Thông tư 20 lại gây sóng thị trường xe nhập khẩu

Ngày 1/7/2016 là thời điểm thông tư 20/2011/TT-BCT hết hiệu lực thi hành. Nếu Chính phủ hay Bộ Công thương không đưa ra văn bản duy trì hiệu lực thì xem như “chiếc dây trói tay” đối với các doanh nghi
Thông tư 20 lại gây sóng thị trường xe nhập khẩu

Thông tư 20 lại gây sóng thị trường xe nhập khẩu ảnh 1

Ngày 1/7/2016 là thời điểm thông tư 20/2011/TT-BCT hết hiệu lực thi hành. Nếu Chính phủ hay Bộ Công thương không đưa ra văn bản duy trì hiệu lực thì xem như “chiếc dây trói tay” đối với các doanh nghiệp nhập khẩu xe không chính hãng tại Việt Nam đã được cắt bỏ. Tuy nhiên, cũng giống như thời điểm thông tư trên ra đời cách đây đúng 5 năm, thị trường xe nhập khẩu lại dậy sóng khi sự vui mừng của các nhà nhập khẩu xe không chính hãng lại chính là nỗi lo lắng, bức xúc của các nhà sản xuất, nhập khẩu xe chính hãng. Còn nhớ, thị trường xe nhập khẩu đã từng chứng kiến sự xáo động mạnh sau khi thông tư 20 của Bộ Công thương được ban hành hồi tháng 6/2011. Nội dung của văn bản này quy định các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô mới nguyên chiếc về thị trường phải có giấy ủy quyền của nhà nhập khẩu, phân phối từ chính hãng sản xuất hoặc hợp đồng đại lý chính hãng. Giấy ủy quyền phải do cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài chứng nhận. Khi đó, các doanh nghiệp nhập khẩu xe không chính hãng cũng đã họp lại, làm kiến nghị gửi lên Chính phủ đề nghị bãi bỏ thông tư vì đó là một quyết định chấm dứt sự sống còn của hơn 2.000 doanh nghiệp kinh doanh xe nhập khẩu không chính hãng. Các doanh nghiệp nhập khẩu không chính hãng lúc bấy giờ cho rằng việc ban hành thông tư 20 của Bộ Công thương là một hình thức bảo hộ cho các thành viên VAMA và là “bản án khai tử” đối với các nhà nhập khẩu không có giấy ủy quyền đại lý và chính hãng. Sau 5 năm, tình thế đang quay ngược lại. Những ngày qua, các nhà nhập khẩu chính hãng cũng như các doanh nghiệp sản xuất lắp nội địa như đang ngồi trên đống lửa khi thời hạn hiệu lực của thông tư 20 không còn. Căng thẳng hơn khi các nhà nhập khẩu chính hãng cho biết đã nhận được tin các doanh nghiệp nhập khẩu không chính hãng tổ chức họp báo để kiến nghị lên Bộ Công thương không ban hành văn bản thay thế thông tư 20. Trong khi đó, một đơn kiến nghị của Hiệp hội Các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nam (VAMA) và cả Hiệp hội Các nhà nhập khẩu chính hãng ô tô Việt Nam (VIVA) cũng được soạn thảo để gửi lên Chính phủ kiến nghị vẫn duy trì hiệu lực của thông tư 20 vì nó đã làm tốt vai trò của mình trong việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, góp phần đảm bảo an toàn giao thông và bảo vệ môi trường. Trong khi các doanh nghiệp nhập khẩu không chính hãng nêu lý do nên bỏ thông tư 20 để mở cửa phát triển thị trường ô tô, cũng như đa dạng hóa sản phẩm và giá cả cho người tiêu dùng thì VAMA và VIVA lại bày tỏ lo ngại về vấn đề đảm bảo chất lượng xe và dịch vụ khách hàng, viện cớ các chiến dịch triệu hồi xe hay xử lý sản phẩm thải bỏ sẽ thất bại nếu nhà nhập khẩu không chính hãng vì lý do nào đó dừng hoạt động kinh doanh đột ngột. Vào thời điểm thông tư 20 đang được lấy ý kiến và chuẩn bị gửi lên Chính phủ năm 2011, Thứ trưởng Bộ Công thương lúc bấy giờ – ông Nguyễn Thành Biên từng khẳng định thông tư 20 là một trong những chính sách điều hành xuất nhập khẩu nhằm bảo vệ người tiêu dùng và hoàn toàn phù hợp với các cam kết WTO. Theo phúc đáp của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam gửi VIVA, mọi quyết định nay đều tùy thuộc vào Chính phủ. Cho đến thời điểm này, vẫn chưa có thông tin nào từ Chính phủ liên quan đến việc tiếp tục vận dụng thông tư 20 hay bãi bỏ hoàn toàn. Cuộc chiến giữa các doanh nghiệp nhập khẩu xe chính hãng và không chính hãng sẽ tiếp tục làm dậy sóng phân khúc thị trường xe nhập khẩu trong thời gian tới một khi chưa có phán quyết cuối cùng. Còn đối với giới tiêu dùng, việc lựa chọn dòng xe nhập khẩu không chính hãng hay chính hãng đã thể hiện khá rõ qua sự tăng trưởng của thị trường trong nhiều năm qua và có lẽ với họ, mọi sự cũng chờ vào phán quyết của Chính phủ.

DNSGCT

Có thể bạn quan tâm