Thu phí ô tô vào trung tâm TP.HCM: Khó giảm ùn tắc, thiếu khả thi

Nhiều chuyên gia tham dự Hội nghị phản biện, góp ý dự thảo Thu phí ô tô lưu thông vào trung tâm TP nhận định đề án này thiếu tính khả thi.
Thu phí ô tô vào trung tâm TP.HCM: Khó giảm ùn tắc, thiếu khả thi

Ngày 12/12, Hội nghị phản biện, góp ý dự thảo "Thu phí ô tô lưu thông vào trung tâm thành phố để hạn chế ùn tắc giao thông" đã được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM tổ chức.

Ông Vũ Văn Tuấn, đại diện Công ty CP công nghệ Tiên Phong (đơn vị tư vấn) đã trình bày chi tiết về hệ thống thu phí tự động bao quanh khu vực trung tâm.

“Cụ thể, hệ thống này gồm 34 cổng thu phí, 1 trung tâm điều hành kết nối các cổng thu phí. Khi xe đi qua cổng thu phí, hệ thống sẽ tự đồng trừ tiền trong tài khoản và thông báo tin nhắn cho tài xế. Đối với xe vãng lai, có thể trả phí cho từng lần đi vào trung tâm TP thông qua việc mua thẻ cào tại các điểm dịch vụ trên hoặc thành toán online trước khi tiến hành chuyến đi”, ông Tuấn cho hay.

Về mức phí, đơn vị tư vấn đề xuất mức từ 30.000 – 50.000 đồng. Cụ thể, 30.000 đồng cho taxi; 40.000 đồng đối với ô tô con, xe vận chuyển khách hợp đồng dưới 9 chỗ; 50.000 đồng đối với xe tải, xe khách, xe hợp đồng trên 9 chỗ cố định và xe vận chuyển khách du lịch. Các xe ô tô cá nhân có biển số đăng ký tại khu vực trung tâm thành phố sẽ áp dụng mức phí thấp hơn 25%, bằng mức phí xe taxi. Dự kiến sẽ bắt đầu thu phí từ năm 2020.

Về thời gian thu phí, chỉ thu trong giờ cao điểm từ 6h-9h và 16h-19h.

Đối với đề án thu phí ô tô, nhiều ý kiến cho rằng, TP.HCM đang xây rào chắn bao quanh TP. Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Lâm Thiếu Quân - TGĐ Công ty CP công nghệ Tiên Phong cho rằng điều đó không đúng.

Theo ông Quân, TP không có “lô cốt” nào trên đường. Đó chỉ là những cái 'giá long môn' băng qua đường giống như các trụ giao thông và hệ thống đang đo đếm xe tốc độ hiện nay.

Tiết kiệm hơn 245.000 tỷ đồng?

Ông Lâm Thiếu Quân nhận định: “Tổn thất của toàn xã hội hiện nay do ùn tắc giao thông đã tiêu tốn mỗi năm từ 1,5 - 2 tỷ USD. Nếu triển khai hệ thống này sẽ đem lại hiệu ứng tốt cho toàn bộ nền kinh tế xã hội.

Khi chạy mô hình giao thông, xe ô tô giảm bớt, xe buýt có đường chạy, xe gắn máy lưu thông tăng được khoảng 10%. Thời gian tham gia giao thông của người dân dự kiến tiết kiệm 10 phút.

Ùn tắc giao thông ở cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất

Với 10 phút này, nhân với chi phí của toàn bộ người dân tham gia giao thông, tiết kiệm được chi phí giao thông do tốc độ giao thông tăng lên. Chúng tôi tính ra, là khoảng 12.000 tỷ đồng đến 15.000 tỷ đồng/năm.

Và trong vòng 15 năm dự án, chúng tôi tính toán dự án có thể tiết kiệm cho toàn bộ xã hội khoảng 245.000 tỷ đồng”.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia dự hội nghị nhận định, dự án khó đạt mục tiêu chính là giảm ùn tắc giao thông và thiếu khả thi. Đại diện Phòng CSGT Công an TP.HCM bày tỏ băn khoăn về việc đặt cổng thu phí ở phía các tuyến đường trục chính dẫn vào thành phố.

“Phương án cân tính toán, nếu đặt gần các trạm thu phí BOT người dân dễ gây hiểu lầm. Đồng thời, cần có các bãi đậu xe tại các cổng thu phí để người dân có nơi gửi, để đi phương tiện công cộng vào trung tâm”.

Luật sư Trương Thị Hoà (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng, dự thảo chưa đủ cơ sở, vì luật hiện hành quy định chỉ có 3 loại phí, trong đó không có phí chống ùn tắc giao thông.

"Luật mới có hiệu lực từ tháng 1 năm nay, bây giờ lại bổ sung thêm loại phí này là không nên, người dân đã chịu quá nhiều loại phí. Nếu muốn triển khai đề án thì cần kiến nghị HĐND TP ban hành quy định 'phí chống ùn tắc' nằm chung trong phí sử dụng đường bộ, tránh trường hợp phí chồng phí.

Ở các nước khác, để giải quyết ùn tắc giao thông phải có giải pháp đồng bộ, giao cho một đơn vị vận hành rồi thu phí dịch vụ. Do đó, chuyển phí thành một loại dịch vụ thì sẽ phù hợp với luật pháp hơn.

"Muốn thực hiện dự thảo này, phía đơn vị tư vấn phải nêu rõ hiệu quả, tính khả thi, tác động xã hội của dự án như thế nào; các phương án học tập từ ai, quốc gia nào...", bà Hòa nói.

Còn chuyên gia Hà Ngọc Tường cho hay: “Để đề án khả thi, cần đảm bảo tính đồng bộ trong kế hoạch giảm ùn tắc giao thông và tăng vận tải hành khách công cộng, giảm xe cá nhân. Sở GTVT đã ký hợp đồng với Viện chiến lược Bộ GTVT.

Vì thế, tính đồng bộ của đề án phải được thực thi cùng với đề án Viện chiến lược đang đề xuất. Trong đề án của Viện chiến lược có nhiều vấn đề, không chỉ có thu phí mà còn liên quan xe cá nhân, xe máy, hộ thống xe buýt hiện đại, phải tăng cường vận tải hành khách công cộng thì mới thực hiện giải pháp tiếp theo".

Ghi nhận, tiếp thu các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, ông Võ Khánh Hưng - Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết: sở sẽ tiếp nhận tất cả các ý kiến phản biện và không né tránh khi tham mưu cho UBND.TPHCM. "Sở sẽ phối hợp với các quận huyện điều tra xã hội học qua việc lấy phiếu thăm dò, lấy ý kiến người dân…để làm sao đề án này được hoàn thiện nhất”.

Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN TP.HCM - Vũ Thanh Lưu cũng yêu cầu những vấn đề chuyên gia phát biểu, đặc biệt là đề xuất, trong đó có kiến nghị về sự đồng thuận của lãnh đạo, người dân…thì các sở, ngành cần tiếp thu.

Theo Vietnamnet

Có thể bạn quan tâm