Thủ tướng yêu cầu xử lý vụ gian lận thi THPT quốc gia

Chiều 1/8, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an điều tra, xử lý vụ gian lận thi THPT quốc gia triệt để, đúng người, đúng tội nhằm lấy lại lòng tin của người dân.
Thủ tướng yêu cầu xử lý vụ gian lận thi THPT quốc gia

Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an điều tra, xử lý triệt để, đúng người, đúng tội, nhằm lấy lại lòng tin của người dân sau vụ gian lận thi cử. Thứ hai, Thủ tướng giao Bộ GD&ĐT rà soát lại phương án tổ chức với kỳ thi THPT quốc gia cũng như vấn đề giao các trường đại học tự tổ chức kỳ thi đại học.

“Chính phủ không bàn thảo luận về việc thi theo hình thức nào, tuy nhiên có học là có thi. Thi cần đảm bảo thực chất, khách quan”.

Trước đó, tại phiên họp Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ quan điểm về vụ việc. Thủ tướng cho rằng, sự cố này đã gây ảnh hưởng lớn đến niềm tin xã hội. Do đó, đòi hỏi cả hệ thống chính trị, cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý rốt ráo.

“Không phải Chính phủ vì bệnh thành tích mà bỏ qua việc này. Chúng tôi sẽ xem xét việc thi trung học phổ thông và thi đại học một cách nghiêm túc để kết luận những vấn đề đặt ra tại phiên họp này rõ ràng, để yên dân”, Thủ tướng khẳng định. 

Đánh giá vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang, Sơn La là những sai phạm rất nghiêm trọng, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng đã xin nhận trách nhiệm.

Tại phiên họp Chính phủ sáng 1/8, thay mặt Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã báo cáo về tình hình tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 và việc xử lý tiêu cực trong khâu chấm thi ở một số địa phương.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo là một trong 9 nhóm nhiệm vụ mà Nghị quyết Trung ương 29 đặt ra để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Thực hiện Nghị quyết 29, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động (Nghị quyết 44), trong đó xác định “Đổi mới việc tổ chức thi, công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh CĐ, ĐH tiến tới tổ chức một kỳ thi chung, lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp và làm căn cứ tuyển sinh đào tạo nghề và đại học, cao đẳng...”.

“Ở đây chúng tôi nói rõ, xảy ra sai phạm thì phải xử lý nghiêm nhưng không vì sai phạm ấy mà phủ nhận toàn bộ kết quả của kỳ thi và vội vàng đề nghị xóa bỏ kỳ thi này như một số ý kiến đặt ra. Trước các sai phạm xảy ra tại một số địa phương, với trách nhiệm của mình, tôi xin nhận trách nhiệm”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu.

Có thể bạn quan tâm