Thuế biên giới - “Gậy ông đập lưng ông” đối với Washington

Động thái tăng thuế nhập khẩu một cách quyết liệt sẽ tạo một gánh nặng lớn lên những người tiêu dùng nội địa, các nhà bán lẻ và các doanh nghiệp khác cũng như các đối tác thương mại của Mỹ ở nước ngoà
Thuế biên giới - “Gậy ông đập lưng ông” đối với Washington

Giới chuyên gia cho rằng đề xuất mới đây của Mỹ về vấn đề thuế biên giới áp dụng đối với hàng nhập khẩu sẽ không chỉ gây trở ngại cho các quy định thương mại toàn cầu và ảnh hưởng tới lợi ích của các đối tác thương mại của Mỹ, mà còn làm hại tới người tiêu dùng Mỹ cũng như tầm ảnh hưởng toàn cầu của nước này.

"Mặc dù mang một số mục đích tốt, trong đó có việc làm tăng tính cạnh tranh của các sản phẩm Mỹ và thúc đẩy các điều kiện thuận lợi cho ngành chế tạo nội địa, thuế biên giới của Mỹ có thể sẽ không bao giờ đạt được mục tiêu mà không phải trả một cái giá cao hơn nhiều.

Kế hoạch thuế biên giới khi được đề xuất ngay lập tức gây sốc cho Liên minh châu Âu (EU) và các đồng minh khác của Mỹ và có thể kích hoạt cuộc tranh cãi lớn nhất trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) bởi ý tưởng này đi ngược lại các nguyên tắc kinh tế căn bản và các quy định thương mại thế giới đã được thiết lập.

Việc đơn phương phá vỡ cân bằng thương mại của Mỹ còn rất có thể sẽ châm ngòi cho các biện pháp "phản công" từ các nước khác, thậm chí là một phản ứng chuỗi trong thương mại toàn cầu mà viễn cảnh tệ nhất là một cuộc chiến thương mại có thể gây tổn thất cho tất cả các bên.

Trung Quốc có đối tác thương mại lớn nhất là EU và đang trải qua quá trình "nâng cấp" lên trình độ sản xuất cao hơn, hướng tới dựa nhiều hơn vào tiêu thụ nội địa. Giới chuyên gia nhận định nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này chưa chắc đã là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ thuế biên giới của Mỹ.

Tuy nhiên, Trung Quốc lại là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Mỹ, nên theo giới quan sát, dự luật thuế biên giới sẽ gây hại hơn là làm lợi cho Mỹ. Số liệu chính thức cho thấy trong tám năm vừa qua, nhập khẩu từ Mỹ vào Trung Quốc đã chứng kiến mức tăng 66,4%.

Một mặt, thuế biên giới sẽ buộc người tiêu dùng Mỹ phải “thắt lưng buộc bụng” do giá nhập khẩu tăng và cũng phải hạ thấp hơn nữa các tiêu chuẩn sống vốn đã bị tác động nặng nề bởi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Mặt khác, chính sách này còn có thể đẩy các đối tác thương mại hàng đầu của Washington "quay lưng" lại với Mỹ để dựa vào nhau nhiều hơn.

Washington thậm chí có thể phải chứng kiến ảnh hưởng trên quy mô toàn cầu của mình giảm sút do mối quan hệ thương mại với các nước lớn trên thế giới đi xuống.

Theo giới quan sát, sự phản đối mạnh mẽ và cảnh báo về sự trả đũa từ EU - có đối tác thương mại lớn nhất là Mỹ - là một lời nhắc nhở đối với chính quyền của Tổng thống D.Trump rằng xu hướng bảo hộ có thể “giết chết” các mối quan hệ hữu nghị.

Có thể bạn quan tâm