Thị trường điện thoại di động: Miếng bánh nào cho thương hiệu mới?

Theo thống kê của GfK (Tập đoàn Nghiên cứu Thị trường Công nghệ và Bán lẻ của Đức), hàng tháng tại Việt Nam có tới gần 2 triệu điện thoại di động được bán tới tay người dùng.
Thị trường điện thoại di động: Miếng bánh nào cho thương hiệu mới?

Nếu tính cả con số hàng chính hãng mà hãng này không thống kê được, cũng như hàng đã qua sử dụng thì con số còn lớn hơn rất nhiều. Tính riêng smartphone, các ông lớn tại Việt Nam hiện là Samsung, Apple, Oppo đang chiếm tới trên dưới 80% thị phần về sản lượng (xấp xỉ 70% thị phần về giá trị).

Miếng bánh nhỏ 20% thị phần doanh số còn lại (khoảng 30% giá trị thị trường) là cuộc tranh đua của hàng chục thương hiệu cũ mới, cả nội địa và nước ngoài. Đây thực sự là một cuộc chiến khốc liệt, giữa các thương hiệu Việt như: Viettel, FPT, Mobiistar… với những thương hiệu ngoại như Lenovo, Huawei, Sony, LG, W-mobile, Obi, Asus…

Theo tính toán chưa đầy đủ, trong cuộc đua “đánh chiếm” 20% thị phần còn lại (tương đương khoảng 250.000 máy/tháng) đang có khoảng 40 thương hiệu tham gia. Những bài toán kinh tế cho thấy, nếu một thương hiệu bán được 20.000 máy/tháng thì được coi là thu đủ bù chi. Vậy, số 20% thị phần còn lại, chỉ đủ dành cho khoảng 10 thương hiệu. Ngoài việc cạnh tranh lẫn nhau, các thương hiệu này và cả những thương hiệu mới mới luôn tìm cách lấy thị phần từ các ông lớn. 

Cùng giá với nhau, nhưng so sánh S1 của W-mobile với F1S của Oppo hay J7 Prime của Samsung, thì S1 còn trội hơn về RAM, bộ nhớ trong.

Các hãng nhỏ phải liên tục thay đổi, thậm chí là chạy theo mẫu mã, kiểu dáng, tính năng của những ông lớn, nhất là Apple để nâng cao khả năng cạnh tranh của mình. Ngay khi Apple ra mắt iPhone màu vàng hồng, thì các hãng lập tức có màu vàng hồng. Cảm biến vân tay cách đây 1 năm chỉ có trên các điện thoại cao cấp như iPhone 6S hay Samsung S6edge, thì bây giờ có trên những điện thoại có mức giá bình dân như Mobell Nova X (giá 3 triệu), Huawei GR5  mini (3,9 triệu), Lenovo A7010 (3,7 triệu) cũng có. Chưa hết, cùng giá tiền, thì cần phải có những chức năng, hoặc cấu hình cao hơn. Ví dụ cùng giá với nhau, nhưng so sánh S1 của W-mobile với F1S của Oppo hay J7 Prime của Samsung, thì S1 còn trội hơn về RAM, bộ nhớ trong.

Để tìm chỗ đứng của mình trong chuỗi phân phối, các hãng cũng phải cạnh tranh nhau trên từng điểm bán. Đó là bài toán từ chính sách bán hàng cho đại lý, đến hệ thống quầy kệ, trưng bày máy mẫu đến nhân viên đại diện bán hàng… Chính vì thế mới có chuyện có hãng không theo nổi cuộc chơi đành bỏ đại lý, nhưng cũng có hãng lớn tiếng tuyên bố cứ đại lý nào bỏ hãng khác thì sẽ nhảy vào đầu tư. 

Theo các chuyên gia, việc một (hoặc vài) hãng thuộc nhóm top dưới có thể bứt phá lên gia nhập chung nhóm hoặc thay thế Samsung và OPPO là điều có thể. Tuy nhiên, "họ cần làm nhiều việc liên tục trong một thời gian dài như nghiên cứu và phát triển, marketing, logistic hay dịch vụ chăm sóc khách hàng...". Và để cạnh tranh, các hãng top dưới cần xây dựng những bước chân vững chắc và tạo dựng niềm tin với khách hàng địa phương.

Theo các chuyên gia, việc một (hoặc vài) hãng thuộc nhóm top dưới có thể bứt phá lên gia nhập chung nhóm hoặc thay thế Samsung và OPPO là điều có thể.

Với việc bảo hành và hậu mãi, các hãng nhỏ không có được hệ thống bảo hành rộng khắp vì chi phí rất lớn. Vì thế các hãng nhỏ đang gần như đuối sức trong chất lượng hậu mãi. Đây cũng là lý do mà các thương hiệu lớn dù có giá chênh lệch lớn nhưng vẫn được người dùng tín nhiệm. Để khắc phục điểm này, các hãng nhỏ phải thực hiện chế độ 1 đổi 1 trong vòng 30 ngày, thậm chí 90 ngày để làm hài lòng khách hàng.

Thị trường điện thoại di động Việt Nam chắc chắn sẽ còn nhiều biến động, dù không lớn. Bởi đó là sự vận động của thị trường và sẽ có những tên tuổi ra đi như HK, Sky… Để rồi có thêm nhưng thương hiệu mới. Ngoài các ông lớn đang nắm phần lớn thị phần, thì những thương hiệu ngoại mới như W-mobile, Obi, Vivo,.. đã và đang cố gắng xâm nhập thị trường. Bên cạnh đó, những thương hiệu nội địa như Viettel, FPT, Mobiistar… vẫn đang nỗ lực tìm và khẳng định chỗ đứng của mình.

Dù thành công hay không thì những thương hiệu này đang đang góp phần tạo nên một bức tranh sống động về thị trường điện thoại di động Việt Nam. Và người tiêu dùng Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất. Họ có nhiều sự lựa chọn với mức giá hợp lý và các chức năng, ứng dụng phù hợp cho nhu cầu của mình trên một sản phẩm.

Có thể bạn quan tâm