Thu thuế Grab, Uber: Cơ quan quản lý còn lúng túng?

Theo Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính, Uber, Grab hiện không đáp ứng điều kiện nộp thuế VAT theo phương pháp khấu trừ, cũng không đáp ứng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) trên cơ sở kê khai doanh thu,
Thu thuế Grab, Uber: Cơ quan quản lý còn lúng túng?

Tại buổi họp báo thường kỳ quý 3 chiều 11/10, Bộ Tài chính nhận được nhiều câu hỏi của phóng viên về cách thu thuế đối với hoạt động kinh doanh vận tải Uber và Grab tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Đại Trí, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết hiện Uber, Grab không đáp ứng điều kiện nộp thuế VAT theo phương pháp khấu trừ. Đồng thời cũng không đáp ứng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) trên cơ sở kê khai doanh thu, chi phí để xác định thu nhập chịu thuế. Phương pháp thu hiện nay là áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam.

Về cách tính thuế của Uber, Grab, ông Trí cho biết có 2 loại. Thứ nhất phải đóng 3% thuế VAT trên doanh thu được hưởng. Ngoài ra còn 2% thuế TNDN trên tổng doanh thu được hưởng. Cộng cả thuế VAT và TNDN, Uber và Grab đóng là 5% trên doanh thu được hưởng.

Theo quy định về thuế, doanh nghiệp nào xác định được doanh thu, chi phí, thu nhập của hoạt động kinh doanh thì phải nộp thuế theo phương pháp kê khai.

Đối với nhà thầu nước ngoài không đáp ứng điều kiện nộp thuế theo phương pháp kê khai thì áp phương pháp theo tỷ lệ trên doanh thu. Phương pháp này cũng áp dụng với cá nhân kinh doanh có thể xác định được doanh thu nhưng không xác định được chi phí, thu nhập của hoạt động kinh doanh.

Trên thực tế, với các doanh nghiệp taxi truyền thống, việc đăng ký kinh doanh vận tải gắn liền với hoạt động đầu tư dàn xe, treo logo, ký hợp đồng thuê lái xe, chở khách, thu cước và nộp thuế. Mức thuế được phản ảnh vào trong giá cước và lái xe là người thu cước để nộp về doanh nghiệp, trước khi nộp cho nhà nước.

Tuy nhiên, Uber và Grab – với nền tảng công nghệ của mình – đóng vai trò như người môi giới – kết nối giữa khách đi xe và chủ xe. Uber và Grab không đầu tư xe, không là chủ xe, do thế cũng không kinh doanh vận tải khách.

Điều này đang khiến các cơ quan quản lý lúng túng trong cách tiếp cận quản lý thuế đối với loại hình doanh nghiệp này.

Tại buổi họp báo, khi được đề nghị cung cấp số liệu về doanh thu, lợi nhuận và số tiền nộp ngân sách của Uber, Grab, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết sẽ giao cho Tổng cục Thuế cung cấp. Song đây là những số liệu liên quan tới bí mật kinh doanh của doanh nghiệp, theo quy định của Luật Quản lý Thuế, ngành thuế phải tuân thủ để bảo đảm bí mật cho người nộp thuế. Do đó, với những thông tin có thể cung cấp thì Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế sẽ cung cấp cho báo chí.

>> “Số phận” Uber, Grab do UBND các tỉnh, thành phố quyết

Có thể bạn quan tâm