Thủ tướng: Tiến tới xóa bỏ tình trạng "phạt cho tồn tại"

Tình trạng "phạt cho tồn tại" chủ yếu vẫn do nguyên nhân chủ quan, trong đó không loại trừ nguyên nhân liên quan đến hành vi tham nhũng...
Thủ tướng: Tiến tới xóa bỏ tình trạng "phạt cho tồn tại"

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có văn bản trả lời chất vấn hai Đại biểu Quốc hội liên quan đến nội dung phản ánh tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong đội ngũ cán bộ, công chức và lộ trình tinh giản biên chế của Chính phủ.

"Phạt cho tồn tại có liên quan đến tiêu cực"

Theo đó, trong văn bản trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc về việc cần thiết phải từng bước loại bỏ hình thức "phạt cho tồn tại" - một vấn đề tưởng nhỏ nhặt nhưng lại có sức gậm nhấm phá hoại sự tôn nghiêm của pháp luật và làm hư hỏng bộ máy công chức, là nguyên nhân tệ nạn hối lộ và tham nhũng vặt, Thủ tướng nhấn mạnh: Xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển, hành động quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả, kỷ cương, liêm chính và hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân là những mục tiêu, quan điểm nhất quán của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021.

Để đạt được điều đó, Chính phủ xác định phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo đảm thực thi pháp luật, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Theo Thủ tướng, "Phạt cho tồn tại" là một thực tế đã và vẫn còn xảy ra trong xử lý vi phạm hành chính trên một số lĩnh vực của quản lý nhà nước như quản lý đất đai, xây dựng đô thị, bảo vệ môi trường, giao thông vận tải…

Chính phủ và chính quyền nhiều địa phương đã có các văn bản chỉ đạo và các biện pháp để thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nghiêm cấm việc "phạt cho tồn tại" nên tình trạng này đã từng bước được hạn chế như trong lĩnh vực quản lý đê điều, giao thông vận tải… nhưng vẫn là chưa triệt để, nhất là trong lĩnh vực xây dựng đô thị.

Thủ tướng nhìn nhận, tình trạng này có cả nguyên nhân khách quan nhưng chủ yếu vẫn do nguyên nhân chủ quan, trong đó không loại trừ nguyên nhân liên quan đến hành vi tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, công chức.

Chính vì vậy, để xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển, hành động quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả, kỷ cương, liêm chính và hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân thì phải kiên quyết đấu tranh, loại bỏ mọi biểu hiện phá hoại sự tôn nghiêm của pháp luật, làm hư hỏng bộ máy công chức, nhất là những điều kiện làm nảy sinh tệ nạn hối lộ, tham nhũng, trong đó nhất thiết phải từng bước loại bỏ tình trạng không xử lý nghiêm các vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật mà "phạt cho tồn tại" là một biểu hiện.

Để làm được điều này, trước hết các cấp, các ngành phải tăng cường tính minh bạch, tính nghiêm minh trong thực thi nhiệm vụ, tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành trên các lĩnh vực quản lý để sớm phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm xảy ra.

Dự án 8B Lê Trực, Hà Nội - Một trong những dự án xây sai phép.

Chú trọng thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan chức năng trong việc xử lý vi phạm hành chính để kịp thời phát hiện những trường hợp xử lý không kiên quyết, không dứt điểm đối với vi phạm hành chính; mặt khác cũng cần phải tăng cường lực lượng cán bộ có chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức tốt và trang bị đầy đủ phương tiện làm việc để bảo đảm cán bộ có đủ điều kiện thi hành các biện pháp xử phạt hành chính theo quy định.

Kiên quyết rà soát, sàng lọc cán bộ

Trong khi đó, trả lời Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội) về định hướng trong thời gian tới, Chính phủ đặt mục tiêu trọng tâm ưu tiên tăng trưởng phát triển kinh tế, tăng trưởng GDP hay ưu tiên tháo gỡ các vướng mắc trong thể chế để tổ chức sắp xếp, tinh giản bộ máy, xây dựng bộ máy từ Trung ương đến cơ sở liêm chính, hành động và phục vụ?

Thủ tướng cho hay, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn 5 năm trước là một trong các nội dung của mục tiêu tổng quát của Phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 100/NQ-CP ngày 18/11/2016 về Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 và đã xác định nhiệm vụ "Tổ chức bộ máy Chính phủ tinh gọn, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ" là nhóm nhiệm vụ chủ yếu đầu tiên trong 6 nhóm nhiệm vụ chủ yếu cần tập trung chỉ đạo, điều hành.

Thời gian qua, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước từ Trung ương đến cơ sở, bảo đảm đồng bộ, tinh gọn, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ; phân định nhiệm vụ của các bộ, ngành, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp; không thành lập các tổ chức trung gian; chỉ thành lập tổ chức mới trong trường hợp cá biệt thật sự cần thiết do yêu cầu của thực tiễn.

Cùng với đó là đẩy mạnh tinh giản biên chế, tập trung chỉ đạo, xử lý những sai phạm của cán bộ, công chức, viên chức trên tinh thần kiên quyết, khách quan, công khai minh bạch; trong đó đã xử lý nghiêm một số cán bộ lãnh đạo và công khai kết luận, tạo niềm tin trong nhân dân.

Từ năm 2015 đến nay đã tinh giản được trên 30 nghìn người. Tập trung chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác cán bộ, nhất là tuyển dụng, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý; đã xử lý nghiêm nhiều vi phạm.

Tới đây, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về Chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về sắp xếp, cải cách bộ máy cán bộ, công chức.

Chính phủ cũng sẽ chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy, giảm đầu mối, tổ chức tinh giản biên chế, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả trên tinh thần xây dựng hệ thống hành chính nhà nước kiến tạo, phục vụ nhân dân.

Tiếp tục phân cấp, phân quyền hợp lý, phát huy tính chủ động, sáng tạo, đề cao tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả. Thực hiện nghiêm Nghị quyết và Kết luận của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Cùng với đó là triệt để phòng chống tham nhũng, lợi ích nhóm. Rà soát, hoàn thiện các quy định về công tác cán bộ; kiên quyết sàng lọc, thay thế những người yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác. Ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực trong từng cơ quan, đơn vị; tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ và công tác cán bộ; xử lý kịp thời, nghiêm minh các vi phạm…

Theo Vneconomy

Có thể bạn quan tâm