“Thuế khoán còn thoả thuận được thì sao hộ kinh doanh muốn lên doanh nghiệp?”

Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thuế khoán khiến các hộ kinh doanh có không gian thoả thuận lớn cho thấy môi trường kinh doanh chưa minh bạ
“Thuế khoán còn thoả thuận được thì sao hộ kinh doanh muốn lên doanh nghiệp?”

Nút thắt khiến các hộ kinh doanh cá thể giảm động lực chuyển đổi thành doanh nghiệp chính là việc thoả thuận về thuế, trốn thuế.

Theo nghiên cứu của VCCI và các tổ chức khác thì khi hoạt động dưới hình thức hộ kinh doanh họ vẫn được hưởng chế độ thuế khoán. Và mức khoán cao hay thấp, tăng nhanh hay chậm nó phụ thuộc rất lớn vào cán bộ thuế. Đồng thời, nó cũng ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu hay chi phí của doanh nghiệp.

Thuế khoán làm tăng không gian "thoả thuận"

"Không chỉ hình thức này có thủ tục hành chính đơn giản mà không gian để các hộ kinh doanh cá thể "thoả thuận" về mức thuế cũng lớn hơn. Quá trình thoả thuận ở đây tính công khai minh bạch thấp, nó còn thể hiện một môi trường kinh doanh chưa minh bạch. Anh quan hệ tốt thì thuế khoán thấp, anh quan hệ chưa tốt thì thuế khoán cao, thậm chí mức tăng khoán cũng cao lên", ông Tuấn cho biết.

Hiện mức thuế khoán nếu không công khai thì rất tù mù, hộ nào biết hộ đấy. Và không công bằng ở chỗ có những hộ kinh doanh doanh thu đi xuống nhưng mức thuế khoán lại tăng lên trong khi những hộ hoạt động hiệu quả doanh thu cao thì lại chỉ đóng mức thuế thấp hơn. Khi công khai như vậy những lợi ích đằng sau sẽ lộ diện, đối với những quy định thuế hiện tại thì điều này rất cần thiết.

Có trường hợp, một địa phương đã công khai mức thuế khoán của từng hộ kinh doanh cá thể, sau đó tổng thu thuế đã tăng lên. Vì không ai giám sát chặt chẽ bằng chính các hộ kinh doanh tự giám sát lẫn nhau.

Ngoài ra, việc nhiều địa phương không hoàn toàn khuyến khích việc chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp cũng là có vì nếu trong mô hình hộ kinh doanh cá thể thì vai trò quản lý của các địa phương sẽ lớn hơn.

"Chúng tôi biết nhiều cán bộ thuế không muốn các hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp vì khi là doanh nghiệp thì đăng ký kinh doanh ở cấp sở, hoạt động kinh doanh công khai, minh bạch hơn. Vai trò quản lý của các bộ cấp cơ sở sẽ hạn chế. Để cho quá trình này diễn ra một cách tự nhiên thì đây cũng là nguyên nhân cần phải phân tích, mổ xẻ và cần triệt tiêu nếu muốn có nhiều doanh nghiệp hơn nữa từ khu vực hộ kinh doanh cá thể", ông Đậu Anh Tuấn cho biết thêm.

Cần thêm động lực cho các hộ kinh doanh "lớn lên"

Gần đây, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư mới về thuế khoán hộ kinh doanh, minh bạch hơn, tăng cường cơ chế giám sát của các tổ chức có liên quan trong việc ấn định mức thuế khoán. Thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa, tạo ra một sân chơi công bằng giữa các hộ kinh doanh thậm chí có quy mô lớn hơn các doanh nghiệp chính thức. Khi nào những lợi thế của hoạt động hộ kinh doanh về giảm thuế không còn nữa thì khi ấy động lực chuyển lên doanh nghiệp sẽ tích cực hơn.

Ngành thuế đã có những chuyển động thực chất và tương đối mạnh mẽ nhằm tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, ví dụ như tháo gỡ khó khăn trong hoàn thuế bằng việc sửa đổi Thông tư 99.

Theo điều tra của VCCI, trước đây doanh nghiệp phải mất 7 ngày từ có quyết định hoàn thuế thì tiền mới về tài khoản của doanh nghiệp, tuy nhiên Bộ Tài chính đã sửa đổi theo hướng gắn với trách nhiệm kho bạc và rút xuống chỉ còn 2 ngày để tiền trả về doanh nghiệp. Đây là bước chuyển đổi rất lớn cho thấy thái độ tích cực của Bộ Tài chính.

Hay như việc bắt buộc Tổng cục thuế thành lập cổng thông tin kết nối với các doanh nghiệp trước ngày 30/4, khi có thông tin trả lời phản ánh của doanh nghiệp thì được đăng tải một cách công khai đầy đủ. Có thể thấy, sự chuyển đổi theo hướng công khai minh bạch của Bộ Tài chính nói chung và Tổng cục thuế nói riêng hướng tới tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

Dù vậy, "vẫn phải có những hướng dẫn riêng dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc kê khai thuế. Về lâu dài thì nên sửa luật thuế, luật kế toán theo hướng có quy chế về thuế và kế toán riêng cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ", ông Tuấn cho biết.

Bộ Tài chính cũng đã sử dụng kết quả điều tra mức độ hài lòng của doanh nghiệp để thúc đẩy kết quả cải cách. Bộ đã tổ chức các cuộc thanh tra công vụ, không công nhận lãnh đạo cục thuế hoàn thành tốt nhiệm vụ nhưng trong quá trình điều tra vẫn thấy còn nhũng nhiễu gây khó khăn cho doanh nghiệp. Đây là cách tiếp cận cầu thị, điều này sẽ tạo sự chuyển động nhanh hơn ở bên dưới, mặc dù, cải cách trong lĩnh vực thuế không phải là dễ.

Ngoài ra, để cho hộ kinh doanh chuyển lên thành doanh nghiệp một cách bền vững cần có động cơ kéo và động cơ đẩy. Động cơ đẩy là ở chỗ họ có động lực khi được chuyển thành doanh nghiệp một cách thuận lợi hơn về thủ tục thuế, tạo cơ hội để họ lớn nhanh, lớn mạnh hơn. Động cơ kéo là ở chỗ đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng minh bạch.

Hiện tại, các hộ kinh doanh có quy mô chẳng kém gì doanh nghiệp nhưng trách nhiệm thuế, trách nhiệm đối với người lao động, nghĩa vụ đối với nhà nước họ có lợi hơn so với các doanh nghiệp hoạt động công khai, minh bạch, đàng hoàng. Việc tạo môi trường công khai, minh bạch sẽ tạo động lực cho các hộ kinh doanh chuyển sang mô hình doanh nghiệp.

Theo Hạ An/Bizlive.vn

>> TS. Lưu Bích Hồ: “Cải thiện môi trường kinh doanh, vai trò chủ yếu vẫn là của bộ máy quản lý!”

Có thể bạn quan tâm