Thời trang nhanh như Zara, H&M tàn phá môi trường thế nào?

Gây ô nhiễm nguồn nước, sử dụng chất hoá học độc hại và lãng phí nguồn liệu vải, thời trang nhanh đã khiến môi trường phải trả một cái giá quá đắt.
Thời trang nhanh như Zara, H&M tàn phá môi trường thế nào?

Nước thải nhuộm vải được đổ từ nhà máy dệt may ra đường ở quận Ain el-Sirra, Cairo, Ai Cập. Ảnh: Reuters.

Giờ đây, rất ít người gắn bó lâu dài với một bộ phục trang nào đó khi các mẫu quần áo mới liên tục ra mắt. Nhưng trên báo Independent, Patsy Perry - giảng viên cao cấp về tiếp thị thời trang tại Đại học Manchester khẳng định trước khi chào đón đợt giảm giá đầu năm của các thương hiệu lớn, người tiêu dùng cần dành chút thời gian suy nghĩ về tác động khủng khiếp của thời trang nhanh đối với môi trường.

Thời trang nhanh bắt đầu bùng nổ vào những năm 1960 khi người trẻ bắt đầu chuộng quần áo rẻ tiền để theo kịp xu hướng thay cho những bộ trang phục được may đo kỹ lưỡng như các thời trước đó.

Không lâu sau, các thương hiệu thời trang phải tìm cách đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về quần áo giá rẻ, dẫn đến sự mở cửa của hàng loạt nhà máy dệt may lớn tại nhiều nước đang phát triển.

Với khả năng chỉ mất 15 ngày để biến một bộ quần áo đi từ đầu óc của một nhà thiết kế đến vị trí bày bán trên các kệ, sự xuất hiện của Zara vào năm 1989 tại thị trường Mỹ đã mở đường cho cuộc sự bành trướng của nhiều thương hiệu nhanh trên toàn thế giới, trong đó có H&M, Topshop và Forever 21.

Quá nhanh dẫn tới nhiều tác động xấu

Thời trang nhanh như Zara, H&M tàn phá môi trường thế nào? ảnh 1

Những thùng chứa đầy hóa chất tại một nhà máy dệt bị dỡ bỏ ở Ấn Độ. Ảnh: Getty.

Đúng với tên gọi, thời trang nhanh mang đến lượng lớn quần áo mới với tốc độ vô cùng nhanh đi kèm chi phí thấp, tập trung vào những xu hướng mới nhất hoặc phong cách của những người nổi tiếng.

Điều đó cũng đồng nghĩa với tác động xấu lên môi trường sinh sống do áp lực giảm chi phí và thời gian cần thiết để có được sản phẩm. Ngành công nghiệp thời trang nhanh thường xuyên bị chỉ trích vì gây ô nhiễm nguồn nước, sử dụng chất hoá học độc hại và làm tăng lượng chất thải quần áo.

Màu sắc rực rỡ với họa tiết và chất liệu bắt mắt luôn là những yếu tố khiến thời trang nhanh hấp dẫn đến như vậy. Nhưng nhiều điều trong số đó có được nhờ hóa chất độc hại. Nước nhuộm vải chính là thứ gây ô nhiễm nguồn nước nhiều thứ hai toàn cầu.

Sau khi thử nghiệm sản phẩm của một số thương hiệu thời trang nhanh và khẳng định sự có mặt của hóa chất độc hại, gần đây tổ chức Hòa bình Xanh đã phát động chiến dịch Detox để tạo áp lực loại hóa chất độc hại khỏi các sản phẩm thời trang.

Nhiều loại hóa chất này bị cấm hoặc bị hạn chế tại hàng loạt quốc gia vì độ độc hại cao, khả năng tích tụ trong cơ thể con người, làm gián đoạn hormone và tiềm tàng nguy cơ gây ung thư.

Trong ngành hàng may mặc, polyester là loại vải được sử dụng phổ biến nhất. Nhưng khi loại vải này được giặt trong máy giặt gia đình, chúng tạo nên những sợi vải siêu nhỏ (microfiber) làm gia tăng lượng nhựa trong nước biển. Những sợi này rất nhỏ, có thể dễ dàng đi qua nhà máy xử lý nước thải vào các tuyến đường thủy.

Và vì không phân hủy sinh học, chúng trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với sinh vật dưới nước. Những loại sinh vật nhỏ như sinh vật phù du sẽ ăn chúng, sau đó trở thành chuỗi thức ăn cho cá và động vật ăn thịt. Cuối cùng, các sợi siêu nhỏ chui vào dạ dày con người.

Bộ phim tài liệu The True Cost năm 2015 đã cho thấy tác động khủng khiếp của việc sử dụng hóa chất độc hại trong trồng bông, từ cái chết vì ung thư của một nông dân tại Mỹ cho đến nhiều trường hợp dị tật bẩm sinh nghiêm trọng của con em gia đình người trồng bông tại Ấn Độ.

Trồng bông đòi hỏi lượng nước và thuốc trừ sâu lớn. Giờ đây, hầu hết bông được trồng trên thế giới đều đã biến đổi gen, kháng sâu bệnh và đạt năng suất cao. Tuy nhiên, chúng dẫn tới sự ra đời của loại “siêu cỏ dại” có khả năng kháng thuốc trừ sâu thông thường.

Để tiêu diệt “siêu cỏ dại”, nông dân toàn cầu cần phải sử dụng các loại thuốc chống cỏ dại độc hơn, đe dọa nghiêm trọng sức khỏe vật nuôi và con người.

Nhu cầu sử dụng bông hữu cơ đang dần tăng cao (H&M và Inditex - công ty mẹ Zara - nằm trong top 5 doanh nghiệp sử dụng bông hữu cơ nhiều nhất năm 2016). Nhưng nhìn chung, bông hữu cơ vẫn chỉ chiếm chưa đến 1% trong tổng sản lượng bông được thu hoạch mỗi năm.

Lỗi ở thời trang hay là người tiêu dùng?

Thời trang nhanh như Zara, H&M tàn phá môi trường thế nào? ảnh 2

Thời trang nhanh tạo áp lực to lớn lên ngành nông nghiệp trồng bông. Ảnh: Reuters.

Chất thải dệt may là một hậu quả không mong muốn của thời trang nhanh, bởi mọi người mua quần áo nhiều hơn nhưng không giữ chúng lâu như trước đây. Sự bùng nổ của các nhà bán lẻ thời trang nhanh càng khiến vấn đề trở nên trầm trọng.

Các nhà bán lẻ liên tục tung ra các sản phẩm quần áo mới để thu hút khách hàng và thuyết phục họ rằng những món đồ họ đã có không còn hợp mốt nữa.

Giới trung lưu các nước giàu lên, dư dả mua sắm quần áo hơn, nhu cầu sửa đồ cũ mặc lại ngày càng giảm. Bởi vì giờ đây, việc mua đồ mới thậm chí còn rẻ và tiện hơn so với việc mang món đồ đi sửa.

Bên cạnh đó, cuộc sống bận rộn cũng tiêu tốn nhiều thời gian của mọi người hơn so với thế hệ trước. Do đó, người ta ngày càng mất kỹ năng may vá và sửa chữa những món đồ đã cũ. Mà các cửa hàng thời trang nhanh mọc lên như nấm, khiến việc mua sắm trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.

Các mùa giảm giá liên tục ùa đến, khiến quần áo trở thành thứ “có thể dùng một lần”

Hãy tái chế và tiết kiệm

Thời trang nhanh như Zara, H&M tàn phá môi trường thế nào? ảnh 3

Chiến dịch Detox của tổ chức Greenpeace. Ảnh: AFP

Vậy, người tiêu dùng có thể làm gì để giảm tác hại môi trường của thời trang nhanh? Việc lựa chọn một loại vải thân thiện với môi trường là vô cùng phức tạp. Những mặt hàng dệt may được làm từ sợi tự nhiên không nhất thiết tốt hơn so với sợi tổng hợp.

Bởi chất liệu chỉ là một phần rất nhỏ trong toàn bộ tổng thể hàng dệt may. Sợi vẫn phải được kéo, đan, dệt, nhuộm, hoàn thiện, may lại và vận chuyển - tất cả đều có thể gây tác động khác nhau lên môi trường.

Ví dụ, nếu xét đến lượng hóa chất được dùng để tạo nên sợi vải, việc chọn vải hữu cơ sẽ tốt hơn là vải vô cơ. Nhưng cotton hữu cơ vẫn đòi hỏi sử dụng lượng lớn nước và tác động môi trường của nhuộm vải hữu cơ vẫn cao hơn so với nhuộm polyester.

Chính vì thế, chuyên gia Patsy Perry cho rằng cách tốt nhất vẫn là tái chế đồ. Phương pháp này làm giảm tiêu thụ nguyên liệu và chất thải. Với người tiêu dùng, việc sử dụng quần áo lâu hơn, ít mua những món đồ mới hơn sẽ góp phần bảo vệ môi trường.

Theo Zing

Có thể bạn quan tâm