Thị trường M&A sẽ bùng nổ, đạt giá trị khoảng 7 tỷ USD vào năm 2022

Dưới tác động của đại dịch Covid-19, giá trị M&A của Việt Nam năm 2020 ước đạt 3,5 tỷ USD, chỉ bằng 48,6% so với năm 2019. Tuy nhiên, thị trường có thể phục hồi về mức 4,5-5 tỷ USD vào năm 2021, sau đó bật tăng mạnh hơn với giá trị 7 tỷ USD vào năm 2022.
Thị trường M&A sẽ bùng nổ, đạt giá trị khoảng 7 tỷ USD vào năm 2022

Đây là thông tin được đưa ra tại Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập (M&A) doanh nghiệp Việt Nam thường niên lần thứ 12 - năm 2020 do Báo Đầu tư và Công ty AVM Việt Nam tổ chức tại TP.HCM với chủ đề “Trỗi dậy trong trạng thái bình thường mới”.

Thị trường M&A sẽ phục hồi theo hình chữ V

Theo ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư, virus Corona chủng mới vẫn đang là “quả bom” tàn phá các hoạt động đầu tư – kinh doanh, trong đó có hoạt động M&A.

Báo cáo của Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên hiệp quốc (UNTAD) phát hành ngày 27/10/2020, nghĩa là cách đây chưa đầy một tháng, cho thấy: Đầu tư trực tiếp toàn cầu trong nửa đầu năm nay đã sụt giảm 49% so với năm trước, mức cao hơn rất nhiều rất nhiều so với dự báo, trong đó đầu tư trực tiếp vào các nền kinh tế phát triển chịu thiệt hại nặng nề nhất ở trên mọi lĩnh vực, chủ yếu do các biện pháp phong tỏa và đóng cửa của các quốc gia.

Trong nửa đầu năm 2020, đầu tư trực tiếp vào các nền kinh tế phát triển đã rớt tới 75% so với năm ngoái, trong khi các nước đang phát triển chịu ảnh hưởng thấp hơn rất nhiều, chỉ ở mức 16%.

Đặc biệt, tổng giá trị các thương vụ M&A xuyên biên giới chỉ đạt 319 tỷ USD, trong đó tốc độ sụt giảm tại các nền kinh tế phát triển vốn chiếm tới 80% tổng giá trị thương vụ lên tới 21%.

Trong bối cảnh ảm đạm về kinh doanh đầu tư toàn cầu, Việt Nam nổi lên là một điểm sáng và vẫn được các nhà đầu tư quốc tế đánh giá cao nhờ những nỗ lực cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư – kinh doanh, hiệu quả kiểm soát dịch bệnh và khả năng tranh thủ thời cơ thu hút dòng vốn đầu tư quốc tế đang dịch chuyển…

Giới đầu tư và doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn tin vào sức bật của thị trường M&A trong giai đoạn hậu Covid. Theo dự báo của CMAC, thị trường có thể sẽ hồi phục theo mô hình chữ V trong giai đoạn 2021 - 2022. Theo đó, thị trường có thể phục hồi về mức 4,5 - 5 tỷ USD vào năm 2021 trước khi bật mạnh hơn trở lại với giá trị 7 tỷ USD vào năm 2022.

Nhiều chính sách quan trọng thúc đẩy hoạt động M&A

Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, hoạt động M&A tại Việt Nam có thể hồi phục từ giữa năm 2021 nhờ nhiều chính sách quan trọng của Chính phủ.

Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Cụ thể, trong năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì soạn thảo và trình Chính phủ, Quốc hội thông qua Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) với nhiều cải cách trong thủ tục gia nhập thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong đầu tư, kinh doanh, trong đó có hoạt động M&A.

“Lần đầu tiên, danh mục ngành nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài sẽ được Chính phủ ban hành theo nguyên tắc chọn - bỏ”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương thông tin và đánh giá, đây là cải cách quan trọng, giúp nhà đầu tư nước ngoài được quyền tiếp cận thị trường tương tự như nhà đầu tư trong nước đối với toàn bộ ngành nghề, lĩnh vực không có tên trong danh sách trên.

Song song với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang khẩn trương hoàn thiện Chiến lược thu hút FDI trong thời kỳ mới, với mục tiêu là ưu tiên thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch, quản trị hiện đại…

Bên cạnh đó, ngày 15/11/2020, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vừa được ký kết đã mở ra thị trường mới với gần 30% dân số thế giới và chiếm khoảng 29,1% GDP toàn cầu. Cùng với đó là các Hiệp định thương mại tự do khác như EVFTA hay CPTPP sẽ chắc chắn sẽ tạo thêm động lực cho tự do hóa thương mại và đầu tư khu vực cũng như toàn cầu.

“Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi các hoạt động thương mại, đầu tư bị gián đoạn do đại dịch Covid-19”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh và khẳng định: Dù còn nhiều khó khăn, thách thức đón chờ trước mắt, nhưng hoạt động M&A sẽ có nhiều khởi sắc trong năm 2021 và những năm tiếp theo”.

Đã dần qua cái thời doanh nghiệp Việt “bán mình”

Các chuyên gia dự báo, thị trường M&A sẽ tiếp tục được dẫn dắt bởi các nhà đầu tư ngoại, trong đó tập trung vào 4 quốc gia: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Singapore.  Tuy nhiên, tỷ trọng giá trị M&A mà doanh nghiệp Việt Nam đóng vai trò bên mua đang có xu hướng tăng lên.

Đây là điều hết sức thú vị trên thị trường M&A được ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chia sẻ. Ông Hiếu nhấn mạnh về việc lần đầu tiên trong lịch sử: cả 3 luật Đầu tư, Doanh nghiệp, Chứng khoán đều có hiệu lực vào đầu năm tới, với nhiều quy định cụ thể sẽ tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, bao gồm cả hoạt động M&A.

Đánh giá về việc thực hiện các FTA, ông Hiếu nhận định đã xuất hiện xu hướng các doanh nghiệp Việt mua cổ phần hoặc sáp nhập với các doanh nghiệp nước sở tại để có những điều kiện thuận lợi hơn trong xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài.

“Đấy là kênh thực hiện FTA hiệu quả”, ông Hiếu nói và nhận định: Động thái này cho thấy, đã dần qua rồi cái thời “doanh nghiệp Việt bán mình”, mà là chủ động “cuộc chơi” ra nước ngoài.

Đây cũng là xu hướng mà ông Phạm Duy Khương, Giám đốc Công ty ASL La chờ đợi. Theo ông Phạm Duy Khương, hiện nay, hầu hết các thương vụ M&A lớn đều thuộc về các nhà đầu tư ngoại, còn các doanh nghiệp Việt thường chỉ thực hiện các thương vụ nhỏ, giá trị chỉ 5-6 triệu USD.

“Tôi hy vọng năm 2021 được chứng kiến cuộc chơi của các doanh nghiệp Việt, với các thương vụ lớn, chứng tỏ năng lực tài chính của doanh nghiệp Việt cũng không thua kém doanh nghiệp ngoại”, ông Khương nói.

Ở một khía cạnh khác, dù là doanh nghiệp Việt mua hay bán thì để các thương vụ M&A thành công, vấn đề không phải chỉ nằm ở việc chờ đợi sự mở cửa trở lại các đường bay nước ngoài, để thuận lợi trong gặp gỡ, đàm phán, giao dịch, ra quyết định, mà còn là nhiều vấn đề khác nữa. Trong đó, định giá doanh nghiệp là điều được ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia nhắc đến.

Theo ông Warrick Cleine, thì xu hướng chung, doanh nghiệp Việt thường định giá cao hơn doanh nghiệp của mình, thậm chí đến mức “khôi hài” nên đã tạo ra rào cản lớn ngay từ đầu.

“Các nhà đầu tư luôn muốn việc định giá phải thực tế theo giá trị trường. Nếu đưa giá quá cao thì ngay lập tức nhà đầu tư đã không muốn tiếp nhận thương thảo”, ông Warrick Cleine nói.

Có thể bạn quan tâm