Thời đại của CPTPP: Khi quyết tâm chính trị tạo nên thành công

Chỉ còn đúng 1 ngày nữa, 11 nước “còn lại” của Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ ký tên vào Văn bản cuối cùng của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Thời đại của CPTPP: Khi quyết tâm chính trị tạo nên thành công

Gần một thập kỷ chông gai

Từ khi được Cựu Tổng thống Mỹ Obama khởi xướng và bước vào quá trình đàm phán cho đến nay, CPTPP với tiền thân là TPP đã trải qua gần một thập kỷ với nhiều thử thách và cả nỗ lực nhằm thống nhất ý kiến của các nước thành viên.

"Với bản chất là thỏa thuận thương mại tự do có sự tham gia của 12 quốc gia đều là nền kinh tế thành viên khu vực APEC, TPP đã rất được các quốc gia “bên ngoài” quan tâm vì những nguyên tắc và mục tiêu mà Hiệp định này hướng đến.

Còn nhớ trong Lễ tuyên bố chung vào ngày 11/11/2017, các Bộ trưởng tham gia Hiệp định này đã nhấn mạnh lại rằng, các nguyên tắc và tiêu chuẩn cao của TPP là nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của các nước thành viên, tạo cơ hội mới cho công nhân, các hộ gia đình, nông dân, thương nhân và cả người tiêu dùng.

Nhưng cũng chính tại đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi đều cho biết, quá trình đàm phán Hiệp định đã thật sự rất khó khăn.

Việc Mỹ chính thức rút khỏi TPP vào đầu năm 2017 đã khiến mọi nỗ lực đàm phán gần như rơi vào bế tắc. Và khi muốn hiện thực một “phiên bản mới”, các nước thành viên buộc phải rà soát lại mọi lĩnh vực từ khuôn khổ pháp luật, sở hữu trí tuệ đến đầu tư; đồng thời xem xét lại tình hình cụ thể của quốc gia mình. Không chỉ Việt Nam, tất cả các quốc gia thành viên đều có rất nhiều vấn đề phải điều chỉnh.

Thời khắc mở cửa thị trường 500 triệu dân

TPP bất ngờ đứt gãy trước quyết định của Mỹ, càng mơ hồ hơn khi Thủ tướng Canada Justin Trudeau không đến dự họp trong một phiên họp quan trọng của cuộc chạy đua nước rút. Số phận của TPP đã từng phụ thuộc vào rất nhiều câu chuyện, vào rất nhiều quyết sách và lợi ích của rất nhiều bên. Nhưng sau một cuộc họp kéo dài 2 ngày tại Tokyo, các quan chức cấp cao của 11 nước thành viên đã giải quyết thành công được những vấn đề nổi bật, chốt lại danh sách điều khoản bị “treo” và hoàn tất quá trình thẩm định pháp lý.

Ngoài tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng TPP bên lề Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 ở Đà Nẵng, Việt Nam có rất nhiều những nỗ lực đến phút chót để cứu vãn TPP. Những nước có lợi ích lớn như Nhật Bản, Úc và Việt Nam đều đã rất nỗ lực thúc đẩy. Những gì đọng lại chỉ còn là vấn đề kỹ thuật nhưng khi đã có quyết tâm chính trị thì các nước đều sẽ vượt qua được để tìm thấy tiếng nói chung. Và sự thật, chúng ta – 11 nước thành viên đã thành công.

Ngày 21/2/2017, khi hãng tin Reuters đưa tin “Dự thảo cuối cùng của hiệp định thương mại quan trọng bậc nhất CPTPP đã được công bố” gần như đã chính thức mở ra kỷ nguyên mới cho sự chuyển mình của kinh tế 11 nước thành viên nói riêng và kinh tế APEC nói chung.

Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore Lim Hng Kiang khẳng định, quốc gia này rất hài lòng với kết quả tốt từ CPTPP. “Chúng tôi đã rất nỗ lực nhằm duy trì tinh thần và bản chất của hiệp định trong khi vẫn duy trì tham vọng cao và cân bằng tổng thể”, ông Lim khẳng định với báo giới.

Với thỏa thuận mới, mọi công ty của 11 quốc gia sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường 500 triệu dân với tổng GDP 10 nghìn tỷ USD với những ưu việt về thuế quan và những lợi ích “chưa được tính toán” khác. Lớn hơn cả, thỏa thuận này sẽ là động lực để vượt qua chủ nghĩa bảo hộ đang nổi lên ở một số khu vực trên thế giới.

Bà Kimberlee Weatherall - Giáo sư luật tại Đại học Sydney nhận xét, thay đổi lớn nhất với CPTPP là việc đình lại một loạt các điều khoản của thỏa thuận trước. Rất nhiều trong số đó là những quy định đã từng được đưa vào TPP theo yêu cầu của Mỹ.

Những quan ngại trước giờ G

CPTPP sẽ chính thức được ký kết vào ngày 8/3 tới. Kế hoạch này đã được tuyên bố hồi cuối tháng 1. Sau đó, các nước rất nhanh chóng công bố Văn kiện đầy đủ của Hiệp định đồng thời thể hiện thái độ quyết tâm không thay đổi. Đó là nỗ lực và quyết tâm không thể phủ nhận.

Tuy nhiên, giới quan sát vẫn bày tỏ quan ngại về mức độ sẵn sàng của Canada khi nhớ lại sự kiện mang trên “Thủ tướng Justin Trudeau không tham dự”. Theo nhìn nhận của họ, Canada chưa sẵn sàng tham gia CPTPP vì vấn đề quy tắc xuất xứ với ô tô.

Một nghịch lý rằng, ngành sản xuất ô tô của nước này sẽ không phải cạnh tranh với Mỹ khi tiếp cận thị trường các nước thành viên CPTPP nhưng có thể sẽ khó đáp ứng được quy tắc xuất xứ mới theo CPTPP nếu thiếu Mỹ khi một lượng lớn nguyên liệu sản xuất ô tô của nước này được nhập khẩu từ Mỹ theo ưu đãi trong Hiệp định NAFTA.

Chỉ còn đúng 1 ngày là CPTPP có thể hoàn tất chặng đường đàm phán kéo dài gần 10 năm. Nhưng sau ký kết, CPTPP sẽ còn tiếp tục được “thử lửa” khi phải được các nước thành viên phê chuẩn theo thủ tục nội bộ của các nước và chỉ có hiệu lực sau khi có ít nhất 6 nước thành viên hoàn tất thủ tục phê chuẩn nội bộ này. Nhưng với những nỗ lực không ngừng của rất nhiều bên, hiện thực hoá CPTPP sẽ không còn xa vời.

"Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từng bày tỏ ý định “quay về” TPP nếu có được một thỏa thuận “tốt hơn đáng kể”. Trưởng đoàn đàm phán CPTPP của Nhật Bản Kazuyoshi Umemoto cũng từng trả lời trên Thời báo Nhật rằng, một trong những lý do các nước cố gắng giữ cho văn kiện CPTPP không khác nhiều so với TPP là để khuyến khích Mỹ quay trở lại. Thậm chí, Đại sứ Úc tại Mỹ cũng phát biểu rằng, Úc và các nước thành viên CPTPP vẫn hy vọng Mỹ sẽ “quay về”.

Có thể bạn quan tâm