Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Rộng cửa cho các công ty Fintech

Trả lời chất vấn tại Quốc Hội, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết sẽ tập trung xử lý một số vấn đề liên quan đến Fintech trên các mảng dịch vụ của lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Rộng cửa cho các công ty Fintech

Sự phát triển nhanh chóng của các công ty Fintech tại Việt Nam đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải xử lý trong các hoạt động dịch vụ tài chính, ngân hàng. Vấn đề này cũng được một số đại biểu đặt ra tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, đồng thời yêu cầu Ngân hàng Nhà nước đánh giá tác động, đưa ra giải pháp để phát triển hoạt động của các công ty Fintech.

Fintech là viết tắt của từ financial technology (công nghệ trong tài chính), fintech được sử dụng chung cho tất cả các công ty sử dụng internet, điện thoại di động, công nghệ điện toán đám mây và các phần mềm mã nguồn mở nhằm mục đích nâng cao hiệu quả của hoạt động ngân hàng và đầu tư.

Hiện có 2 nhóm công ty Fintech, gồm: nhóm công ty phục vụ người tiêu dùng, cung cấp các công cụ kỹ thuật số để cải thiện cách các cá nhân vay mượn, quản lý tiền bạc, tài trợ vốn cho các startup. Nhóm công ty thuộc dạng “back-office” hỗ trợ công nghệ cho các định chế tài chính.

Fintech đang tạo ra những thay đổi chóng mặt trên thị trường tài chính toàn cầu. Tại Mỹ, với đòn bẩy Fintech, khối lượng vay trực tuyến sẽ chạm mốc 120 tỷ USD vào cuối thập kỷ này so với 20 tỷ USD năm 2015. Đầu năm 2016, 8 ngân hàng hàng đầu Châu Âu đã sa thải khoảng 100.000 nhân viên. Các ngân hàng như Barclays, Credit Suisse, Deutsche Bank và Standard Chartered đã mất khoảng 420 tỷ USD giá trị thị trường bởi sự lên ngôi của Fintech.

Theo đánh giá của Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, Fintech có sự đột phá về công nghệ, tạo ra một lợi thế cạnh tranh và sức ép rất lớn đối với hoạt động của các ngân hàng. Việt Nam hiện có khoảng 70 Công ty Fintech đang hoạt động trên các mảng dịch vụ của lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Do đó, các ngân hàng cần phải có sự hợp tác với các Công ty Fintech nhằm hỗ trợ cung cấp các dịch vụ tài chính, cung cấp nhiều dịch vụ tiện ích cho khách hàng với chi phí hợp lý hơn.

“Quan điểm của NHNN là ủng hộ Fintech và đã thành lập Ban chỉ đạo Fintech để xây dựng khuôn khổ pháp lý, hoàn thiện hệ sinh thái cho phát triển các công ty Fintech ở Việt Nam”, Thống đốc Hưng bày tỏ quan điểm.

Thời gian vừa qua, NHNN cũng đã ban hành các văn bản pháp lý để cấp phép cho 25 tổ chức Fintech cho lĩnh vực thanh toán, qua đó cung cấp cho khách hàng các dịch vụ phí điện tử.

Về giải pháp phát triển các công ty Fintech, Thống đốc Lê Minh Hưng cho hay, NHNN thời gian tới sẽ tập trung xử lý một số vấn đề liên quan đến Fintech, như các vấn đề về công nghệ, chuỗi khối, cho vay ngân hàng, chia sẻ dữ liệu, nhận diện khách hàng… Việc các công ty Fintech và ngân hàng bắt tay hợp tác sẽ tạo sức mạnh cộng hưởng cho phát triển năng động của thị trường ngân hàng tài chính Việt Nam trong thời gian tới.

Theo các chuyên gia, các công ty Fintech có ưu thế về công nghệ, mô hình kinh doanh sáng tạo song lại ít kinh nghiệm trong hoạt động tài chính-ngân hàng. Hệ thống kiểm soát, tuân thủ nội bộ chưa đầy đủ. Mạng lưới tiếp cận khách hàng còn nhiều hạn chế… Do đó, công ty Fintech cần hợp tác với các ngân hàng để tận dụng lợi thế sẵn có của hệ thống ngân hàng với mạng lưới khách hàng, nguồn nhân lực, bộ máy kiểm soát tuân thủ pháp lý chắc chắn hơn.

Fintech và ngân hàng cần hướng tới sự hợp tác đôi bên cùng có lợi, tạo ra sức mạnh tổng hợp cho thị trường dịch vụ ngân hàng, nâng cao khả năng cạnh tranh và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.

>> Thống đốc Lê Minh Hưng: Mức tăng trưởng 6,7% hoàn toàn có thể đạt được trong năm nay

Có thể bạn quan tâm