹ bình ổn giá, ngưng niêm yết mới... là những hiến kế từ khắp nơi gửi về trong bối cảnh Vn-Index sụt giảm thảm hại. Thậm chí, giới chứng khoán còn tính đến khả năng tạm đóng cửa thị trường vài ngày.

Liều thuốc được duyệt để chạy chữa là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước ( SCIC) tung tiền mua cổ phiếu thanh khoản cao. Song SCIC không phải là biệt dược, dù số tiền bỏ ra được dự đoán lên đến 5.000 tỷ đồng. Vn-Index “tỉnh lại” không đầy 10 phiên rồi ngã ngay sau đó.

Hậu quả, phá sản tại hàng loạt các công ty chứng khoán là điều đương nhiên. Có thể nói năm 2008 là mùa thất bát đối với nghề từng được coi là thời thượng. Công ty chứng khoán Asean phải giải thể khi chưa ra mắt chính thức ngày nào. Hay câu chuyện của công ty chứng khoán Thái Sơn phải thanh lý toàn bộ cơ sở vật chất để trả lương cho nhân viên khi cổ đông sáng lập không sẵn lòng thanh toán. Song chưa ai dám khẳng định đây đã là trường hợp phá sản cuối cùng trên thị trường.

Trong số khoảng 100 công ty chứng khoán, hiện có 4 công ty niêm yết cổ phiếu (SSI, BVS, HPC, KLS) và chuẩn bị có thêm HSC. Tuy nhiên, lũy kế 9 tháng đầu năm, BVS cùng HPC lỗ nặng. KLS, HSC tuy thoát được con số âm nhưng lợi nhuận đạt được cũng rất thấp và thua xa so với kế hoạch đầu năm. Riêng SSI, dòng thu nhập trong quý III chủ yếu từ hoàn nhập dự phòng.

Nói đi cũng phải nói lại nhiều chỉ số và diễn biến thị trường năm 2017 và 2007 là khá tương đồng nhưng yếu tố quan trọng về mặt thời điểm là khác nhau. Thị trường chứng khoán sau 10 năm đã có sự phát triển trên nền tảng nhất định là dòng tiền chảy vào và rất nhiều các công ty, tập đoàn lớn có nguồn lực tài chính, con người cũng lên sàn.Từ khi Luật Chứng khoán được Quốc hội ban hành ngày 29/6/2006 và chỉ sau đó 1 năm thị trường đón nhận cú sốc lớn nhưng hiện nay đã qua 10 năm thị trường đã có những bước phát triển ổn định cả người chơi và người bán đều không còn là “tay mơ” nên sự kiện đổ vỡ như năm 2007 vẫn có thể xảy ra nhưng sức tàn phá của nó không thể như năm 2007.

Có thể nói kịch bản thị trường chứng khoán hiện nay và 10 năm trước khá tương đồng và nếu lịch sử lặp lại gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế vĩ mô.

Bước vào phiên giao dịch ngày đầu tiên của năm 2018 (2/1), sau khoảng gần 1h giao dịch, sắc xanh chiếm áp đảo trên bảng điện tử, dù có thời điểm VN-Index đã suýt rơi xuống tham chiếu sau khi bật tăng lên hơn 988 điểm trước đó.

Nhóm 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường đáng mừng có sự trở lại của SAB cùng nhiều cổ phiếu đã tăng ngay khi mở cửa thị trường như VNM, VIC, MSN…

Bên cạnh đó, dòng tiền vẫn chảy mạnh ngay trong phiên đầu năm mới và hướng vào một số mã như DXG, IDI, ASM, HQC… cũng thúc đẩy tâm lý thị trường hơn.

Có thể bạn quan tâm