Thủ tướng: Cần huy động vốn tư nhân làm Metro

Họp trực tuyến với lãnh đạo chủ chốt UBND TP HCM về giải pháp giảm ùn tắc giao thông, Thủ tướng nhấn mạnh cần huy động vốn tư nhân làm Metro.
Thủ tướng: Cần huy động vốn tư nhân làm Metro

Chiều 23/1, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, cùng lãnh đạo một số Bộ, ngành đã họp trực tuyến với lãnh đạo chủ chốt UBND Thành phố Hồ Chí Minh về giải pháp giảm ùn tắc giao thông vốn đang diễn ra nghiêm trọng tại Thành phố.

Cùng dự có Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình; Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng và nhiều lãnh đạo các Bộ, ngành. Thủ tướng nhấn mạnh, Thành phố cần huy động vốn tư nhân làm Metro.

"Tính đến cuối năm ngoái, Thành phố Hồ Chí Minh có gần 7,9 triệu phương tiện giao thông, trong đó hơn 90% là mô tô. Mật độ tham giao thông tại Thành phố khoảng 6.000 người/km2, vùng lõi có thể đến 25.000 người/1km2, thuộc tốp 10 thành phố có mật độ cao nhất thế giới.

Trong khi đó, theo theo báo cáo của Thành phố, diện tích đất dành cho giao thông đô thị của Thành phố rất thấp, chỉ hơn 8% trong khi quốc tế là 20%. Toàn Thành phố có hơn 4.000km chiều dài các tuyến đường thì có đến trên một nửa không có vỉa hè khiến người dân không có chỗ đi bộ.

Thành phố còn đang rất thiếu các bãi đỗ xe, chưa có tuyến đường sắt đô thị nào được đưa vào sử dụng. Hệ thống giao thông kết nối khu vực Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất chỉ có một lối ra vào duy nhất, khiến ùn tắc giao thông khu vực này vào giờ cao điểm.  

Gợi ý giải pháp mềm với Thành phố Hồ Chí Minh, đại diện các Bộ cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh nên bố trí lại thời gian học của sinh viên. Ví dụ sinh viên có thể học từ 8-9h thay vì 7h như hiện nay để giảm mật độ tham gia giao thông vào giờ cao điểm.

Bộ Công an đề xuất cần thành lập Trung tâm điều khiển và cứu hộ giao thông ở Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, kết nối với hệ thống camera của nhiều quận huyện để điều phối giao thông hợp lý, giảm ùn tắc. Ủy Ban An toàn Giao thông quốc gia thì đề nghị thực hiện một giải pháp mà nhiều nước đang làm, đó là thu phí vào nội đô, phí đỗ xe trong nội đô.

Về giải pháp phần cứng, đại diện các Bộ đề xuất cần phát triển các đô thị vệ tinh, khống chế phát triển xây dựng nội đô; cân đối tốc độ phát triển đô thị với tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng cho đồng bộ…   

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Thành phố đề nghị, ủy quyền cho Thành phố được quyết định bổ sung, điều chỉnh cục bộ quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh trên cơ sở các quy hoạch đã được duyệt.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, trước mắt, Thành phố Hồ Chí Minh cần tổ chức lại giao thông, phân luồng giao thông hợp lý; có biện pháp điều tiết ô tô tiến tới giảm số lượng ô tô cá nhân, tăng phương tiện giao thông công cộng; đẩy nhanh các tuyến đường sắt đô thị; hoàn thiện các tuyến vành đai đi qua thành phố. Cùng với đó là hoàn thiện thể chế hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông… Để giảm tình trạng quá tải giao thông hàng không, Phó Thủ tướng cho rằng cần phân bổ chuyến bay và đường bay hợp lý hơn.

Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cho rằng, văn hóa tham gia giao thông của người dân thành phố chưa cao, biện pháp xử phạt chưa đủ sức răn đe. Thành phố cần rà soát lại việc thực hiện các chỉ đạo về các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông gắn với trách nhiệm người đứng đầu, xử phạt nghiêm người vi phạm để răn đe; sử dụng các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin để giảm ùn tắc. Cùng với đó là trả lại lòng lề đường cho người đi bộ, không để tình trạng bãi đỗ xe lấn chiếm đường.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay là do quá trình đô thị hóa quá nhanh nhưng hạ tầng lại chưa đáp ứng kịp, trong khi tổ chức quản lý giao thông ở Việt Nam còn bất cập, yếu kém.

Dù lãnh đạo Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều nỗ lực thời gian qua, nhưng thực tế tình hình ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của người dân, mà còn tác động xấu đến môi trường đầu tư của hai thành phố.

Về nhiệm vụ trước mắt, Thủ tướng chỉ đạo Thành phố Hồ Chí Minh xử lý ngay nạn xe dù bến cóc; quyết liệt xử lý một số điểm đen, điểm ùn tắc nghiêm trọng kéo dài. Trong đó phải có biện pháp phân luồng từ xa, tăng cường lực lượng chức năng giải quyết ùn tắc.

Nhấn mạnh thể chế là giải pháp quan trọng để giải quyết ùn tắc giao thông, Thủ tướng chỉ đạo, về lâu dài, Thành phố cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách về quản lý đô thị như quy hoạch, hạn chế tầng cao các tòa nhà khi chưa có hạ tầng giao thông; hạn chế dân nhập cư vào khu trung tâm thành phố:

Thủ tướng nhấn mạnh: “Chính sách thể chế vẫn là quyết định việc này. Nếu không chú ý thể chế về quy hoạch thì chúng ta cứ đi bài lảng vảng trước mắt khó giải quyết. Tôi đã đi Singapore rồi, anh đi vào thành phố đó họ quy định là phải nộp phí cao hơn so với đi đường khác. Cho nên không thể sử dụng ô tô tùy tiện nhiều như thế. Cứ một bước đi một ô tô, một xe máy thì làm sao giải quyết được”.

Đi liền với đó, Thành phố phải có lộ trình hạn chế phương tiện giao thông cá nhân vốn đang tăng quá nhanh gắn với phát triển hệ thống phương tiện giao thông công cộng; tổ chức lại không gian vận chuyển của Thành phố, trong đó có biện pháp xây dựng hệ thống giao thông ngầm thông qua huy động vốn đầu tư tư nhân thay cho vốn ODA.

“Cần huy động vốn tư nhân làm Metro. Nhân đây tôi giao luôn Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội cần kêu gọi hướng này. Năm ngoái Đà Nẵng họ trả ODA lại không làm, nay làm nhà máy nước họ cũng không nhận ODA, vì ODA làm đắt gấp đôi bình thường. Cho nên các đồng chí cần tính cách làm nào hiệu quả hơn, nhất là dân làm được thì để người dân làm. Thứ hai, nếu tiếp tục đẩy ODA thì như ý kiến các đồng chí nêu là trần nợ công đã quá cao. Tôi thấy nhiều tư nhân họ muốn làm cái này” – Thủ tướng chỉ rõ.

Thủ tướng yêu cầu sau Tết Nguyên Đán hai tháng, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh hoàn thiện phương án ngầm hóa hoặc hình thức vận chuyển khác, báo cáo Chính phủ để sớm có cơ chế để triển khai. Thủ tướng đồng ý với đề xuất của Bộ Công an về việc tổ chức hệ thống chỉ huy giao thông để kết nối giao thông tốt hơn, giảm ùn tắc và Giao Bộ Công an và Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp triển khai tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại cuộc họp, theo đề xuất của các bộ và Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng cơ bản đồng ý về chủ trương, tạo cơ chế tốt để Thành phố chủ động xây dựng hạ tầng giao thông, giải quyết vấn đề ùn tắc: “Về việc ủy quyền để nhanh nhất, để tránh vi phạm pháp luật, tôi đề nghị các Bộ: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Xây dựng, từ khi nhận được đề nghị của Thành phố Hồ Chí Minh, trong 21 ngày làm việc, các đồng chí phải có trách nhiệm trả lời, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định. Nhanh nhất, thuận lợi nhất để Thủ tướng Chính phủ quyết định, không để kéo dài như thời gian vừa qua”.

Thủ tướng cũng chỉ đạo Thành phố phát triển các khu đô thị vệ tinh, trong đó có các khu vực như huyện Củ Chi, Hooc Môn và các khu vực khác. Đi liền với đó là mở ra một số tuyến vận chuyện mới đáp ứng nhu cầu giao thông.  

Đối tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, Thủ tướng yêu cầu Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo Thành phố Hồ Chí Minh và các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện các phương án và báo cáo gấp Thủ tướng trước 25/2 để có kết luận về giải pháp giải quyết tình trạng này.

Có thể bạn quan tâm